Site icon Thời báo Việt Đức

Vì sao xe cứu hỏa màu đỏ còn xe buýt trường học màu vàng, dù đều là xe ưu tiên: Câu hỏi trẻ con khiến 50 doanh nhân “cứng họng”, nhưng là mấu chốt thành công trong kinh doanh

Không phải ngẫu nhiên mà xe cứu hỏa có màu đỏ, còn xe buýt trường học lại có màu vàng. Nếu hiểu được lý do đằng sau, bạn đã nắm được bí quyết để trở thành một doanh nhân giỏi.

“Bố ơi?”, tiếng con gái 5 tuổi của tôi vang lên từ ghế sau. “Tại sao xe cứu hỏa lại màu đỏ ạ?”

Tôi chưa từng nghĩ về điều này. Tại sao xe cứu hỏa màu đỏ ư? Có lẽ là để cho dễ nhìn, nhưng tôi cũng không chắc lắm. Thay vì trả lời, tôi dùng mẹo mà các phụ huynh vẫn dùng – hỏi ngược lại con: “Thế con nghĩ là vì sao?”

“Con nghĩ là để dễ nhìn và gây chú ý”, con bé suy nghĩ. “Nhưng nếu thế thì tại sao xe buýt trường học lại màu vàng, nếu cũng để cho dễ nhìn và gây chú ý?”

Câu hỏi này khiến tôi vô cùng bất ngờ.

Màu sắc của xe cứu hỏa và xe buýt trường học

Sau khi đưa con đi học và đến cơ quan, tôi đã tra Google để tìm hiểu “tại sao xe cứu hỏa màu đỏ”. Theo nhiều nhà nghiên cứu, vào thời kỳ đầu, hầu hết các xe ô tô đều có màu đen. Màu đỏ tuy có giá thành cao hơn nhưng lại giúp xe cứu hỏa trở nên nổi bật và dễ nhìn hơn.

Xe buýt trường học lại đặc biệt hơn, bởi màu vàng của chúng có hẳn tên gọi riêng: màu vàng bóng dành cho xe buýt trường học. Màu này được chọn tại một buổi hội thảo năm 1939 bởi đại diện đến từ tất cả các bang của Mỹ, cùng với chuyên gia về màu sắc của DuPont và Pittsburgh Paints.

Vàng là một trong số những màu dễ nhìn nhất vào ban đêm, trong khi đỏ lại khó phân biệt hơn. Ngoài ra, mắt con người sẽ nhận diện màu vàng tốt hơn 1,24 lần so với màu đỏ trong tầm nhìn ngoại vi. (Tầm nhìn ngoại vi là vùng nằm ngoài khu trung tâm những gì bạn nhìn thấy rõ.)

Tôi đã tìm ra câu trả lời, nhưng chúng lại trái ngược nhau. Xe cứu hỏa được sơn màu đỏ để cải thiện tầm nhìn, nhưng xe buýt trường học cũng được sơn màu vàng để cải thiện tầm nhìn. Vậy tại sao xe cứu hỏa lại không được sơn màu vàng để đạt hiệu quả cao hơn?

Xe cứu hỏa đã từng đổi màu sơn, nhưng không thành công

Vào thập niên 70, một nhóm các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng nếu muốn làm xe cứu hỏa trở nên dễ nhìn hơn, đỏ không phải là lựa chọn thích hợp nhất. Một số lãnh đạo trên thế giới đã đề xuất sơn lại màu xe cứu hỏa thành vàng hoặc vàng chanh nhằm làm tăng độ nổi bật của loại phương tiện này.

Thế nhưng, buồn cười ở chỗ là sau khi sử dụng màu sơn khác, tỷ lệ tai nạn liên quan đến xe cứu hỏa chẳng những không giảm mà còn tăng. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Một nghiên cứu năm 2009 đã đưa ra vài kết quả khá thú vị. Màu sơn không phải là yếu tố duy nhất góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông. Một yếu tố khác liên quan là khả năng nhận biết nhanh nhạy một loại phương tiện đặc thù của người đi đường.

Trong tâm trí của hầu hết mọi người, xe cứu hỏa có màu đỏ tươi. Do đó, việc màu đỏ khó nhìn hơn màu vàng cũng chẳng vấn đề gì, miễn là cánh tài xế có thể nhận diện được xe cứu hỏa một cách nhanh chóng. Họ mặc định xe cứu hỏa phải có màu đỏ nên việc dùng sơn đỏ thật ra lại rất hiệu quả, dù đây không phải là màu dễ nhìn nhất.

Bài học kinh doanh từ màu sắc của những chiếc xe

Không lâu sau đó, tôi đã đem vấn đề này tới thảo luận tại một trong các lớp học quản trị kinh doanh của mình. Tôi hỏi 50 học viên điều mà con gái mình đã thắc mắc trước đó: “Tại sao xe cứu hỏa lại màu đỏ?”

Chỉ có vài cánh tay giơ lên. “Em nghĩ chúng có màu đỏ để cho dễ nhìn hơn”, một người trả lời.

“Ý kiến hay đấy!”, tôi đáp. “Còn ai có câu trả lời khác không? Hay mọi người đều đồng tình như thế?” Tất cả các học viên gật đầu.

Đến lúc này, tôi mới đề cập mấu chốt vấn đề: “Nếu xe cứu hỏa được sơn màu đỏ cho dễ nhìn, vậy tại sao xe buýt lại có màu vàng?”

Cả lớp im lặng mất vài giây. Nữ học viên trả lời ban đầu tiếp tục giơ tay phát biểu. “Có phải vì màu vàng cũng khiến cho xe trở nên nổi bật hơn không ạ?”, cô đoán.

“Đúng thế”, tôi đáp. Sau đó, tôi kể cho cả lớp nghe về phát hiện lý thú của mình. Tôi giải thích về màu sắc của xe cứu hỏa và xe buýt trường học, rồi nêu lý do tại sao lại khó đổi màu các loại xe này.

“Chắc các bạn đang tự hỏi tại sao chúng ta lại bàn về màu sắc của xe cứu hỏa và xe buýt”, tôi nói sau khi đã kể hết mọi thứ. “Tôi nghĩ câu chuyện này ẩn chứa một bài học kinh doanh quan trọng và tôi muốn các bạn tìm hiểu điều đó.”

Cả lớp lại ngồi im lặng một lúc. Tôi đã khiến họ hoàn toàn bất ngờ như dự định. Khi thấy không ai có ý định trả lời, tôi mới bắt đầu giải thích.

“Là doanh nhân, chúng ta thường cho rằng cách tốt nhất để cạnh tranh là xây dựng một số giải pháp khách quan tốt hơn. Nói cách khách, đa số đều tin rằng hiệu quả của sản phẩm mới là mấu chốt để thành công trong kinh doanh”, tôi nói.

“Thế nhưng màu của chiếc xe cứu hỏa đã nói lên một câu chuyện khác. Về mặt khoa học, đỏ không phải là màu tốt nhất để khiến xe cứu hỏa trở nên dễ nhìn. Tuy nhiên, điều đó chẳng quan trọng bởi tất cả mọi người đều mặc định rằng xe cứu hỏa màu đỏ. Vì thế, màu đỏ hiệu quả hơn, dù về mặt khách quan, nó không phải là lựa chọn tối ưu nhất.”

Tiếp theo, tôi hỏi cả lớp: “Hiểu điều này rồi thì các bạn rút ra điều gì về thói quen mua hàng của người tiêu dùng?”

Nữ học viên nọ lại tiếp tục giơ tay lần thứ ba: “Nó cho chúng ta thấy rằng, trong quá trình mua bán, kỳ vọng và niềm tin của người tiêu dùng còn quan trọng hơn bất cứ thước đo định lượng nào đi chăng nữa”.

“Chính xác”, tôi nhận xét. “Trong thế giới thực – nơi mà các doanh nhân làm việc, sự thật khách quan không phải thứ gì to tát, thậm chí còn chẳng tồn tại. Điều quan trọng nhất là kỳ vọng của khách hàng mục tiêu. Bạn phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và cung cấp sản phẩm dựa vào sự hiểu biết về họ. Nếu không, bạn sẽ chỉ làm hỏng việc thay vì tạo ra kết quả như ý.”

Sau đó, tôi trình chiếu các hình ảnh về xe cứu hỏa, cả cũ lẫn mới, cho các học viên cùng xem.

“Trái với quan niệm của nhiều người, xe cứu hỏa hiện đại giờ không chỉ được sơn mỗi màu đỏ. Chúng sẽ được sơn kết hợp 2 tông màu: đủ đỏ để người đi đường biết đó là xe ưu tiên, màu còn lại giúp xe phản xạ ánh sáng tốt hơn vào ban đêm”, tôi giải thích.

Nói cách khác, thay vì dẹp bỏ quan niệm vốn có, các cơ quan cứu hỏa hiểu rằng họ phải cải thiện tình hình dựa trên kỳ vọng sẵn có. Muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn phải học được điều tương tự.

(Bài chia sẻ của Tiến sĩ Aaron Dinin – giảng viên ngành Đổi mới & Quản trị Kinh doanh tại ĐH Duke, Mỹ)

(Theo Medium)

Nguồn: ttvn.toquoc.vn

Exit mobile version