Tại khu vực được mệnh danh là “Little Hanoi” (Hà Nội thu nhỏ) nằm ở trung tâm quận Lichtenberg, Berlin, CHLB Đức, cộng đồng người Việt ở đây gặt hái được nhiều thành công nhưng sống kín đáo và khiêm tốn. Con cái họ được giáo dục tốt nhất trong khả năng, nhưng không phải lúc nào cũng theo ý muốn của cha mẹ.
Tại Đức, có khoảng 150.000 người Việt, trong đó Berlin có 24.000 người. Đây là một trong những cộng đồng người nhập cư lớn nhất ở thủ đô của Đức. Riêng quận Lichtenberg có gần 7.000 người Việt sinh sống. Theo truyền hình Đức ZDF, đa số họ thuộc thế hệ người Việt thứ hai sinh ra và lớn lên ở Berlin, nói tiếng Đức sõi hơn tiếng Việt. Vì vậy, sự gắn kết cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của người Việt để con cái họ không quên nguồn gốc của mình.
Một trong số đó là anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc bộ phận bán buôn thuộc Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Anh Tuấn quản lý bán buôn 500 công ty. Trung tâm này là thế giới của anh, anh là linh hồn ở đây. Anh cũng rất thành thạo tiếng Đức. Nhưng với anh, giữ lại tiếng Việt và văn hóa Việt là điều cực kỳ quan trọng.
Mặc dù tốt nghiệp khoa điện toán, anh vẫn quyết định bỏ nghề và trở thành một trong những nhà quản lý Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Mỗi ngày, công việc dày đặc với người Việt ở đây trong suốt 12 giờ mở cửa. Anh Tuấn quan niệm “cần cù bù thông minh” và luôn lấy tấm gương lao động chăm chỉ của người Việt ở đây để dạy dỗ con cái mình.
Cũng nằm trong quận Lichtenberg, trung tâm dạy võ cổ truyền Việt Nam trở thành một trong số ít địa điểm giải trí của trẻ em người Việt tại Berlin. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị của người Việt. Môn võ dạy giới trẻ biết kiềm chế, kỷ luật và tôn trọng mọi người. Các học viên chăm chú lắng nghe lời dạy của HLV Nguyễn Thành Luân – người có công mang võ thuật của môn phái Nam Hồng Sơn đến Berlin. “Tôi muốn giới thiệu cho người Đức văn hóa và truyền thống của chúng tôi, nhưng quan trọng hơn là khuyến khích giới trẻ gốc Việt không quên văn hóa của mình”, anh Luân nói.
Thường thì giới trẻ người Việt sau khi tan học đến thẳng các cửa hàng của gia đình để phụ buôn bán. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà là một trong số đó. Chị là người mẹ đơn thân và là chủ của một cửa hàng phụ kiện Nageldesign. Chị đã sống ở Đức 26 năm. “Con gái của tôi giúp tôi rất nhiều, nó sinh ra và lớn lên ở Đức, làm việc chăm chỉ, không đi chơi vào những ngày rảnh mà còn giúp tôi bán hàng”, chị nói.
Tuy nhiên, cũng có không ít người trẻ gốc Việt do áp lực quá lớn từ gia đình đã quay lưng lại với đạo đức truyền thống của ngườiViệt. Khi đó, những bậc cha mẹ đứng đối diện với con cái mình và không hiểu bất cứ điều gì. Đó là cuộc xung đột giữa hai thế hệ. Chị Thương Nguyễn kể về nỗi khổ của mình khi con gái 12 tuổi của chị đã bỏ nhà ra đi. Chị từng bỏ lại nhiều thứ ở quê hương để đưa con mình sang Đức với ước mong cho con mình học hành thành tài. Chị nói: “Trong quá khứ, tôi phải làm đủ việc để nuôi dạy con, nhưng giờ ở nơi đây, trẻ em có quá nhiều quyền tự quyết”. Việc giới trẻ người Đức gốc Việt chống đối cách giáo dục truyền thống của cha mẹ mình đang trở thành vấn đề nan giải trong nhiều gia đình người gốc Việt ở Berlin nói riêng và ở Đức nói chung.
Theo Khánh Minh/ Báo Sài Gòn Giải phóng
|