TBVĐ – Tồn tại 1 nghịch lý đối với đồ ăn uống công nghiệp. Theo kết quả khảo cứu của TNS Infratest, 59% người Đức tin tưởng chất lượng đồ ăn uống họ mua. 80% cho rằng chất lượng tốt. Đồ ăn uống chưa bao giờ an toàn như hiện nay. Trong khi đó, theo khảo cứu của Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, nhiều người tiêu dùng vẫn không tin tưởng nhà sản xuất, 62% nghĩ họ bị lừa gạt, và gây hại sức khoẻ. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?
Trong cuốn sách mới với tiêu đề giật gân “Lebensmittel-Lügen – Dối trá trong đồ ăn uống“ do Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Hessen xuất bản, cho biết: Thiếu sót không phải trong chất lượng hay an toàn thực phẩm, mà nằm ở những thông tin gây ngộ nhận có chủ đích ghi trên bao bì. Nhà nghiên cứu dinh dưỡng, đồng tác giả cuốn sách Andrea Schauff cho biết, “chất lượng nói chung không tệ. Chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng, thực phẩm thật sự đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Nhưng bao bì không được phép chỉ để làm quảng cáo“.
Cuốn sách chỉ ra những chiêu trò “dụ dỗ“ trên bao bì:
Tên hay: “Crispy Chicken“ tức “gà giòn“, làm người mua lập tức liên tưởng đến “thịt ức gà tẩm bột chiên giòn“. “Brotzeit Scheiben Classic“ nghe tưởng mang hương vị của món ăn chế biến từ pho mát “Schmelzkảsezubereitung“. Tên của đồ ăn “Xúc xích gan với 3% nấm“ được đặt là “Trüffelkugel“ làm cho người ta nghĩ tới một món sơn hào hải vị nào đó có nấm. Tên gọi đồ ăn uống thực ra không hoàn toàn đặt tùy ý, bởi thực chất nó là gì cũng được ghi ở một vị trí nào đó trên bao bì. Theo luật định nhà sản xuất phải ghi đúng tên loại thực phẩm đó, dù tên đặt cho đồ ăn uống là gì. Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu tên loại thực phẩm phải được ghi ở mặt trước bao bì. Chẳng hạn nước uống “Kräuterlimonade“ nhưng không chứa “Kräuter“ (rau thơm) rất quan trọng và phải ghi ở mặt trước bao bì. Những hình ảnh lừa dối: trên hộp sữa chua có nhiều loại hoa quả, nhưng thực chất trong đó chỉ có chất tạo mùi. Trên nắp Frischkäse (pho mát tươi) có những chú dê được chăn thả rất thanh bình, nhưng lượng pho mát dê chỉ có 5 %. Trên hộp thạch fruchtfleisch có hình quả và lá dứa, nhưng chỉ có chất tạo mùi. Về luật không phạm pháp, như với hộp thạch nhà sản xuất dùng hình ảnh hoa quả để miêu tả mùi vị, chứ không phải là nội dung thật sự của đồ ăn. Đáng tiếc, người tiêu dùng nhiều khi ngộ nhận ngược lại.
Hạt ca cao từ miền bắc nước Đức?
Dưới những tên gọi “Unser Norden – Miền Bắc của chúng ta“, “NRW Heimat Produkt – Đặc sản quê nhà tiểu bang NRW“, “Thüringen Land – Đặc sản Thüringen“ gồm những sản phẩm, mà chắc chắn thành phần như ca cao, lạc trong đó không có nguồn gốc trực tiếp từ vùng miền trên. Nhà sản xuất lý giải sản phẩm được đóng gói, chế biến tại Đức, không tính đến nguồn gốc từng thành phần. Sản phẩm như thế nào được định nghĩa là của 1 vùng miền tới nay vẫn chưa có quy định rõ ràng. Nhưng người tiêu dùng khi mua thường lại ngộ nhận như tên gọi. Vấn đề nguồn gốc: Các khái niệm như “Tradition – Món ăn truyền thống“ hay “Natur – thiên nhiên“ được đặc biệt yêu thích trong quảng cáo thực phẩm, nhưng thực ra không vì tên gọi đó mà đồ ăn uống ngon hơn. Tất cả các thành phần của thực phẩm đều từ thiên nhiên cả, con người không thể chế biến ra nó trực tiếp từ đất đá. Hầu hết đồ ăn uống đều mang tính truyền thống cả không phải đặc trưng riêng của món ăn nào. Cách viết “Omas Rezept – công thức món ăn của bà“ hay “nach Hausfrauenart – Theo cách chế biến gia đình“ đưa ra nhiều cảm xúc, nhưng không nói nên điều gì về sản phẩm.
Tất cả có lợi cho sức khoẻ?
“Fettfrei – không có chất béo“, “mit hohem Kalzium-Gehalt – chứa nhiều can xi“, “unterstützt das Immumsystem – tăng sức đề kháng“, tất cả tạo nên một hình ảnh đồ ăn uống đó rất có lợi cho sức khoẻ. Nhưng về mặt khoa học, những khẳng định trên không nói lên điều gì. Nổi tiếng cho quảng cáo kiểu này là quảng cáo “Extraportion Milch – thêm thành phần sữa“ của hãng bánh kẹo Ferrero trong nhiều năm. Đầu 2012 quảng cáo này biến mất. Nhà sản xuất có lẽ đã hiểu: người tiêu dùng mua sô cô la không phải để tăng cường sức khoẻ, đơn giản chỉ thưởng thức.
Trên trang web “Lebensmittelklarheit“ người tiêu dùng có thể cung cấp thông tin về những sản phẩm với bao bì dễ gây hiểu lầm. Chuyên gia của hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ kiểm tra. Nếu cần, nhà sản xuất phải giải trình và công bố trên mạng. Ngoài ra cũng có diễn đàn của các chuyên gia trả lời câu hỏi của người tiêu dùng, cũng như đưa ra các chủ đề, nội dung điều tra. Chương trình này được tài trợ bởi Chính phủ Liên bang.
Những quy phạm mới. EU mới ban hành quy phạm về ghi bao bì thực phẩm. Đến cuối năm 2014, các nước phải áp dụng, bao gồm:
– Chỉ số ca lo, chất béo, axit béo bão hoà, tinh bột, đường, protein và muối phải được liệt kê dưới hình thức bảng. – Các tên gọi đồ ăn uống phải ghi ngay bên cạnh tên loại thực phẩm đó. – Riêng với thịt phải ghi rõ nguồn gốc. |
Bùi Hương Trà (tổng hợp)