Site icon Thời báo Việt Đức

Việt Nam: Mỗi con gà ở đồng bằng sông Cửu Long ăn đến 470 mg kháng sinh

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đây là kết quả thu được thông qua khảo sát 208 trang trại gà ở đồng bằng sông Cửu Long do đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Trung bình một con gà thịt dùng 470 mg kháng sinh.

Theo Tiến sĩ Carrique-Mas, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, kết quả khảo sát cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà ở khu vực này đã vượt quá mức báo động, cao gấp 5-7 lần so với châu Âu. Trong nuôi gà thịt, bình quân mỗi con gà đã ăn đến 470 mg chất kháng sinh.

“85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh, phần lớn được cho gia cầm dùng qua đường uống”, tiến sĩ Carrique-Mas cho biết. Đó là chưa kể đến lượng kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Tổ chức này dự đoán kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tăng 157% từ năm 2010 đến 2030.

Tại Việt Nam phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy kháng sinh trong thức ăn có thể chiếm đến 25% tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm. Tỷ lệ đa kháng kháng sinh trên các loài gặm nhấm bắt tại trại chăn nuôi cao hơn 8 lần so với các loài bắt trong môi trường tự nhiên.

Sử dụng kháng sinh trong các mô hình chăn nuôi tập trung như hiện nay là điều gần như không thể tránh khỏi. Mật độ nuôi nhốt cao, chuồng trại ô nhiễm khiến sức đề kháng con vật giảm sút, nguy cơ bệnh dịch lớn. Do vậy người chăn nuôi có tâm lý sử dụng thuốc trường kỳ để phòng bệnh. Hơn nữa kháng sinh còn có tác dụng như một chất kích thích tăng trưởng làm gà nhanh lớn. Việc sử dụng thuốc diễn ra từ khâu chuẩn bị giống cho đến khi nuôi xuất bán thịt, quay vòng với nhiều loại kháng sinh. Đây là một yếu tố quan trong tạo nên các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, cũng như gen kháng thuốc, có thể truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và môi trường. Nhờn thuốc kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, hằng năm khiến 700.000 người chết. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán đến năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người chết do kháng kháng sinh ở quy mô toàn cầu.

Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại, một số thậm chí kháng với tất cả kháng sinh.

“Trên thế giới không có một nước nào bán kháng sinh tự do như ở Việt Nam, cả trong y tế“, GS.TS. Đậu Ngọc Hào phát biểu.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện có khoảng 24 loại kháng sinh, hóa chất được đưa vào quá trình chăn nuôi với mục đích tăng trọng và phòng bệnh. Kháng sinh trong chăn nuôi được sử dụng với nhiều mục đích trong trên 4.000- 5.000 chế phẩm.

Theo điều tra của Cục Thú y, có 32/51 cơ sở kinh doanh thuốc thú y (63%) tại cả 5 tỉnh thừa nhận có bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng. Các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm như Eprofloxacin, Ofloxacin, các nhóm Furazolidon, Ciprofloxacin.. vốn đã bị cấm từ lâu vẫn được bày bán công khai trong các cửa hàng bán thuốc thú y. Đặc biệt, hóa chất Eprofloxacin được nhiều cửa hàng bán (20/51 cửa hàng) hay Ofloxacin (8/51 cửa hàng).

Trong khi đó, điều tra về nhận thức tác hại của lạm dụng kháng sinh đối với vật nuôi sẽ không chữa khỏi bệnh mà còn làm kéo dài thời gian sử dụng thuốc và gây tốn kém thì chỉ gần 50% số chủ chăn nuôi biết. Có tới 35% số cơ sở chăn nuôi dùng thuốc thú y theo kinh nghiệm hay nghe hướng dẫn của các cơ sở chăn nuôi khác trên địa bàn.

Như vậy, khi bạn ăn các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại này cũng là đồng thời ăn thuốc và hóa chất vào cơ thể, mỗi ngày một chút…

Theo Minh Thành / dkn.tv

Exit mobile version