Site icon Thời báo Việt Đức

Tương lai Trung quốc – Đài loan sẽ ra sao?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Kiểm soát Đài Loan cũng mang nhiều yếu tố địa chiến lược. Đảo Đài Loan được được đánh giá là “tàu sân bay không bao giờ chìm”.

Sau hàng loạt các cuộc tập trận thị uy của Trung Quốc trong tháng 3 và tháng 4 trên Biển Đông và xung quanh eo biển Đài Loan, nhiều người tự hỏi liệu những hành vi mang tính đe doạ như thế có thực sự hiệu quả trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan và đại lục đang trở nên căng thẳng?

Đài Loan: ưu tiên đối ngoại số 1

Vấn đề Đài Loan luôn luôn là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Quy chế cho đảo Đài Loan là vấn đề thể diện, liên quan tới tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng mang nhiều yếu tố lịch sử đặc trưng.

Đối với Đảng Cộng sản trung Quốc (ĐCSTQ), thống nhất Đài Loan là thành tựu duy nhất để cuộc nội chiến xảy ra cách đây hơn 70 năm có thể thực sự kết thúc. Một Đài Loan theo thể chế dân chủ tự do cũng là mối đe doạ lớn đối với tính chính danh của ĐCS, khi xuất hiện một mô hình quản trị quốc gia khác song hành. Kết thúc những gì mà Mao Trạch Đông chưa làm được cũng là một cách khác giúp hoàn thành “Trung Hoa mộng” của Tập Cận Bình.

Xét dưới góc độ lịch sử, nhiệm vụ “nhất thống Trung Quốc” không phải là một thứ gì đó quá mới mẻ. “Thống nhất” luôn liên quan tới xây dựng tính chính danh. Không phải ai cũng để ý rằng toàn bộ lịch sử Trung Quốc được điểm xuyết bởi những khoảng thời gian bị chia rẽ, nội chiến và tranh giành quyền lực giữa các quốc gia. Tái thống nhất với Đài Loan sẽ giúp tăng cường uy tín của ĐCS như là lãnh đạo tuyệt đối của toàn bộ Trung Quốc và là người kế tục đích thực của các triều đại trước.

Kiểm soát Đài Loan cũng mang nhiều yếu tố địa chiến lược. Đảo Đài Loan được được đánh giá là “tàu sân bay không bao giờ chìm”. Bắc Kinh luôn lo sợ rằng một khi các cường quốc nước ngoài kiểm soát được Đài Loan, toàn bộ vùng bờ biển trù phú phía Đông của Trung Quốc sẽ dễ dàng bị tấn công một khi có xung đột xảy ra. Ngược lại, nếu nắm được Đài Loan, nơi đây sẽ trở thành bàn đạp giúp Trung Quốc kiểm soát những điểm nóng chiến lược bên trong cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” và vươn ra “chuỗi đảo thứ hai”.

Những yếu tố trên cho thấy rõ vai trò quan trọng của Đài Loan đối với ĐCSTQ trong hiện tại. Tuy nhiên, việc đe doạ sử dụng vũ lực với Đài Loan sẽ không mang lại nhiều tác dụng.

Thu phục nhân tâm mới là thượng sách

Một khảo sát được thực hiện đầu năm nay bởi Quỹ Dân chủ Đài Loan, một tổ chức ủng hộ độc lập, cho thấy có tới 70% người dân Đài Loan được hỏi cho biết họ sẽ gia nhập quân đội hoặc sẽ tự kháng chiến theo cách của họ nếu như đại lục phát động chiến tranh. Cuộc khảo sát cũng đã chỉ ra rằng giới trẻ Đài Loan đang ngày càng thể hiện xu hướng chống Trung Quốc hơn so với thế hệ trước.

Về thống nhất, 91% nói rằng họ ủng hộ việc Đài Loan duy trì nguyên trạng. Trong khi chỉ có 1,5% mong muốn thống nhất ngay lập tức với đại lục. Có thể thấy, giới trẻ Đài Loan không hẳn là có tâm lý mong muốn hoàn toàn độc lập, mà bên trong họ hiện tại là tâm lý chống Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực để ép buộc Đài Loan thống nhất hoàn toàn không phải là cách tiếp cận khôn ngoan. Nhiều chuyên gia nhận định rằng những bước đi khoa trương vũ khí, tập trận hùng hổ như vừa qua chỉ có tác đụng làm thoả mãn các phe phái diều hâu và tâm lý dân tộc chủ nghĩa bên trong Trung Quốc.

Cách tiếp cận cứng là con dao hai lưỡi. Một mặt nó khiến cho người dân Đài Loan ngày càng xa cách với đại lục về một viễn cảnh thống nhất. Mặt khác nó nuôi dưỡng tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng ăn sâu bám rễ trong lòng Trung Quốc hiện đại.

Tuy nhiên, nếu nói Trung Quốc đã thất bại trong việc “thu phục nhân tâm” có lẽ cũng chưa chính xác. Hiện tại, Trung Quốc là địa điểm thu hút hàng nghìn người trẻ Đài Loan tới đầu tư lập nghiệp hằng năm. Con số này nhiều tới mức Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan phải khuyến cáo chính phủ nâng cao nỗ lực nhằm chống chảy máu chất xám sang đại lục.

Chính phủ Trung Quốc, thông qua các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ trong nước, hằng năm đều tổ chức hàng trăm các chương trình trao đổi sinh viên nhắm tới Đài Loan. Các sinh viên Đài Loan được hỗ trợ tham quan học tập và tìm hiểu văn hoá truyền thống của Hán tộc tại đại lục.

Lợi thế lớn nhất của Trung Quốc trong cách tiếp cận mềm này là kinh tế. Là đối tác kinh tế lớn nhất của nhau, hằng năm vẫn có rất nhiều doanh nhân Đài Loan đầu tư vào đại lục và lực lượng này hoàn toàn hưởng lợi một khi quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên nồng ấm. Tính cố kết về kinh tế hoàn toàn là một lợi thế giúp Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng lên Đài Loan.

Rõ ràng, cách tiếp cận mềm với Đài Loan mới là mũi tên chiến lược. Tuy nhiên, đe doạ sử dụng vũ lực như cách Bắc Kinh thể hiện thông điệp gần đây chỉ làm cho “nhân tâm” ở Đài Loan càng thêm xa cách hơn mục tiêu thống nhất.

Nguyễn Thế Phương

Exit mobile version