Những món tiền dân tích cóp gửi tiết kiệm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng nên được bồi thường đầy đủ thay vì chỉ tối đa 75 triệu đồng nếu ngân hàng phá sản.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, đã khuyến nghị như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, theo dự kiến được Quốc hội thảo luận trong hôm nay (26-10).
Ông Đức cho rằng một trong những nội dung của dự luật sửa đổi được nhiều người dân quan tâm là mức hỗ trợ chi trả tiền gửi có vượt hạn mức hay dừng ở không quá 75 triệu đồng/cá nhân như quy định hiện hành một khi ngân hàng phá sản.
* Tại kỳ họp tháng 5 vừa qua, Quốc hội đề nghị bỏ quy định hỗ trợ chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền khi phá sản ngân hàng, nay Chính phủ vẫn đề xuất duy trì. Theo ông, nếu bỏ liệu có rủi ro?
Về nguyên tắc, Nhà nước không hỗ trợ mà phải điều hành, quản lý để ngân hàng hoạt động lành mạnh nhất, khả năng phá sản là hạn hữu, thấp nhất.
Nếu Quốc hội không chấp thuận việc hỗ trợ vượt mức hiện nay, trong tình huống xấu nhất, người gửi vài trăm triệu đồng trở lên chỉ được bảo hiểm chi trả 75 triệu đồng là rất vô lý. Nếu xảy ra tình huống đó, người dân không an tâm, phản ứng dây chuyền, rất bất lợi cho hệ thống ngân hàng.
Để tránh tâm lý dây chuyền, Nhà nước phải hỗ trợ, mục đích nhằm thu hồi nợ gốc. Nhà nước đặt ra lộ trình cho phá sản ngân hàng, cân nhắc tuyên bố với người gửi tiền ở ngân hàng đó rằng sẽ cam kết trả đủ nhưng theo kế hoạch phù hợp với việc thu nợ, khi đó dân sẽ yên tâm hơn.
Nếu hỗ trợ đối với người gửi tiền, theo ông, nên thực hiện theo nguyên tắc nào?
Cần phân loại khách hàng để có mức độ hỗ trợ phù hợp. Có thống kê rằng “80% nguồn vốn ngân hàng là của 20% khách hàng và ngược lại 80% khách hàng chỉ chiếm 20% vốn gửi ngân hàng”.
Có nghĩa khách gửi tiền ở ngân hàng đa số có khoản tiền nhỏ và Nhà nước chủ trương ưu tiên bảo vệ và hỗ trợ những người này. Ưu tiên chi trả 100% với những món tiền gửi số ít, có thể là vài trăm triệu đồng. Nhưng mức cụ thể bao nhiêu thì Chính phủ tính toán để trình lên Quốc hội. Nếu cần thì có thể ấn định ngay trong luật về mức hỗ trợ này.
Quan trọng là nguồn tiền ở đâu khi Quốc hội đã ra nghị quyết sẽ không dùng ngân sách để cứu ngân hàng yếu kém, thua lỗ?
Phải xác định quan điểm đây không phải là cứu ngân hàng yếu kém, mà là hỗ trợ người dân, người gửi tiền tiết kiệm.
Về nguồn vốn hỗ trợ, có thể từ nguồn vốn kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất ưu đãi nào đó. Để hỗ trợ ngân hàng này có nguồn nhằm chi trả cho người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay tái chiết khấu dưới mức thông thường.
Cần phải phân biệt rõ: hỗ trợ là để ngân hàng quá yếu kém đó phá sản, hạn chế thiệt hại của người gửi tiền, tránh phản ứng dây chuyền, chứ không phải hỗ trợ để cứu ngân hàng đó.
Nhưng tại kỳ họp vào tháng 5 vừa qua, Quốc hội không đồng ý với giải pháp Chính phủ trình là sẽ hỗ trợ bằng cách cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Ở đây đã nói Nhà nước hỗ trợ thì xét về lý cũng là tiền có nguồn gốc ngân sách, nhưng không hỗ trợ trực tiếp cũng là gián tiếp.
Muốn chủ động cho phá sản ngân hàng yếu kém để đảm bảo an toàn cả hệ thống ngân hàng mà lại không muốn mất gì, cũng không muốn có phản ứng dây chuyền là rất khó. Phải có sự đánh đổi ở mức chấp nhận được.
Cho phá sản ngân hàng chỉ là giải pháp cuối cùng
Phương án cho phá sản ngân hàng chỉ là một trong năm giải pháp được quy định trong dự thảo luật để Ngân hàng Nhà nước có thể xử lý một ngân hàng yếu kém, nhằm bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống. Theo đó, một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước và được cơ cấu lại theo các phương án: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; phá sản. Chính phủ đề xuất đưa vào luật các phương án này để có nhiều lựa chọn, cơ sở pháp lý nhằm củng cố, đưa hệ thống ngân hàng trở lại hoạt động lành mạnh. Các giải pháp này được xem là “sau cùng” bởi trong quá trình hoạt động, Ngân hàng Nhà nước còn có rất nhiều quy định kiểm soát khác nhau để ngân hàng hoạt động an toàn, đúng hướng. |