Vì mỗi bang của Đức đều có lịch nghỉ hè riêng nên ngày khai giảng và bế giảng mỗi nơi lại khác nhau. Khai giảng thường từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9, bế giảng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6.
Tuy nhiên ở Đức, các năm học đều không có những chương trình khai giảng lặp đi lặp lại, rườm rà và cầu kỳ như ở Việt Nam, mà trong đời của một học sinh chỉ có một lần khai giảng duy nhất – còn gọi là Lễ Nhập Trường, Lễ Nhập Học (Schulanfangsfeier, Einschulungsfeier). Đó là vào năm đầu tiên một trẻ đến tuổi đi học, sau khi trải qua vài cuộc kiểm tra sức khỏe, tư duy, và chính thức có giấy xác nhận được đi học, thì nhà trường và gia đình sẽ tổ chức cho riêng các trẻ một buổi lễ kỷ niệm cực kỳ long trọng và hoành tráng. Đây thật sự là một ngày rất đặc biệt, chỉ dành riêng cho các bé bắt đầu bước vào lớp 1. Nhiều gia đình đã dùng cả năm để chuẩn bị ngày lễ này (như đặt nhà hàng, may quần áo) và trang bị cho con cái mình các đồ dùng học tập đắt tiền và hiện đại nhất. Không chỉ ông bà, bố mẹ, mà đặc biệt là đứa trẻ đến tuổi đi học cũng đón nhận ngày đó với những cảm xúc khó tả: khi bỡ ngỡ, vui mừng, lúc hồi hộp, lo sợ, thấp thỏm, mong chờ – đi kèm là cảm giác tự hào: „Tôi đã lớn hơn!“.
Vào ngày trọng đại ấy, trẻ sẽ được diện lễ phục, cả nhà được mời tham dự một chương trình ca múa nhạc, làm quen thầy cô chủ nhiệm, phân bổ vào lớp … Ngoài những truyền thống “bình thường” như ông bà, bố mẹ cùng dắt các bé đến trường, trao cặp sách, chụp ảnh kỷ niệm v.v… thì ở Đức còn có một tục lệ rất hay và rất phổ biến – đó là tặng “túi kẹo/túi đường” (Zuckertüte) cho các trẻ. Phong tục trao „túi đường“ – hay còn gọi là „túi mừng đi học“ (Schultüte) – cho con nhân ngày khai giảng là một phong tục rất đặc trưng của Đức mà hầu như không ở đâu có. “Túi đường” đầu tiên xuất hiện từ những năm 1810 tại tiểu bang Saxony/Sachsen và Thuringia/Thüringen, dựa trên nghi thức Hồi Giáo là tặng bánh ngọt có hình bảng chữ cái khi trẻ mới đến trường để tưởng nhớ đến câu Thánh Vịnh (Psalm)(119)(130): „Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao, thật ngọt hơn mật ong!“ …
Túi kẹo có hình một cây ốc quế to đùng, bé nhất là vừa đủ để trẻ có thể ôm, còn có nhà tặng trẻ túi kẹo “vĩ đại”, trẻ ôm không nổi phải nhờ bố ôm hộ nữa, vì ngày khai giảng là ngày các trẻ được chụp ảnh cùng túi kẹo ở trường mà!! Nói chung đó là một biểu tượng gắn liền với một lời chúc học tập giỏi của cả gia đình dành cho trẻ, với rất nhiều quà tặng giấu trong túi kẹo mà chỉ đến sau ngày khai giảng trẻ mới được xem và mang ra dùng: bánh kẹo, các đồ dùng học tập, quần áo, giầy thể thao, đồ bơi, thú bông, chén đĩa dành riêng cho trẻ và những vật lưu niệm khác nữa.
Vậy là với “hành trang” ấy, trẻ em ở Đức bắt đầu bước chân vào giảng đường. Mỗi năm học trôi qua sẽ không còn có ngày khai giảng nào giống như vậy nữa, mà cứ theo đúng lịch, vào ngày đầu của một năm học mới, học sinh sẽ mang cặp sách đến trường với một tập giấy và cái bút. Trường học của Đức gần như là nơi duy nhất độc quyền “phát” sách cho học sinh, nếu sách bị hỏng mà muốn đặt quyển mới thì phải qua trường chứ không mấy khi ra ngoài hiệu sách mua được. Nhận sách và thời khóa biểu xong có trường cho học ngay, có trường cho học sinh nghỉ, hôm sau mới chính thức học.
10 năm – 12 năm trôi qua trong “thầm lặng” như vậy, hàng năm các em chỉ có thể “ngước mắt ngưỡng mộ” các anh chị lớp lớn bế giảng, ra trường mà thôi. Ngoài ngày bế giảng dưới dạng Abschlussball (dành cho học sinh lớp 10 ở trường phổ thông cơ sở) và Abiball (dành cho lớp 12/lớp 13 ở trường chọn – Gymnasium) – đó là ngày hội chia tay một cách “nghiêm túc”, với các phần phát biểu, trao quà, giải thưởng, ca hát, nhảy nhót, ăn uống … – thì các bạn trẻ còn dùng ngày đi học cuối cùng (letzter Schultag) để “quậy” tung trường và “chơi khăm” các thầy cô nữa!!
Ngày cuối cùng đến trường, các học sinh lớp cuối không phải học nữa mà sẽ hóa thân vào chính bản thân mình của 10-12 năm về trước, mặc những bộ váy áo ngây thơ bé con, mặt bôi đầy màu và diễn lại ngày khai giảng duy nhất của họ, đồng thời dùng ngày này để “hành hạ” các thầy cô, bù lại cho bao nhiêu năm bị thầy cô bắt ép và gò bó!! Các bạn trẻ ấy sẽ mang đủ thứ chiêng trống, kèn sáo đến trường để vào từng lớp phá giờ học. Họ còn “bày binh bố trận” trước cổng trường, nghĩ ra các trò chơi thách đố thầy cô phải qua mới được vào lớp, như trò “chạy tránh vật cản với trứng” (tay cầm cái thìa có quả trứng ở trên rồi chạy ngoằn nghoèo qua một đống ghế ngồi, xăm lốp ô tô, gậy ngáng đường v.v…) hoặc “nhảy lò cò tránh vật cản” hoặc “tránh vật cản trong bao tải” (chui chân vào bao tải rồi nhảy lò cò qua các vật cản bày sẵn) …. Hoặc có khi lớp các em đang học thì các anh chị lớp cuối xông vào phá bĩnh (phá thầy cô là chính, chứ các em nhỏ thì quá phấn khích, quá thích thú rồi!!), bôi đủ các màu xanh đỏ tím vàng vào mặt các em rồi khua chiêng gõ trống thổi kèn náo loạn hết cả lên!! Nhưng không sao, đây là ngày cuối cùng họ đến trường mà, họ được “quẩy” như vậy mà các thầy cô phải chấp nhận, không thể làm gì!!
Theo Cẩm Chi / Những nẻo đường nước Đức