Site icon Thời báo Việt Đức

Trung Quốc trục xuất du học sinh Đức vì nghiên cứu về nhân quyền

David Missal chia sẻ trên Twitter tấm visa bị hủy bỏ ở Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình nhân vật)

David Missal đã học được rằng, hành nghề báo chí ở Trung Quốc không hề dễ dàng, ngay cả một dự án được thực hiện trong lớp học cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Du học sinh người Đức David Missal, 24 tuổi, đang theo học thạc sĩ báo chí tuyên truyền tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.

Anh đã phải rời Trung Quốc trở về Đức vào ngày Chủ nhật (12/8), sau khi các quan chức di trú nói với anh rằng visa du học của anh đã bị hủy bỏ và anh có một tuần để rời khỏi Trung Quốc, theo Fox News.

Missal nghĩ rằng nguyên nhân vì bài báo cáo của anh trong một lớp báo chí, về hoàn cảnh khó khăn của các luật sư nhân quyền bị giam giữ. Missal kể rằng một đại biểu của Đại học Thanh Hoa đã hai lần cảnh báo anh về việc theo đuổi chủ đề nhạy cảm, nhưng anh vẫn tiếp tục vì muốn “tìm hiểu xã hội và chính trị Trung Quốc”.

“Theo một cách nào đó, hai tháng qua tôi đã hiểu thêm về xã hội và chính trị Trung Quốc”, Missal nói, ám chỉ đến trường hợp của chính mình.

Fox News cho biết chính quyền Trung Quốc đã điều tra chất vấn, gây cản trở, thậm chí là bắt chính thức hơn 300 người, một cuộc càn quét lớn nhất tại Trung Quốc đối với các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/7/2015. Một số trong đó đã phải lãnh án tù nhiều năm với lý do âm mưu chống phá nhà nước, trong khi những người còn lại vẫn đang chờ đợi kết án.

Bài báo của Fox News nhận định hành động đối với Missal nhấn mạnh sự nhạy cảm cực độ của Trung Quốc trước những chú ý của nước ngoài đối với cuộc đàn áp. Theo đó, những cụm từ có liên quan đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, rất hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hay Internet của Trung Quốc.

Đàn áp nhân quyền từ trước đến nay vẫn luôn là một vấn đề nóng bỏng ở Trung Quốc, lịch sử từng ghi nhận những cuộc đàn áp thẳng tay ở đất nước này, từ thảm sát Thiên An Môn, cho đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền, những người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, v.v.

Các tổ chức quốc tế đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc lên tiếng trả lời và dừng ngay các cuộc đàn áp. Tuy nhiên, tất cả·đến nay nhận được vẫn chỉ là sự im lặng. Và chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Trung Quốc cũng góp một phần trong nỗ lực nhấn chìm tất cả những bất công vào quên lãng.

Missal nói rằng báo cáo của anh chưa từng được công khai ở đâu ngoài blog cá nhân và YouTube, và số người đã xem có lẽ chưa đến 100 người. Để thực hiện báo cáo, anh đã nói chuyện với một số luật sư và gặp gỡ cô Li Wenzu, vợ của luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), vị luật sư từng bảo vệ các học viên Pháp Luân Công nhưng sau đó bị chính quyền bắt bớ.

Văn phòng truyền thông của Đại học Thanh Hoa cho biết họ cần phải xem xét vụ việc và không thể đưa ra bình luận ngay lúc này.

Theo Minh Hạnh / dkn.tv

Exit mobile version