Chính phủ Liên bang đang xem xét quy định ngưỡng tối đa trả tiền mặt. Tháng 02 năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Michael Meister (CDU) cho biết „có thể giới hạn ở mức 5.000 Euro“. Trước đây báo Frankfurter Allgemeine Zeitung đã có thông tin về việc chính phủ đưa ra mức ngưỡng trả tiền mặt với lý do tiền mặt là một phương tiện tài trợ khủng bố quan trọng.
Cũng theo ông Meister, mức ngưỡng quốc gia chỉ cần thiết nếu không có giải pháp chung châu Âu. Vài tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nordrhein-Westfalen đề xuất ngưỡng giới hạn sử dụng tiền mặt tối đa 2000 hoặc 3000 Euro. Ông muốn qua đó ngăn chặn các giao dịch tiền chợ đen và trốn thuế. Giới hạn trên tương tự ở các nước châu Âu khác.
Nghị sĩ đảng Xanh và chuyên gia bảo vệ dữ liệu, ông Konstantin von Notz chỉ trích dự tính của Bộ Tài chính trên Twitter: „Nỗ lực hiện nay hạn chế thanh toán ồ ạt bằng tiền mặt là một cuộc tấn công cơ bản vào dữ liệu cá nhân và bảo mật riêng tư“. Theo chuyên gia tài chánh Volker Wissing, người đã từ giã ghế nghị sĩ FDP, chỉ trích „Chính phủ thật ra không chống tài trợ khủng bố mà chỉ muốn kiểm soát các khoản tiết kiệm“. FDP từ chối ra sắc lệnh cấm sử dụng tiền mặt. „Tiền mặt là biểu hiện của tự do, chúng ta không nên từ bỏ nó“.
Theo một nghiên cứu được ủy nhiệm bởi Bộ Tài chính Liên bang, nước Đức là địa điểm kinh doanh hấp dẫn nên có nguy cơ làm gia tăng hoạt động rửa tiền. Ông Kai-D Bussmann của Đại học Halle-Wittenberg giải thích: „Đức và vài quốc gia khác lôi cuốn việc lưu hành tiền đen“. Rửa tiền mạnh nhất là trong ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản. Theo ông „cửa ngỏ rửa tiền chính là thanh toán số lượng lớn bằng tiền mặt“. Ông đề xuất mức ngưỡng 2000-5000 Euro. Tại Đức khối lượng rửa tiền hàng năm khoảng 100 tỷ Euro.
Khác với Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche Bank, John Cryan, Ngân hàng Liên bang cuối tháng Giêng tuyên bố không có việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong tương lai gần. Jens Weidmann, Giám đốc Ngân hàng Liên bang cho biết „tất nhiên thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên thông dụng, ví dụ qua điện thoại di động, nhưng tiền mặt vẫn sẽ có một số lợi thế trong tương lai vì độc lập, không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng điện tử và rủi ro của nó. Hơn nữa, thanh toán tiền mặt dễ dàng và nhanh chóng“. Cryan trước đó tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos: „Dùng tiền mặt đắt kinh khủng và không hiệu quả. Tiền mặt chỉ làm nội gián cho kẻ rửa tiền và tội phạm, che giấu các hoạt động doanh nghiệp không hợp pháp của họ. Vì vậy thanh toán bằng tiền mặt sẽ biến mất trong thập kỷ tới“.
Các bộ trưởng tài chính EU sẽ xem xét khả năng điều phối giới hạn sử dụng tiền mặt tại châu Âu. Tại cuộc họp ở Brussels tháng 2 năm 2016, Ủy ban châu Âu đặt vấn đề hạn chế sử dụng tiền mặt có thực sự hiệu quả chống tài trợ khủng bố hay không. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble (CDU) tuyên bố „Chúng ta có miếng thảm chắp vá ở châu Âu“. Hiện nay, một số thành viên EU muốn đưa ra ngưỡng hạn chế quốc gia về thanh toán bằng tiền mặt, tại Pháp là 1000 Euro, ở Ý 3000 Euro. Các Bộ trưởng EU hy vọng qua đó đạt được lợi thế trong cuộc chiến chống rửa tiền. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan và Trưởng ban Euro Group Jeroen Dijsselbloem cho biết „Một lượng lớn tiền mặt có thể dễ dàng được sử dụng để tài trợ khủng bố“. Trước đó, Đức và Pháp đưa ra một giới hạn thanh toán bằng tiền mặt trong khối EU. Chính phủ Liên bang đề nghị mức ngưỡng 5.000 Euro. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Tài chính Áo quốc, ông Hans Jörg Schelling, „không nên nghi ngại việc sử dụng tiền mặt. Tôi hoàn toàn ủng hộ một trăm phần trăm việc sử dụng tiền mặt“. Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng cũng hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có „biện pháp thích hợp“ cho tờ 500 Euro. ECB hiện đang nghiên cứu tương lai của tờ tiền Euro lớn, gần đây nhất là thảo luận sôi nổi về việc bãi bỏ tờ 500 euro.
Ủy ban châu Âu vừa đưa ra kế hoạch chống tài trợ khủng bố. Các đề xuất sẽ được cụ thể hóa, trong đó bao gồm biện pháp cải thiện kiểm soát sử dụng tiền ảo và minh bạch hơn khi thanh toán qua thẻ trả trước (Prepaidkarten). Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết „hoàn toàn dấu tên khi thanh toán bằng thẻ trả trước cho thấy rõ ràng có nhiều cách để sử dụng cho mục đích lừa đảo“.
Thanh Thành (tổng hợp)