Site icon Thời báo Việt Đức

Ai được phép mở cửa kinh doanh Chủ nhật?

Rất nhiều người Việt mở hàng ăn châu Á. Ảnh: Trung Hiếu

TBVĐ- Tại Đức chỉ một số lĩnh vực kinh doanh mới được bán hàng vào ngày Chủ nhật.

Thời báo Việt Đức nhận được câu hỏi của độc giả TMH (Berlin): Tôi có một cửa hàng bán quần áo tại Magdeburg từ nhiều năm nay. Gần đây tôi bán thêm một số mặt hàng khác như báo chí, bánh kẹo, nước uống… Tôi muốn mở cửa bán vào ngày Chủ nhật có được không và phải làm những thủ tục gì?

Ai được phép kinh doanh vào ngày Chủ Nhật?

Theo § 140 Hiến pháp và § 9, khoản 1 Luật Lao động, chủ nhật và ngày lễ là ngày yên tĩnh (Ruhetag), người lao động không được phép làm việc từ 0 đến 24 giờ. Ngoại lệ áp dụng cho một số lĩnh vực mà công việc vào ngày chủ nhật không thể rời sang thực hiện thay vào các ngày còn lại trong tuần được (§ 10 Luật Lao động). Đó là các lĩnh vực sau: Cảnh sát; Dịch vụ cứu thương, cứu hỏa; Bệnh viện, các cơ sở chăm sóc; Nhà hàng, khách sạn; Các tổ chức văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, hòa nhạc; các hoạt động phi thương mại như nhà thờ, hiệp hội; Thể thao, giải trí; Truyền thông, phát thanh; Hội chợ, chợ, lễ hội; Giao thông công cộng (trong đó có cả Taxi); Công ty cung cấp nước và năng lượng; Nông nghiệp, chăn nuôi (trong đó có bác sỹ thú y); Cơ quan an ninh; Vệ sinh, bảo trì máy móc.

Theo § 3 Luật đóng cửa hàng Ladenschlussgesetz (LadSchlG), các cửa hàng phải đóng cửa vào các thời điểm sau: Vào chủ nhật và ngày lễ; Từ thứ Hai đến thứ Bảy đến 6 giờ và sau 20 giờ; Vào ngày 24.12 đến 6 giờ và từ 14 giờ. Nếu muốn mở cửa ngoài các giờ trên, phải đệ đơn xin giấy phép mở cửa đặc biệt. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng được cấp giấy phép này.

Một số cửa hàng được phép mở cửa vào Chủ nhật như: Cửa hàng thuốc (mở cửa cả ngày), ki ốt bán báo (mở từ 11 đến 13 giờ), cây xăng (mở cửa cả ngày), các cửa hàng trong nhà ga, sân bay, cảng, khu du lịch, nghỉ dưỡng, trạm dừng trên đường cao tốc (theo § 4-§ 10 LadSchlG). Ngoài ra, theo § 12 LadSchlG, các cửa hàng được phép mở cửa vào chủ nhật nếu chỉ bán hoặc bán với số lượng lớn các mặt hàng sau: Báo chí, hoa, bánh mỳ, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa. Thời gian mở cửa vào ngày Chủ nhật do từng tiểu bang quy định.

Như vậy, trong trường hợp của độc giả TMH, sẽ không được mở cửa bán hàng vào Chủ nhật nếu bán kèm thêm bánh mì và báo chí với số lượng ít. Nếu bán với số lượng rất nhiều (chẳng hạn sản xuất bánh mì và bán như các cửa hàng bánh mì), sẽ được mở cửa chủ nhật nhưng chỉ được bán đúng mặt hàng được cho phép.

Vi phạm có thể bị phạt đến 250.000 euro

Theo § 24 LadSchlG, vô tình hay cố ý vi phạm Luật mở cửa hàng sẽ bị xem như lỗi vi cảnh và bị phạt hành chính đến 2.500 Euro, tùy hình thức vi phạm. Đối với vi phạm gây nguy hiểm cho sức khỏe của nhân viên thậm chí có thể bị phạt hình sự (§ 25 LadSchlG).

Điển hình như theo phán quyết của tòa Landgericht Mönchengladbach, không được tự ý mở cửa vào một ngày chủ nhật bất kì để bán hàng cho khách quen (án số: 8 O 8/11). Một cửa hàng bán nội thất tại Mönchengladbach đã gửi giấy cho khách hàng thân thiết và mời đến cửa hàng mua sắm vào một ngày chủ nhật trong tháng 1, đồng thời hứa hẹn có nhiều ưu đãi hấp dẫn. Cửa hàng này đã bị một Hiệp hội Kinh tế tại địa phương kiện ra tòa vì mở cửa trái phép. Tòa đứng về phía hiệp hội với lập luận, chỉ được mở cửa chủ nhật để bán hàng cho một số đối tượng đặc biệt nhất định, chẳng hạn bán đồ ăn trong căng tin cho nhân viên cửa hàng, trong khi khách hàng thân thiết không thuộc đối tượng đặc biệt. Cửa hàng nội thất có thể bị phạt hành chính từ 5 đến 250.000 euro.

Thủ tục xin giấy phép mở cửa Chủ nhật

Nếu thuộc đối tượng được phép mở cửa bán hàng chủ nhật, không được tự ý mở cửa bán hàng mà phải xin giấy phép ngoại lệ (Ausnahmeregelung) ở cơ quan phụ trách như Gewerbeamt, Stadtverwaltung hay Ordnungsamt, có mất phí. Giấy phép này thường có giá trị cho một năm.

 Lưu Phong

*Bài viết thuộc bản quyền của Thời báo Việt Đức. Đề nghị trang nuocduc.info chấm dứt ngay hành động copy các bài viết trên trang thoibaovietduc.com!

Exit mobile version