Site icon Thời báo Việt Đức

Văn hóa tranh cãi có xa lạ với người Việt không?

Trong tranh luận không nhằm mục đích tìm kẻ thắng người thua mà người ta tìm đến mục đích đồng thuận. Ảnh: pixabay

TBVĐ- Chúng ta đang sống trong thể chế dân chủ, nơi sự khác biệt của con người được tôn trọng. Xã hội phát triển và được điều chỉnh kịp thời nhờ vào những tranh cãi chính trị khốc liệt trên nghị trường giữa các đảng phái. Các thể chế chưa phải là dân chủ thì cho rằng, tranh cãi là thể hiện điểm yếu của cộng đồng, là sai lệch với những cái chuẩn đã được chấp nhận.

Trong khi tranh cãi, cảm xúc của các bên tham gia là một yếu tố rất quan trọng. Cảm xúc càng mạnh, càng khó kiểm soát cuộc tranh luận và dễ dẫn đến tình trạng „không tự kiềm chế được“. Từ khi còn nhỏ chúng ta đã được giảng giải rằng, cãi nhau là không hay, cãi nhau bị cấm thậm chí bị phạt. Ngày nay nền giáo dục hiện đại đã đồng ý cung cấp cho các em phương pháp tranh cãi, chỉ yêu cầu phải có tính xây dựng chứ không phải chỉ để cho xả tức.

Có những con người không bao giờ cãi nhau, có lẽ họ có khả năng giữ „dĩ hòa vi quý“, khả năng chịu đựng vì sợ mất người kia. Những cái không hài lòng được tích tụ qua thời gian và đến một thời điểm nào đó cái van sẽ xả hết, thường không kiểm soát được nữa, có thể phá hủy hoặc làm rung chuyển một mối quan hệ trước đó cứ tưởng rất vững chãi.

Có những người cãi nhau thường xuyên, kể cả những vấn đề nhỏ nhặt. Cũng có thể là họ không muốn thế, nhưng họ không thể học cách tự khống chế mình. Họ không còn khách quan nữa và tất nhiên ít được tôn trọng hơn trong cộng đồng. Nếu cả hai bên đều có văn hóa tranh cãi lành mạnh, việc tranh cãi sẽ củng cố vững hơn mối quan hệ của họ.

Vậy, tranh cãi như thế nào mới có tính chất xây dựng?

– Tuyệt đối tránh là dùng những từ „chẳng bao giờ“, „lúc nào cũng thế“ khi nhận xét đối phương, mà phải nói ví dụ cụ thể đã xảy ra bao giờ. Nếu bạn dồn đối phương vào chân tường bằng những câu đại loại như „Cậu lúc nào cũng…“ chỉ có tác dụng làm cho đối phương khùng lên, khó có được ý kiến xây dựng. Cũng nội dung ấy nhưng bắt đầu bằng, chẳng hạn: „Tôi rất giận….“ hoặc „Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi….“. Nói ra cảm xúc của mình sẽ giúp đối phương chú ý, đó là nền tảng cho cuộc nói chuyện mang tính xây dựng. Nếu dùng những câu mang tính hạ nhục, khiêu khích, ta sẽ xả được một chút tức giận, nhưng chỉ làm cho đối phương tỏ thái độ bất hợp tác hơn. Cũng có thể vì thế mà tình bạn đã dày công vun đắp bị mất trong giây lát.

– Trong khi tranh cãi, không nên moi móc những chuyện của quá khứ mà chỉ nói về những gì đang xảy ra, và phải nói riêng với đối tượng chứ đừng để người thứ ba chứng kiến. Người thứ ba này không liên quan đến câu chuyện. Nếu người thứ ba nghe bạn kể về cái xấu của người kia chưa chắc họ đã tin. Ngay cả khi chuyện đó là sự thật, bạn cũng không được người thứ ba đó tôn trọng. Quan hệ xã hội ngày nay không giống cái bập bênh: Anh xuống thấp thì tôi lên cao! Tôi hạ thấp anh thì người khác đánh giá tôi cũng chẳng hay gì.

– Hãy lắng nghe đối phương trình bày hết, không xen vào, không nổi cáu, cho dù điều đó không phải đơn giản. Bạn hãy chú ý rằng, trong khi tranh cãi, người ta chỉ thấy mình có lý và thường hay bỏ qua biện luận của đối phương.

– Nói lời xin lỗi: Chúng ta là con người, nên ai cũng có thể phạm lỗi. Thế nhưng nói lời xin lỗi là điều khó, đặc biệt đối với người Việt Nam ta. Họ rất dễ có cảm giác bị „mất mặt“. Nhiều người cho rằng, phải xin lỗi nó là biểu hiện của sự yếu thế. Sự thực thì ngược lại, người biết xin lỗi là người mạnh mẽ và có bản lĩnh.

– Cáu giận thường kéo theo mất bình tĩnh. Đó là trạng thái nguy hiểm, một giây không kiềm chế có thể làm đổ vỡ cả công trình đã xây dựng từ lâu, hoặc ít nhất tạo ra vết xước lớn. Ta chủ động đương đầu với cáu giận, chẳng hạn viết nó ra, mô tả sự tức giận của mình, nghĩ đến đâu viết đến đó. Quá trình viết sẽ làm cho suy nghĩ sáng hơn, dễ bình tĩnh hơn.

Mỗi con người trên trái đất này có tư duy, cảm xúc, nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau. Con người cũng là một sinh vật rất cần hơi ấm cộng đồng, rất ít người có thể sống biệt lập không cần ai. Con người cần cộng đồng vì nhu cầu bảo vệ nhau, để cùng nhau thực hiện một việc lớn hơn sức đơn lẻ, giúp đỡ nhau và đặc biệt không bị cảm giác cô đơn trơ trọi. Tạo hóa sinh ra con người khác nhau về tính cách, sự khôn khéo, tính kiềm chế và ở rất nhiều đặc điểm khác nữa. Điều đó có khác gì bộ lông nhọn hoắt của con nhím, dễ đâm và làm đau người khác. Cho nên việc tranh luận giữa người với người phải được coi là một lẽ thường tình.

Trong tranh luận không nhằm mục đích tìm kẻ thắng người thua mà người ta tìm đến mục đích đồng thuận. Nếu không đồng thuận được thì ít nhất người ta cũng học hỏi được từ những cuộc tranh luận ấy.

Mối quan hệ có thể bền chặt hơn, nếu có tranh luận, nhưng các bên tham gia phải là những người độ lượng và luôn tôn trọng „văn hóa tranh cãi“. Người độ lượng sẽ luôn tôn trọng ý kiến người khác, nghiêm túc suy xét quan điểm của họ. Dù có khác quan điểm, họ vẫn giữ được thái độ lịch sự và bỏ qua những lỗi nhỏ của người kia, có lòng tin vào con người, tin vào tính chân chính và đứng đắn của con người. Trước khi tranh luận với một người, ta nên gạt bỏ những định kiến (nếu có) về con người ấy. Bạn gạt bỏ được định kiến tức là bạn thêm cho mình tính khách quan.

Đến lượt bạn nói, nếu có thể bạn hãy nói những điểm tốt của đối phương trước khi trình bày những gì bạn chưa hài lòng. Trong cuộc tranh luận, bạn phải biết lắng nghe, không cắt ngang lời người khác.

Một điểm quan trọng nữa là âm lượng khi tranh luận.

Bạn vẫn giữ được quan điểm của mình mà không nhất thiết phải to tiếng với người đang tranh cãi với mình.

Khi tranh luận ở một „hội nghị bàn tròn“ thì ngoài ra bạn còn phải chú ý rất nhiều điểm khác. Chẳng hạn, bạn giơ tay xin phép được phát biểu và chờ người điều tiết chương trình cho phép chứ không được cắt ngang khi thấy „ngứa tai“. Khi trình bày ý kiến của mình, bạn phải biết sắp xếp, rút gọn khoảng hai phút tạo điều kiện cho người khác nói (rồi sẽ lại đến lượt bạn). Khi bị người điều khiển chương trình ngắt, bạn phải dừng ngay.

Rất nhiều người Việt tranh luận theo bản năng của từng cá nhân chứ họ không được ai hướng dẫn bao giờ nên đôi khi làm hỏng không khí tranh luận lành mạnh. Người Đức được học trong nhà trường phổ thông từ những năm lớp 5 lớp 6 và thường xuyên được thực tập. Chính vì thế họ khá tự tin trong cuộc sống và dễ tôn trọng lẽ phải, dũng cảm nhận lỗi của mình.

Các nhà tâm lý thống nhất với nhau rằng, tranh cãi có văn hóa là động lực của tiến bộ. Chỉ qua cọ sát, người ta mới có thể khẳng định mình hoặc xét lại mình. Có Văn hóa tranh cãi, người ta trở nên nhân bản hơn, đáng trọng hơn và hiểu cuộc đời sâu sắc hơn.

Nguyễn Thế Tuyền – Berlin


 

Exit mobile version