Site icon Thời báo Việt Đức

Vì sao nhiều người Việt trẻ ở Đức tự sát?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Theo bản năng, con người rất ham sống. Vậy mà thực tế lại có không biết bao nhiêu người tìm đến cái chết, trong đó có giới trẻ ở Đức.

Nhiều năm theo đuổi đề tài tâm lý, trầm cảm và tự tử của người Việt ở Đức và châu Âu, tôi rất buồn khi sổ tay người bị bệnh lý tâm thần và tự tử danh sách ngày một dài thêm. Nhiều bạn trẻ vì thất tình, vì áp lực học tập hay đơn giản là thay đổi hoàn cảnh sống . Để giải quyết bế tắc nào đó cho riêng mình họ chọn con đường tự vẫn.

Trong chưa đầy năm tháng, chính xác có bốn bạn trẻ Việt Nam quyên sinh ở Đức được báo chí đăng tin, chưa kể những chuyện đau lòng khác. Không thể không buồn trước những cái chết thương tâm trong khi các em còn tương lai phía trước.

Có người tử tử vì tình, nhưng thông báo được đưa ra là tai nạn. Hai trường hợp khác một được biết là nhảy lầu, ngoài ra có trường hợp nghi vấn có liên quan đến một trò chơi trên mạng. Một trường hợp khác người thân cho biết là bị trầm cảm.

Cô TH là sinh viên, mới 21 tuổi. Không ai biết thật rõ lý do gì làm cô nhảy lầu tự tử, dù mấy hôm trước bạn bè cho biết trông cô tâm trạng vẫn ổn. Đến cô gái MT. lại cũng mới trò chuyện bình thường với bè bạn và với người thân, cũng không ai thấy cô có biểu hiện gì đặc biệt. Vậy mà cô tự tử. Trước đấy mọi người cho biết người yêu cô muốn chia tay. Hai cô gái trẻ lựa chọn một cách bột phát hay đã có sự chuẩn bị từ trước thì không ai khẳng định được, vì họ không có chúc thư. Chỉ biết họ mới bước vào đời thất vọng bởi tình yêu nên đã chọn cách ra đi để trốn tránh bế tắc. Hai cô gái này đều không có gia đình ruột thịt ở Đức.

Còn cậu con trai T. TH. (22 tuổi), sinh ra ở Đức thì trầm cảm không biết từ bao giờ. Bố mẹ ban đầu không biết, mãi đến khi cậu cắt tay tử tử nhưng được em trai phát hiện nên được cứu sống. Lúc này gia đình mới biết con bị trầm cảm nặng. Hoàn cảnh bố mẹ ly hôn rồi lập gia đình mới. Cậu sống một mình cùng thành phố với bố, mẹ cậu. Không người yêu, công việc cũng chưa đâu vào đâu dù đã học nghề xong. Cậu giao tiếp không nhiều, sống khá khép kín.

Như đã đề cập, nguyên nhân tự tử trong giới trẻ thì nhiều nhưng tựu trung là do bệnh và vấn đề tâm lý. Tâm trạng khổ sở nhất có lẽ là thất tình. Người ngoài cuộc nào cũng bảo rằng họ là người dại dột. Nhưng thực tế nếu là người trong cuộc sẽ khác rất nhiều. Họ không thể đối diện với khổ đau, vì thế không vượt qua được vì lúc này cả tâm hồn đến thể xác đều đau đớn không chịu nổi.

Ca sĩ Nam Em kể về tình yêu cô giành cho danh hài Trường Giang trong bế tắc. Cô đã kể rất thật cái cảm xúc của mình khi đau khổ. Nó không chỉ tinh thần xuống dốc mà nó đau đớn không chịu nổi. Ai trải qua mới thấm hai chữ “thất tình”, nhưng làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này là một vấn đề không đơn giản. Nam Em tỉnh táo hơn nhiều cô gái khác, cô vào viện để điều trị rồi chọn giải pháp trải lòng và đối diện. Mặc cho nhiều thứ làm cô rất đau khổ nhưng cô đã vượt qua.

Cách đây nhiều năm, cô Tâm Phan lúc này còn là một cô gái bình thường chưa phải là nhà văn Tâm Phan nổi tiếng như bây giờ. Điều gì khiến cô nhanh chóng nổi tiếng chính là cuốn sách tự truyện của mình “Hồi ký Tâm Phan”. Đấy là tính định hướng tích cực của cuốn sách này. Trong sách cô đã kể lại mối tình đặc biệt của mình và cô đã tỉnh cơn mê tình ái mang tính lệ thuộc ra sao? Cô quyết định chia tay sau năm năm yêu nhau như bao người yêu nhau khác để chọn cho mình một con đường mới phù hợp hơn dù lúc đó cô cũng rất đau khổ. Nhờ sự thay đổi đó mà cô đã có một cuộc đời tươi sáng hơn như thực tế bây giờ.

Cuốn sách như một tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh vào tâm thức của nhiều cô gái trẻ cùng hoàn cảnh. Họ đã tỉnh táo nhìn nhận vấn đề và tự đổi thay tìm cho mình con đường mới phù hợp hơn. Họ nhận ra rằng, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.

Nhưng đáng tiếc không phải cô gái, chàng trai trẻ nào cũng đọc sách về tâm lý hay kỹ năng sống. Không ai hướng dẫn, gia đình ở xa, nhưng gần thì sao? Rất nhiều bạn trẻ bị cha mẹ ép buộc làm những điều mình không muốn. Không cho học nghành mình thích hay yêu người mình yêu. Hay thường chê bai xúc phạm, khiến cho con cái mất hết tự tin. Không tự tin làm gì cũng khó thành công. Không thành công trong học tập hay công việc lại càng bị đánh giá khắt khe hơn. Trong đó có cả những gia đình dùng hình thức bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác. Trong hoàn cảnh chán chường bế tắc đó, họ tìm cách quyên sinh. Thiếu môi trường sống lành mạnh, thiếu sự thấu hiểu nâng đỡ của người thân. Giới trẻ vừa mới lớn rất dễ dàng rơi vào trầm cảm, không phương hướng, không có niềm vui sống ngoài một màu đen tối.

Qua thời gian tìm hiểu đề tài trầm cảm và tự tử của người Việt ở Đức, tôi nhận được nhiều chia sẻ của những người khủng hoảng tinh thần và muốn tìm cách tự tử nhưng may mắn họ đã vượt qua. Qua đấy có thể kết luận, quan trọng là nhận thức của bản thân người trong cuộc, sau đó là sự sẻ chia quan tâm đúng hướng của người thân.

Lời khuyên đúng nhất là tìm đến bác sĩ tâm lý, không nên lảng tránh hay giấu giếm vì bệnh tâm lý cũng như như những bệnh lý khác cần được điều trị hợp lý theo khoa học. Ngoài ra còn có những lý do như một số thuốc bệnh có thể gây trầm cảm. Cũng như trong gia đình có gen tự tử hoặc trầm cảm. Vì thế rất nên đến bác sĩ tâm lý khi thấy tinh thần mình không ổn. Dù chỉ là cảm thấy quá căng thẳng trong học tập hay áp lực công việc cũng như mâu thuẫn với gia đình, người yêu hay đồng nghiệp, bạn bè.

Thiên Nga

Exit mobile version