Site icon Thời báo Việt Đức

Virus hận thù bài ngoại

Ảnh minh họa: pixabay.com

Nước Đức rúng động. Châu Âu sững sờ. Một kẻ có tư tưởng cực đoan cánh hữu đã cầm súng đi sát hại những người khác một cách quá dễ dàng.

Hắn sát hại những 9 người xa lạ trong vòng vài mươi phút. Mà có thể tính là 10 nếu tính luôn mẹ hắn trước khi tự sát.

Nhưng với những người có theo dõi kỹ tình hình thì đây là “chuyện phải đến đã đến”. Những vụ việc mang tính bài ngoại theo tư tưởng cực hữu đã rộ lên trong một thời gian không ngắn. 

Trong năm ngoái có đến 542 vụ bạo lực có liên quan đến cực hữu được ghi nhận chính thức, đã làm 240 người bị thương. Nói là chính thức bởi truyền thông Đức cho rằng con số thực tế là phải cộng thêm 20%.

Tính xa hơn, từ khi bức tường Berlin không còn vào năm 1989, có đến 169 người đã bị sát hại bởi những kẻ cực đoan cánh hữu (các tổ chức chống lại nạn cực đoan còn đưa ra con số là 198 nạn nhân). 

Những câu hỏi luôn được đặt ra sau mỗi vụ việc như thế: cảnh sát ở đâu? tòa án ở đâu?… Nhưng dường như cho đến lúc này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Vụ việc xảy ra đêm 19 – 2 ở Hanau, một thành phố nhỏ cách không xa thành phố Frankfurt, một lần nữa đặt ra vai trò của cơ quan công quyền, bởi hung thủ Tobias R. (43 tuổi) không nằm trong tầm ngắm của cảnh sát, dù trên các mạng xã hội hắn lại công khai thể hiện tư tưởng bài ngoại và lại có giấy phép sở hữu súng.

Mới hồi đầu tháng 2 này, ông Holger Munch – chủ tịch BKA (cảnh sát hình sự liên bang Đức), còn nói “sẽ phải kiểm tra lại xem đã biết hết về những kẻ khủng bố tiềm ẩn có tư tưởng cánh hữu hay không”. 

Đó gần như là sự thừa nhận cho việc kiểm soát chưa hết tình hình, trong khi số những thành viên cực hữu không ngừng tăng lên. Đến nay đã chính thức ghi nhận 12.700 thành viên cánh hữu có khả năng sử dụng bạo lực để thể hiện quan điểm, tăng thêm 2.000 so với hồi năm 2012.

 Đáng kể hơn là có 53 tên trong đó được dán mác “nguy hiểm”, tức có khả năng giết người hoặc tấn công kiểu khủng bố; con số này vào năm 2012 chỉ là 22.

Sự thừa nhận của ông Munch cũng cho thấy sự đa dạng thành phần của những thành viên cực hữu. Chúng cũng chẳng khác những “con sói cô độc” mang trong mình tư tưởng bạo lực, hận thù, cất giữ đâu đó trong tư tưởng, chờ cơ hội là bộc phát ra.

Bằng chứng là vụ sát hại nghị viên Walter Lübcke hồi tháng 6-2019. Chính trị gia Lübcke, thuộc đảng của Thủ tướng Merkel, bị sát hại vì “tội”… tìm nơi ở cho những người nhập cư! 

Hung thủ ám sát ông từng hoạt động tích cực trong cộng đồng tân phát xít khi hắn còn trẻ, đến khi lập gia đình và có con thì thấy có vẻ sống đàng hoàng. 

Hoặc như kẻ suýt thực hiện vụ tấn công khủng bố hội đường Do Thái ở Halle (bên Đông Đức) vào tháng 10-2019 đã sát hại 2 người xa lạ bởi họ “có mặt không đúng chỗ” vào lúc hắn bực tức vì không vào được tòa nhà thực hiện hành động khủng bố. 

Hắn cũng là một kẻ rất tích cực trên mạng xã hội có nội dung cực hữu tại Đức và có cả những quan hệ với những kẻ cùng tư tưởng ở các nước khác.

Với cả trăm ngàn người dân ở thành phố Hanau hiền hòa này, sự vụ vừa qua sẽ khó phai mờ trong thời gian dài. Trước mắt, kể cả có sự xuất hiện chia sẻ của một số chính trị gia, như Tổng thống Frank-Walter Steinmeier hay bộ trưởng nội vụ của bang, họ vẫn chưa thể thấy nguôi ngoai.

Họ đã đến đặt hoa, thắp nến và tự vấn tại sao chuyện như thế lại xảy ra? Những ngày cuối tuần này lẽ ra là lễ hội lớn ở Hanau đã bị hủy. Phiên chợ năm vui vẻ dự kiến khai màn vào ngày 20-2 cũng đã đóng cửa bởi tội ác nhiễm virus hận thù bài ngoại.

Người dân Hanau từ nay sẽ không còn vô tư lự như trước. Nhiều người dân Đức xuống đường tưởng niệm nay cũng sẽ hiểu rằng cần có thái độ rõ ràng với những hành vi bài ngoại…

Theo Hồng Phan / tuoitre.vn

Exit mobile version