Site icon Thời báo Việt Đức

Volkswagen thử nghiệm công nghệ chống say xe

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các dải ánh sáng chuyển động theo nhịp di chuyển của xe có thể là cách giúp người ngồi trên xe tự hành hết say.

Với những chiếc xe tự lái, người ngồi trong xe có thể xuất hiện triệu chứng say khi không chủ động cảm nhận sự vận hành của xe. Khắc phục điều này, các nhà khoa học ở Wolfsburg, Đức bắt tay vào việc nghiên cứu và đưa ra các thử nghiệm ngăn các chứng say xe, điển hình là chống nôn.

Một bộ thử nghiệm được Volkswagen đưa ra khi sử dụng các dải đèn LED lớn bên trong xe, phát ánh sáng màu đỏ hoặc xanh lá cây cùng nhịp với việc giảm tốc hoặc tăng tốc khi xe vận hành. Tín hiệu này có thể giúp người ngồi trong xe dự đoán được những chuyển động khi xe tự vận hành. 

Nguyên nhân của việc say xe là do hành khách ngồi trong xe thụ động không dự đoán được hành động của lái xe để có tư thế hoặc tâm lý chuẩn bị cho sự thay đổi chuyển động theo xe. Để giải quyết vấn đề này chiếc xe có thể phát tín hiệu để người ngồi trong xe chủ động nhận thức đồng thời cùng chuyển động của chiếc xe. Volkswagen còn đưa ra ý tưởng về những chiếc ghế “di động”. 

Để đánh giá những ý tưởng này, Volkswagen thử nghiệm các giải pháp trên trong một chiếc xe tự lái. Xe trang bị cảm biến đo nhiệt độ da và nhịp tim (gồm camera đánh giá màu da), thử nghiệm trong 20 phút với kiểu di chuyển rồi lại dừng, nhờ sự dẫn đường của một xe khác.

Một thử nghiệm khác được thực hiện là sử dụng một màn hình máy tính bảng gắn trên táp-lô, phát video cá đang bơi. Video này có chuyển động nhưng sẽ loại bỏ được những tác động của cảm xúc thường mang tới như khi xem phim hay video hài. Kết quả, người trên xe dễ say khi không có bất cứ biện pháp hỗ trợ nào.

Xe tự hành vẫn trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm bởi hầu hết các hãng lớn trong ngành, chưa sản xuất thương mại. Tuy vậy, nỗ lực mà Volkswagen đang tiến hành sẽ giúp người dùng cân bằng và loại bỏ những tác động không tốt từ xe tự hành sau này.

Ngọc Điệp 
Theo Caranddriver

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version