Vốn đã vấp phải không ít rào cản khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài nay tiếp tục đối mặt với một thực tế mới: hệ thống chấm điểm công dân.
Bắc Kinh hiện đang xây dựng một hệ thống chấm điểm công dân đầy tham vọng. Hệ thống này sẽ thu thập và phân tích thông tin từ 1,4 tỉ công dân của Trung Quốc, đồng thời đánh giá hàng triệu doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại.
Đối với doanh nghiệp ngoại, kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh sẽ tạo ra một trung tâm dữ liệu, chứa toàn bộ thông tin về hợp đồng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tình hình chấp hành luật pháp và số lượng đảng viên.
Theo South China Morning Post (SCMP), các công ty rơi vào danh sách đen có thể đối mặt với một số rào cản như khó tiếp cận nguồn vay vốn chi phí thấp, thuế xuất nhập khẩu cao hơn, hay thậm chí là một số nhân vật quan trọng của doanh nghiệp sẽ bị cấm rời khỏi Trung Quốc.
Nhận định về việc này, bà Kendra Schaefer, trưởng phòng nghiên cứu kỹ thuật số của hãng phân tích chính sách Trivium China, cho biết: “Nỗi lo về hệ thống đó thực chất không nằm ở chỗ các dữ liệu bị thu thập, mà là liệu chúng có được xử lý công bằng hay không”.
Hệ thống đánh giá công dân sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2020. Dù quy định cụ thể vẫn đang được xem xét, giới quan sát nhận định biện pháp này đã gây sức ép lên doanh nghiệp ngoại.
Các công ty quốc tế buộc phải chấp nhận quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề chính trị nhạy cảm.
Bà Schaefer cho biết việc ràng buộc giữa chấm điểm công dân và doanh nghiệp sẽ là cách “chính quyền gây ảnh hưởng tới hành vi”. Ví dụ, nếu một công ty bị xác định vi phạm quy định, điểm của các nhân vật cốt cán trong công ty đó cũng sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp làm ăn với những đối tác bị chấm điểm thấp cũng bị rớt hạng. Điều này về lâu về dài sẽ loại các công ty thấp điểm ra khỏi chuỗi cung ứng.
Chưa đầy một tuần trước, Liên đoàn Bóng rổ quốc gia Mỹ (NBA) đã mất hầu hết các đối tác tại Trung Quốc, sau khi huấn luyện viên của đội Houston Rockets thể hiện sự ủng hộ đối với biểu tình Hong Kong trên Twitter.
Trung Quốc là thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của NBA.