Site icon Thời báo Việt Đức

Việt Nam: Bỏ Tết Nguyên Đán: Cách mạng hay bi kịch?

Ảnh: Trung Hiếu

TBVĐ- Cuộc tranh luận “có nên bỏ Tết Nguyên Đán” và chỉ ăn Tết Tây để hội nhập thế giới đang diễn ra kịch liệt trên các diễn đàn mạng xã hội và báo chí.

Những người ủng hộ giữ Tết Nguyên Đán (Tết Ta) thì cho rằng đó là nét đẹp của dân tộc, mang tính truyền thống ngàn đời, không ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam. Trái lại, nhóm người đòi tổ chức Tết Ta gộp vào Tết Tây nhằm đưa Việt Nam “khớp lịch làm ăn” với bạn bè quốc tế. Họ cho rằng: Tết Ta đang làm lệch lịch làm ăn với những doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập đoàn, đối tác từ nhiều nước phương tây; Tết Ta đang bị biến tướng kéo theo mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, bạo lực, cướp giật, thậm chí là hối lộ và tham nhũng.

Bỏ Tết Ta là cuộc cách mạng…

Nhà văn trẻ Tuệ Nghi viết rằng “Chúng ta chọn mở rộng phát triển kinh tế, giao thương với các nước châu Âu, châu Mỹ hay chọn chỉ quanh quẩn làm ăn với các nước láng giềng cùng đón Tết như ta?” Tuệ Nghi khẳng định “cái hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn?”

Trong khi đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân, người đề xuất đón Tết Ta vào dịp Tết Tây cách đây 11 năm, vẫn bảo lưu quan điểm khi nói với báo VTC rằng: “Từ từ chúng ta sẽ chuyển sang ăn Tết cùng ngày với thế giới. Và, từ từ rồi chúng ta cũng sẽ nhận ra mình có thể làm được như Nhật Bản cuối thế kỷ 19 là chuyển sang ăn Tết Tây. Nhật Bản bây giờ, nhờ thế mà từ nước Á Châu đã trở thành cường quốc kinh tế”. Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cũng đề xuất Việt Nam cần phải có lộ trình để gộp Tết Ta vào Tết Tây để con cháu ở nước ngoài cũng có thể về sum họp cùng gia đình trong những ngày trọng đại của một năm. Bà Lan lập luận sau Tết Ta thì mọi người vẫn giữ nguyên tập quán “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nếu còn Tết Nguyên Đán thì vẫn còn theo kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

hay sẽ là bi kịch dân tộc?

Xét một cách công bằng, Tết Ta không phải là nguyên nhân của những “biến tướng”. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore chẳng phải là những quốc gia giàu có nhưng vẫn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có Tết cổ truyền hay sao? Xét ở góc độ kinh tế, Tết Ta là một chỉ dấu tích cực cho các hoạt động du lịch, kích cầu phát triển kinh tế. Các nước phương Tây, việc nghỉ lễ tết luôn được khuyến khích và nghỉ rải rác quanh năm nhằm kích thích người dân mua sắm, giảm áp lực tồn đọng hàng hóa, củng cố đời sống tinh thần người lao động. Từ khóa “Tết Nguyên Đán Việt Nam” (tiếng Anh) ngày càng phổ biến trên các bản đồ du lịch quốc tế, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu văn hóa và cả của những người yêu thích du lịch.

Ở góc độ văn hóa, Tết Ta đánh dấu thời khắc chuyển giao từ đông sang xuân của nông lịch, thuận lợi cho mọi thứ bắt đầu sinh trưởng tươi tốt. Thế nên tục hái lộc đầu năm, du xuân, hội họp gia đình hay chúc tụng tốt lành dịp Tết Ta không phải mang ý nghĩa của ngày nghỉ lễ ăn chơi, mà hàm chứa giá trị gia đình, giá trị thịnh vượng. Bi kịch của một quốc gia là bản sắc bị xóa bỏ, dẫu có viện lý do hội nhập phát triển kinh tế. Trong khi nhiều người Việt kỳ vọng Tết Ta trở thành một Di sản Văn hóa Phi Vật Thể của Thế giới trong tương lai gần; nhiều người nước ngoài tìm hiểu về Tết Ta Việt Nam thì tại sao chúng ta lại phải bỏ đi một giá trị tốt đẹp như thế? Thay vào đó, hãy thu xếp ngày nghỉ Tết Nguyên Đán hợp lý, đề ra các giải pháp mang tính thể chế và giáo dục để Tết cổ truyền được sống theo đúng kỳ vọng mà ông bà xưa đã đặt để: thời điểm cho sự đoàn tụ và khởi đầu thịnh vượng.

Nhật Bản bỏ Tết truyền thống: vui ít, buồn nhiều

Lấy vị thế của Nhật Bản hiện nay để biện giải cho việc bỏ Tết truyền thống như Giáo sư Võ Tòng Xuân là một phép suy luận không logic. Một là, xây dựng chính sách quốc gia lấy chỉ số tăng trưởng kinh tế làm trung tâm một cách thực dụng, máy móc không phải là giải pháp bền vững. Hai là, quan hệ nhân quả của việc Nhật Bản bỏ Tết cổ truyền và sự thịnh vượng không thuyết phục. Người Nhật giàu có là vì tính cần cù, kỷ luật và vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc cải cách giáo dục kéo theo thay đổi diện mạo tủ bằng sáng chế, hệ thống hạ tầng, dịch vụ… Nhiều người cho rằng quyết định bỏ Tết cổ truyền là bước đi sai lầm của Nhật Bản, thậm chí có ý kiến đề xuất khôi phục lại ngày Tết nhiều ý nghĩa của xứ sở Anh Đào.

Lê Hoa

Exit mobile version