Đức nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung đã trải qua 365 ngày khó khăn và đầy những biến động khó lường.
Những ngày cuối năm là thời gian bận bịu nhất đối với mỗi người dân Đức. Năm nay, thủ đô Berlin kỷ niệm ba năm ngày xảy ra vụ khủng bố nhằm vào khu chợ Giáng sinh ở Breitscheidplatz, làm 12 người thiệt mạng. Chính sự kiện đau thương này đã gây nên làn sóng tranh cãi về vấn đề người nhập cư, gây chia rẽ trong xã hội Đức và khiến chính trường Berlin liên tục chao đảo thời gian qua.
Bình yên rời xa nước Đức
Năm 2018 là thời gian khó khăn đối với Chính phủ Đức của Thủ tướng Angela Merkel. Vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), dẫn dắt khối vượt qua cơn sóng dữ Brexit, song Berlin cũng là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn có thể đe dọa châu Âu.
Nỗ lực bất thành của Thủ tướng Angela Merkel để lập Chính phủ “Jamaica” sau bầu cử tháng 9/2017 đã khiến đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) phải quay lại thành lập “Đại liên minh” với Đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD). Đây là giải pháp mà cử tri Đức đã gián tiếp bác bỏ. Vượt lên những khác biệt về chính trị, liên minh CDU/SPD đã được duy trì. Tuy nhiên, CDU, CSU và SPD đã đánh mất sự tín nhiệm của cử tri Đức, thể hiện qua kết quả bầu cử thất vọng tại hai bang chủ chốt là Bayern và Hessen.
Trong khi đó, đảng cựu hữu “Giải pháp cho nước Đức” (AfD) lại có sự trỗi dậy mạnh mẽ và hiện có mặt trong nghị viện ở tất cả 16 bang; tại Nghị viện Liên bang và một số bang, AfD là lực lượng đối lập lớn nhất. Đây là giọt nước tràn ly khiến bà Merkel tuyên bố sẽ rời bỏ vị trí Chủ tịch CDU sau 18 năm nắm giữ. Tương tự, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer cũng tuyên bố sẽ không ứng cử chức Chủ tịch CSU.
Những ngày cuối năm 2018, CDU và cả nước Đức hồi hộp theo dõi các cuộc chạy đua tìm người thay thế bà Merkel làm Chủ tịch Đảng, nhân vật sau này có thể đảm nhiệm vị trí Thủ tướng. Việc ba gương mặt ít nhiều đại diện cho những xu thế khác nhau chạy đua vào vị trí Chủ tịch Đảng một mặt cho thấy CDU mong muốn thay đổi, song mặt khác cũng để lộ ra những chia rẽ trong nội bộ đảng.
Cuối cùng, xu thế duy trì sự ổn định đã giành chiến thắng: Đại hội CDU tại Hamburg ngày 8/12 đã bầu Tổng Thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer (AKK) thay thế bà Merkel. Điều này cho thấy đa số đảng viên CDU muốn duy trì sự ổn định, khi bà AKK được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với bà Merkel. Trong khi đó, ứng viên Friedrich Merz, người có chủ trương thay đổi chính sách của CDU và nhận được nhiều sự ủng hộ của các chính trị gia có tiếng nói trong Đảng, lại ra về trong thất bại.
Năm 2018 cũng khép lại với một tin chấn động giới báo chí Đức. Nhà báo trẻ Relotius của tờ Spiegel, người từng được coi là “ngôi sao đang lên trên bầu trời báo chí Đức” và từng cộng tác với những tờ báo lớn ở Đức như Die Zeit, Frankfurter Allgemeine FAZ, bị lật tẩy vì có viết sai sự thật và về nước Mỹ hay nội tình Đức. Chính Đại sứ Mỹ tại Berlin đã yêu cầu điều tra xử lý, cho rằng nhà báo này đã làm giảm uy tín của Mỹ ở Đức và trên thế giới. Nhiều người cho rằng sự việc liên quan đến Relotius làm mất lòng tin nghiêm trọng của dư luận Đức vào báo chí, vốn vẫn được coi là “quyền lực thứ tư”.
Chênh vênh con thuyền EU
Song Đức không phải là quốc gia duy nhất trong châu Âu đối mặt với rắc rối. Tại Anh, thời hạn thực thi Brexit đang đến gần, song 27 nước còn lại và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cho một “Brexit mềm”. Chính Thủ tướng Theresa May cũng không thể thuyết phục được Quốc hội Anh về việc rời EU theo một cách trật từ và có lợi nhất cho quốc gia mình.
Trong khi đó, ở Paris, lực lượng “áo vàng” đã tạo áp lực trên đường phố, gây khó khăn cho Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron. Người dân mong chờ hành động cụ thể của chính phủ, nhằm giải quyết những vấn đề “thâm căn cố đế” tồn tại trong xã hội, chứ không chỉ là những lời hứa hay phát biểu hùng hồn.
Thêm vào đó, trong gần một năm nay, ông Macron đã đưa ra nhiều ý tưởng mới để đưa EU ra khỏi cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Anh lo Brexit, Đức vướng chuyển giao quyền lực, Pháp đang tỏ ra đơn độc trên hành trình này.
Ngoài ra, xã hội nhiều nước EU đang chia rẽ sâu sắc. Các chính đảng truyền thống gặp khó khăn trong bầu cử trước sự nổi lên của lực lượng cực hữu và buộc phải thành lập chính phủ thiểu số. Điều này khiến việc thông qua những quyết sách lớn thường rơi vào bế tắc. Ngay cả Thụy Điển, đất nước của thỏa hiệp chính trị, cũng chưa thể thống nhất về thành lập chính phủ trong nhiều tháng nay.
Khôi phục hào quang
Trong bối cảnh như vậy, năm 2019 chắc chắn sẽ là năm bản lề của những sự kiện chính trị sẽ diễn ra ở Đức và châu Âu.
Người lãnh đạo đầu tàu của EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dọn đường cho việc “từ giã” sân khấu chính trị sau nhiều năm vang bóng. Sau khi sắp xếp thành công người kế tục sự lãnh đạo trong đảng, bà sẽ hướng tới duy trì ổn định trong khuôn khổ, để CDU tiếp tục là lực lượng chính trị chi phối chính trường Đức trước và sau năm 2021.
Tuy nhiên, việc tách bạch giữa chức vụ Chủ tịch đảng và Thủ tướng đang đặt ra nhiều câu hỏi, khi bà Merkel luôn nắm giữ cả hai trong 14 năm qua. Với tân Chủ tịch Đảng AKK, “tiểu Merkel” được bà Merkel cất nhắc từ bang Saarland lên làm Tổng Thư ký, điều này là hoàn toàn có thể. Do đó, không loại trừ khả năng bà Merkel sẽ “nhường” chức Thủ tướng cho bà AKK trước năm 2021.
Trong khi đó, tại Anh, khả năng về một “Brexit cứng” đang ngày một rõ nét. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp và người dân Anh, mà cả 27 nước thành viên còn lại cũng sẽ ít nhiều gặp khó khăn, khi giao lưu hàng hóa và dịch vụ nội khối EU với Anh chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân thương mại của EU.
Năm 2019, thế giới chắc chắn còn nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, EU cần sớm lấy lại phong độ, khắc phục những khó khăn trước mắt nhằm tái hiện vai trò đối trọng trên bàn cờ quốc tế. Và Đức, với tư cách đầu tàu của khối, sẽ phải là động lực cho những biến chuyển tích cực ấy.
Nguyễn Hữu Tráng (từ Berlin)
Nguồn: baoquocte.vn