Site icon Thời báo Việt Đức

Vì sao canh bạc ‘Jamaica’ của bà Merkel đổ vỡ?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi đàm phán chính phủ liên minh đơn thuần là mâu thuẫn giữa các đảng, hay là nước cờ chính trị lâu dài đã được toan tính trước của lãnh đạo FDP?

Khi thế giới đang chưa kịp rời mắt chính trường Đức sau sự kiện bầu cử với kết quả có đến bảy Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử Đức, đặt chân vào Quốc hội, thì ngày mới đây đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã từ bỏ việc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh với liên đảng CDU/CSU của bà Angela Merkel và đảng Xanh.

“Cùng hội cùng thuyền” bỏ nhau phút cuối

Trước cuộc bầu cử tháng 9-2017, đã có dự báo về một chính phủ liên minh giữa CDU/CSU với FDP và Đảng Xanh vì ba đảng này có xu hướng chính sách tương tự nhau và có thể nói là “cùng nhìn về một hướng”. Cả ba đảng đều phản đối chính sách ngăn chặn người nhập cư, thay vào đó đưa ra những tiêu chuẩn cho nguồn nhập cư chính đáng (ví dụ: Người tị nạn có tay nghề, tị nạn là trẻ em), cân nhắc tối đa vấn đề trục xuất và sẵn sàng trục xuất người tị nạn trong trường hợp cần thiết.

Có hai điều khác biệt đáng lưu ý giữa CDU/CSU với FDP chính là (i) FDP chưa có đường lối rõ ràng về vấn đề “đoàn tụ gia đình cho người tị nạn”, trong khi CDU/CSU tỏ ra khá cởi mở cho người thân của người nhập cư; (ii) các nhà lãnh đạo của FDP phản đối các đề xuất cải cánh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron như ý tưởng tự do lưu chuyển tài chính nội khối liên minh châu Âu (EU), trong khi CDU/CSU lại có xu hướng ngược lại.

Có lẽ một phần xuất phát từ vấn đề này nên trong các tuyên bố về nguyên nhân của việc từ bỏ đàm phán thành lập chính phủ chung có nội dung cả ba bên (CDU/CSU, đảng Xanh và FDP) mới chỉ thống nhất được vài điểm trọng tâm, trong khi chính sách di dân, trong đó có mục đoàn tụ gia đình, thì không tìm được tiếng nói chung. CDU/CSU muốn mở cửa đón thêm 200.000 người là thân nhân của người tị nạn hiện sống ở Đức, trong khi FDP kiên quyết phản đối.

Vẫn là câu chuyện tiền bạc

Việc khác nhau trong quan điểm “đoàn tụ gia đình cho người tị nạn” có lẽ chỉ là phần nổi của “tảng băng” đã đưa FDP ra khỏi con tàu “liên minh Jamaica”.

Có thể nói FDP là đảng của tầng lớp trung lưu tại Đức, ưa chuộng mở cửa thị trường, củng cố quyền tự do cá nhân, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp. Đó cũng là lý do ngay từ còn tranh cử, FDP đã đánh tiếng với dư luận mong muốn quản lý Bộ Tài chính.

Việc vừa tiếp tục đảm bảo quyền của người nhập cư (với chính sách nhập cư vẫn cởi mở), vừa tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn người thân của người nhập cư (cũng được hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi và trợ cấp từ chính phủ) sẽ khiến FDP khó có thể đề xuất các chính sách cắt giảm thuế lên đến 30 tỉ Euro từ nay đến 2021 (trong khi phía bà Merkel chỉ đề xuất tối đa 20 tỉ Euro cho nhiệm kỳ mới).

Lãnh đạo của FDP Christian Lindner, một người tỏ ra khá bản lĩnh, quyết đoán và không kém tham vọng trước bà Merkel sẽ không dễ “thất hứa” với cử tri đã giúp ông bước vào điện Bundestag ở Berlin, chỉ để chiều lòng ba đảng khối liên minh. Cần nhớ rằng FDP năm 2013 không có mặt ở Quốc hội Đức khi tỉ lệ ủng hộ chỉ suýt chạm mức 5% theo quy định. Tuy nhiên, bốn năm sau, con số này đã chạm mốc 10%, nghiễm nhiên bước chân vào Quốc hội. Việc gia tăng số phiếu gấp đôi của FDP có lẽ đến phần nhiều nhờ vào các đề xuất cắt giảm mạnh thuế đặc biệt cho tầng lớp người khá giả và giàu có trong xã hội.

 Ngoài ra, việc đảng Xanh đưa ra rất nhiều chỉ trích và phê phán về cách cư xử của Christian Lindner và nghi ngờ FDP đã lên kế hoạch rút lui từ lâu càng cho thấy các quan điểm, kế hoạch tài chính của Christian Lindner đã không được đại đa số đảng trong khối liên minh ưng thuận.

Việc rút khỏi đàm phán và chờ đợi có lẽ là nước cờ bảo toàn được uy tín của Christian Lindner, thậm chí có lợi cho vị lãnh đạo FDP nếu Đức tiếp tục bầu cử lại (và FDP đứng về phe đối lập) vì thái độ quyết đoán bảo vệ quyền lợi của người Đức mà Christian Lindner đang khẳng định trước truyền thông.

Thậm chí người ta còn có thể nhìn xa hơn về kỳ bầu cử kế tiếp, khi FDP của Christian Lindner không chỉ dừng ở con số 10% nếu bà Merkel không thể hiện được những bước đi đột phá. Việc Christian Lindner rời khỏi ảnh hưởng của liên minh Jamaica (mà thực chất đa số đều nghiêng về phía bà Merkel) có khi lại là một điểm sáng đáng kể để vị lãnh đạo mới 38 tuổi này nghĩ về những chiến dịch tranh cử có thể mang lại cho ông những kết quả mà ông mong đợi từ lâu.

Điều gì sắp diễn ra tại Đức?

Câu hỏi đặt ra cho nước Đức bây giờ là: Bầu cử lại? Tổ chức chính phủ thiểu số? Hay sẽ lại cùng SPD liên minh nắm quyền? Giới báo chí đưa ra bốn giả thiết: (1) FDP sẽ suy nghĩ lại? (2) Thuyết phục lại đảng SPD? (3) Tổ chức chính phủ thiểu số? (4) Bầu cử lại?

Lịch sử nước Đức đã từng xảy ra một vài trường hợp tương tự và phải bầu cử lại. Không phải chỉ Tổng thống, Thủ tướng hay Quốc hội Đức sẽ quyết định việc bầu cử lại, mà cần phải qua một trình tự nhất định. Theo đó, trước tiên Tổng thống Đức sẽ đề cử Bà Merkel làm Thủ tướng. Nếu không nhận được số phiếu tuyệt đối của Quốc hội, phải bỏ lại phiếu cho Bà trong vòng 14 ngày.

Nếu trong lần bỏ phiếu thứ hai này mà bà Merkel vẫn không đạt được kết quả tuyệt đối, bà sẽ chỉ cần đạt được kết quả tương đối trong lần thứ ba. Trong trường hợp này, Tổng thống Steinmeier sẽ có hai lựa chọn: Một là ông có thể chỉ định bà Merkel làm Thủ tướng hoặc giải tán Quốc hội trong vòng bảy ngày. Nếu ông lựa chọn cách giải tán Quốc hội, trong vòng 60 ngày sau đó sẽ phải bầu cử lại.

Cẩm Chi

Theo Đỗ Thiện (từ CHLBĐ) / plo.vn

Exit mobile version