Site icon Thời báo Việt Đức

Xin lưu trú theo vợ/chồng cần biết: Khi nào bị ngờ vực kết hôn giả

TBVĐ- Rất nhiều trường hợp đệ đơn xin vi sa đón vợ/chồng sang Đức đoàn tụ gia đình hoặc đệ đơn xin giấy phép lưu trú theo vợ/chồng tại Đức bị từ chối, vì Đại sứ quán Đức ở nước ngoài và Sở Ngoại kiều xử lý hồ sơ ngờ vực kết hôn giả (Scheinehe).

Kết hôn giả trong trường hợp trên được định nghĩa là làm đúng thủ tục cưới thật, nhưng hai người không phải vợ chồng, nhằm mục đích hưởng quyền lưu trú ở Đức. Kết hôn giả thuộc lĩnh vực dân sự, không bị luật pháp can thiệp, nhưng nếu sử dụng nó để xin giấy phép lưu trú có thể bị xử lý hình sự. Tương tự như nhận quan hệ cha con là việc gia đình, nhưng nếu dùng để xin giấy phép lưu trú, nhà nước có quyền bác bỏ, khi kết qủa điều tra cho thấy giả. Hình phạt kết hôn giả được ấn định tới 1 năm tù hoặc phạt tiền, nếu khai báo không đúng hoặc không đầy đủ về các dữ liệu cưới xin hoặc tình trạng hôn nhân hiện tại. Kết hôn giả sẽ bị xử lý hình sự, nếu vợ, chồng, người môi giới không nộp bản tuyên bố thừa nhận kết hôn giả cho Sở Ngoại kiều trước khi điều tra hình sự. Người kết hôn giả xin được vi sa vẫn chưa bị phạt hình sự, chừng nào chưa nhập cảnh Đức. Kết hôn giả sẽ bị từ chối, thu hồi quyền lưu trú ở Đức.

Những dấu hiệu quan trọng dễ bị ngờ vực kết hôn giả

– Hai bên bất đồng ngôn ngữ, không thể hiểu được nhau.

– Quá chênh lệch tuổi tác.

– Nghiện rượu, ma túy (phía người Đức).

– Hai bên ở xa nhau, đặc biệt đối với người nước ngoài xin tỵ nạn bị giới hạn khu vực lưu trú, lại đệ đơn cưới người ở ngoài phạm vị giới hạn đó.

– Một trong 2 người chung sống với người thứ 3. Trong trường hợp này, Sở Ngoại kiều thường cho người điều tra „nằm vùng“ hoặc hỏi hàng xóm.

– Không nắm được dữ liệu cá nhân, tình trạng cuộc sống của vợ/chồng mình. Chính vì vậy, Sở Ngoại kiều thường kết hợp với Đại sứ quán Đức ở nước ngoài, phỏng vấn 2 vợ chồng cùng lúc, để xem có khớp nhau không. Họ phỏng vấn từ cha mẹ anh chị em của nhau, nhà cửa của hai gia đình, tiến trình yêu nhau, thậm chí cả những dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể của nhau. Không ít người lo sợ, cái gì được hỏi, không biết thì nói không để ý, nhưng lại bịa ra để khẳng định mình biết, đáng tiếc lại không khớp, càng tăng thêm ngờ vực. Có cả trường hợp cưới nhau tới 5 năm, khi gia hạn lại bị ngờ vực, thẩm vấn tách riêng 2 bên, để xem có khớp không. Câu hỏi cả vợ lẫn chồng, thuận tay trái hay tay phải mà trả lời không khớp, chồng nói vợ thuận tay phải, vợ nói chồng thuận tay trái, nhưng thực thế ngược lại, bởi cả hai đều vô tâm không để ý.

– Không có mối liên hệ với nhau.

– Trình bày dữ liệu về vợ/chồng mình mâu thuẫn.

– Trả tiền cho vợ/chồng hay người môi giới bị khả nghi. Như trước đây một nữ phiên dịch người Việt bị Toà án Landgericht Dresden xét xử hình sự tội môi giới cưới giả, nhiều người cưới thật nhưng vẫn bị điều tra bởi liên lụy trả tiền môi giới bất hợp pháp cho bị cáo.

– Từng đã cưới giả trước đó. Chính vì vậy, không ít trường hợp bị ngờ vực cưới giả, chỉ vì họ đã lần lượt cưới rồi ly dị người nước ngoài, sau khi người nước ngoài đó xong xuôi giấy phép lưu trú.

– Cưới đột ngột, nghĩa là không có quá trình tìm hiểu. Giải thích tại sao, hầu như cuộc phỏng vấn nào của Sở Ngoại kiều và Đại sứ quán ở nước ngoài đều có câu hỏi, gặp nhau lần đầu ở đâu, và yêu từ lúc nào, cưới ở đâu, những ai có mặt ?

Giới hạn ngờ vực

Từng dấu hiệu trên, nhà chức trách không được phép tách cố định để kết luận, mà phải xem xét nhiều dấu hiệu cùng lúc. Chẳng hạn chỉ mới thấy người ta chênh lệch độ tuổi đã kết luận ngay cưới giả là không chắc chắn. Ngoài ra, quyền tự do kết hôn và cấm phân biệt chủng tộc giữa người nước ngoài và người Đức đã được hiến định, nên phía Sở Hôn thú Đức chỉ được phép từ chối cấp giấy kết hôn khi có những bằng chứng cưới giả chứng minh được điều đó bất cứ lúc nào. Ngay cả trong trường hợp xin sang Đức tổ chức cưới, Sở Hôn thú cũng không được phép từ chối, nếu không có dấu hiệu có thể chứng minh được rõ ràng, không thể bác bỏ, kết hôn chỉ nhằm mục đích lưu trú.

Văn Sự (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!

Exit mobile version