Vợ chồng tiền chung tiền riêng trong gia đình là một đề tài không bao giờ cũ.
Đối với người Việt ở Đức lại càng là một vấn đề hết sức phức tạp. Rất nhiều chuyện buồn tôi đã chứng kiến mà nếu khéo léo họ đã có thể tránh được đổ vỡ không cần thiết.
Vợ chồng chị H anh P là một ví dụ đau lòng. Anh chị sang Đức làm cùng một nhà máy. Chị H là con một, gia đình khá giả. Chị yêu anh P, không hề đặt hoàn cảnh gia đình anh lên cân dù chị biết gia cảnh nhà anh rất khó khăn, lấy nhau anh chị sẽ phải san sẻ kinh tế cho gia đình. Rồi sau hơn hai chục năm, vợ chồng ra tòa ly dị mà nguyên nhân chính là tiền. Nhiều người trách móc chị H nhưng cũng có người thông cảm đặc biệt là chị em phụ nữ, khi nhà chồng luôn coi chị như cái mỏ để đào, chị nói chị không tiếc tiền nhưng không chấp nhận được thái độ của chồng vì sự ích kỷ thái quá. Gia đình tan vỡ chị bị bệnh trầm cảm nặng, đến giờ vẫn không khỏi bệnh.
Vợ chồng nhà cô H và anh C thì ngược lại. Cùng hoàn cảnh, hai vợ chồng sang Đức. Sau thống nhất họ mở cửa hàng bán rau quả. Tiền kiếm được là tiền chung nhưng chị vợ lại có gánh nặng gia đình. Chồng chị cũng nhiều lúc không vui nhưng đỉnh điểm là đến khi anh muốn mua một căn nhà để ở, hỏi vợ tiền đâu thì chị bảo: “Tiền làm gì có, được bao nhiêu chi tiêu hết cả rồi “. Vợ chồng anh căng thẳng đến độ định đưa nhau ra tòa ly hôn nhưng anh sợ tan vỡ gia đình ảnh hưởng đến con cái nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” . Nhưng gia đình họ khó có không khí vui vẻ như nhiều gia đình khác.
Vợ chồng nhà anh H, chị M lại ở trong tình trạng khác, anh chị mua một ngôi nhà chung nhưng đến khi làm ăn kém mà gánh nặng tiền trả nợ nhà không đủ. Vợ chồng chia nhau ra làm riêng để có thêm thu nhập. Anh chồng một mình anh loay hoay với cái cửa hàng của chính nhà mình mua mà chẳng đâu vào đâu cả. Làm ăn không được anh quay ra trách vợ, thế là hai vợ chồng lục đục. Chị vợ lúc nào cũng bức bối vì mọi việc gần như chị phải gánh vác mà chồng vẫn trách móc.
Tiếp đến là vợ chồng anh K chị V. Chị vợ là người chăm chỉ tháo vát nhưng khổ nỗi anh chồng lại là người cờ bạc. Cuối cùng chị đành phải ly hôn, một mình nuôi hai đứa con. Khổ nhất là ngôi nhà chung nhưng bằng tiền riêng của chị khi mua đành phải chia đôi theo luật định. Chị cay đắng mà đành phải chịu vì nhà mua sau lúc kết hôn.
Tất cả những trường hợp trên chỉ là một ví dụ nhỏ trong tảng băng chìm của vấn đề tiền bạc trong gia đình Việt ở Đức. Nhìn vào thực tế tôi xin có vài điều chia sẻ. Bình thường vợ chồng đã lấy nhau thì cùng chung lưng đấu cật lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng cùng với thời gian những mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh nếu không cẩn thận, khéo léo thì cuộc sống vợ chồng rất nặng nề thậm chí còn dẫn tới ly hôn. Đặc điểm của các cặp vợ chồng Việt ở Đức là phần lớn ai cũng mang trên mình một gánh nặng mưu sinh không chỉ cho bản thân mà còn gia đình nội, ngoại. Đây có thể nói là mấu chốt lớn nhất trong các cuộc ly hôn mà tôi được biết. Sự thiếu công bằng trong kinh tế, đặc biệt nhiều gia đình nhờ người thân nội hoặc ngoại đứng tên rồi bị mất trắng cũng không phải là hy hữu.
Vậy đứng trước thực trạng đấy bạn nên làm gì? Một ví dụ cụ thể là vợ chồng nhà anh H và chị M kể trên, để giữ lấy gia đình họ quyết định giữ tiền riêng. Tất nhiên tiền riêng nhưng vẫn có những khoản phải tiêu chung. Họ ghi tất cả mọi thứ vào và đến tháng chia đôi mỗi người một nửa. Ban đầu cảm giác cũng hơi khó chịu nhưng chỉ một thời gian ngắn về sau họ đã dần quen và đến giờ thì mọi việc đều rất ổn. Giải pháp tiền riêng đã khiến cho anh chồng có trách nhiệm hơn bằng việc tự tìm việc khác làm để có thu nhập chi tiêu.
Bình thường nếu vợ chồng cùng thống nhất, tin tưởng yêu thương, tôn trọng lẫn nhau thì tiền chung, tiền riêng không có vấn đề. Nhưng thực tế là rất hiếm cặp vợ chồng nào không có mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Vì thế những cặp vợ chồng mới lấy nhau ngay từ đầu cần có những thỏa thuận cần thiết trong việc chi tiêu, những cặp đang gặp vẫn đề về mâu thuẫn tài chính dù bất cứ ở tuổi nào cũng có thể bắt đầu. Phần nào để sử dụng hàng ngày, phần nào tích trữ khi cần thiết, phần nào đầu tư cho con cái học hành hoặc kinh doanh hay hiếu hỷ..
Tất cả những việc này đều có phương hướng giải quyết tốt đẹp nếu vợ chồng cùng nhau bàn bạc thống nhất kế hoạch rõ ràng. Nếu là tiền chung thì tất cả được cho vào một mối. Rồi chia ra làm sao cho hợp lí. Nếu không thể nào thỏa thuận được thì con đường vợ chồng giữ tiền riêng để tránh mâu thuẫn vẫn là phương án tốt nhất. Vậy làm thế nào để có thể duy trì tình cảm vợ chồng vui vẻ và việc tài chính suôn sẻ công bằng giữa hai bên khi tiền ai nấy tiêu..
Đối với phụ nữ thì còn phải sinh con nuôi con cho nên sẽ rất thiệt thòi nếu họ cũng phải chịu một mức đóng góp chung như đàn ông. Công bằng nhất đàn ông vừa có sức khỏe, vừa rộng rãi thời gian hơn phụ nữ nên họ phải kiếm được số tiền nhiều hơn và đóng góp vào quỹ gia đình nhiều hơn, mức hợp lý là khoảng bảy mươi phần trăm.
Phần còn lại tiền ai người mấy giữ. Khi cần mua sắm cho bản thân hay giúp đỡ gia đình không cần quá lo lắng do vợ hoặc chồng không đồng ý. Ngoài ra bản thân họ cũng hiểu được giới hạn tiền bạc mà mình kiếm ra, không ỷ lại được vào ai nên ý thức tiết kiệm hay cân bằng tài chính cũng tốt hơn.
Thiên Nga