LTS: Sau bài viết “Chân dung người mẹ hết lòng vì con tự kỉ” trên số báo tháng 3-2017 kể về chị Nguyễn Thị Thu Hà, người mẹ “lộn ngược lộn xuôi” để giúp cô con gái mắc chứng tự kỉ thích nghi với cuộc sống bình thường, nhiều độc giả viết thư gửi về Thời Báo Việt Đức và chị Thu Hà để mong chị chia sẻ thêm những ngày tháng chăm sóc con đầy gian khó, với niềm hi vọng có thể học tập kinh nghiệm từ chị. Thời báo Việt Đức xin gửi đến quý độc giả những dòng tâm sự xúc động của chị Thu Hà được lược ghi từ những trang nhật ký có cả nước mắt lẫn nụ cười trong suốt hàng chục năm chăm sóc cô con gái Hà My.
TBVĐ- Bao kỉ niệm chợt ùa về khiến tim mình thắt lại. Nghĩ tới những gia đình cùng cảnh ngộ thế hệ sau, nén lòng mình để viết lại câu chuyện này.
Chặng đường đi của người tự kỉ là luôn luôn khó khăn. Có thể nói là không có đường, mà người làm cha mẹ phải tìm ra đường và đi trong đêm tối. Càng đi sẽ càng sáng, nếu dừng lại là ta chấp nhận đứng trong bụi rậm.
Biết khả năng của con để giúp con tiến bộ
Năm 2010, Hà My (HM) vào lớp 1 ở trường đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật. Tại đây, các bạn chậm trí tuệ có thể giao tiếp nhưng kiến thức học được có thể quên ngay sau mấy tháng nghỉ hè. HM thì khác, đã vào đầu thì không hề quên, nhưng cháu lại giao tiếp rất kém. Khả năng vận động, tính toán và độ tập trung của HM đều kém, mình cần luyện hàng năm con mới hiểu được ý nghĩa của phép cộng, trừ.
Lớp 2 học kì 2, con đã biết đọc, viết và làm được toán cộng, trừ trong phạm vi 20 và độ tập trung dần tiến bộ. Mình xin cho con vào trường học hòa nhập, nhưng nhà trường và cô giáo không giúp gì đáng kể. Họ một mực nói là không phù hợp, có ý đẩy con trở lại trường khuyết tật. Nhưng bố mẹ cứ kiên tâm và lì lợm, với bao đêm thổn thức. May có cô đi kèm khá là trách nhiệm và mẹ thì phải nỗ lực kèm con rất nhiều. Nên con cũng tiến bộ đôi chút, dần làm quen với môi trường hòa nhập và cũng ít có hành vi ảnh hưởng tới các bạn khác. Có ít nhất 2 bạn gái và 1 bạn trai thân với con, dù con không biết chơi chung nhưng các bạn ấy quan tâm ở lớp và đến nhà chơi.
Giúp con thích nghi môi trường sống mới
Năm 2015 con vào lớp 5, trường cấp 2 Gesamtschule bình thường, có 20 học sinh đặc biệt. Chỉ một mình HM là tự kỉ nặng, giao tiếp ngu ngơ nhất, còn các bạn kia chỉ là học chậm một chút thôi. Có 1 cô giáo phụ trách đặc biệt chung. Cô đi kèm của HM không có tí đào tạo nào về chăm sóc trẻ đặc biệt mà đáng lẽ phải có. Bốn tháng đầu tiên, HM bỏ chạy mà cô không phản ứng kịp. HM lang thang một mình ở ngoài đường ít nhất ba lần. Mẹ không thể quên cảm giác nơm nớp trong những ngày đi thực tập ở Ratingen cách nhà 20km. Có hôm thảng thốt phóng xe giữa giờ làm, trở về Duisburg trong cơn mưa, vượt tốc độ, bị phạt. Vừa lái còn vừa gọi điện thoại cho bố, cho cảnh sát, cho các nơi mà đoán HM có thể đến.
Sau đó, mẹ đã đi học cùng HM một tuần, ngồi kèm con và hướng dẫn cô giáo kèm cách đưa con vào nề nếp. Làm một bảng kế hoạch từng giờ trong từng ngày con học gì, thầy cô giáo tên là gì. Cứ thế, học kì hai năm lớp 5 đã dần đi vào nề nếp, HM không còn bỏ chạy nữa. Thế nhưng cũng trong năm ấy, HM vẫn còn những hành vi “chống đối”, điển hình là tháo bít tất; giờ ra chơi ở ngoài sân trường thì không nghe lời cô, không chịu đi giày vào, không chịu quay trở lại lớp; hễ mỗi khi cô giáo đi ra khỏi lớp là ngay lập tức HM hét làm các bạn giật mình.
Mẹ đã hướng dẫn cô giáo dùng chuỗi ảnh cho con biết mình sẽ làm gì vào giờ nào, điều này giúp con bình tĩnh, giảm hành vi lăng xăng; dùng đồng hồ khi chuông kêu thì con phải đi vào lớp. Cô giáo giáo dục đặc biệt dùng đàn làm phần thưởng mỗi buổi học. Mẹ còn làm chuỗi ảnh ghi tiếng Đức: “HM không bỏ chạy, HM không hét, HM không cởi bít tất, HM nghe lời” — Thì “HM được chơi Ipad. HM được chơi đàn”. Để HM hiểu được “quyền lực” của cô giáo, mẹ đã gợi ý mỗi buổi đi học về, cô giáo đưa ảnh “HM được chơi Ipad” cho HM trước mặt mẹ và nói cho cả HM nghe thấy: “Bà Nguyen, HM hôm nay ngoan, HM được chơi Ipad”. Hoặc ngược lại: “HM hôm nay không được chơi Ipad”. Mẹ trả lời cô “Vâng ạ”. Dần dần HM nghe lời cô, trở nên yêu thương cô.
Cùng con học tập, cùng con vui chơi
Từ năm 2007 đến 2013, mẹ đã dành cho HM mỗi ngày không dưới 5 tiếng dạy con nhận thức từng từ mới bằng ảnh và thực tế (động từ, danh từ, tính từ, giới từ, trạng từ), rồi đọc, viết, toán – chơi – vẽ, nặn đất, xếp hạt, luyện đàn – đạp xe, đi bộ – làm việc nhà, nấu ăn,… Nên từ chỗ không thể tập trung quá 30 giây, thì sau này con đã ngồi được cả giờ và chú ý nghe người khác nói, độ tập trung tăng dần lên. Con trở nên rất chăm chỉ. Giờ toán làm toán, giờ tiếng Anh học tiếng Anh, … nhưng hình thức dễ hơn, vì IQ của con là dưới mức trung bình (< 70). Một tuần ngồi học cùng HM, mẹ đã hướng dẫn con chép vào vở tất cả những gì thầy cô ghi trên bảng. Qua đó con học chữ viết, học từ mới, học nề nếp giờ nào việc nấy.
Cô giáo giáo dục đặc biệt viết tổng kết toàn là Tốt và Rất Tốt (mở ngoặc: chương trình đặc biệt). Thế là HM biết đọc và viết ba ngôn ngữ Việt (rất tốt) – Đức (khá tốt) – Anh (trung bình). Nên hễ ai mà tỏ ý chê chị HM là các em tự hào khoe một cách ngây thơ: “HM học ở trường rất tốt. Và chị ấy nấu ăn giỏi hơn bạn”. Cô giáo đi kèm của con, với trái tim nhân hậu, với tình yêu nghề, yêu HM, với những kinh nghiệm mà mẹ đã cùng cô giải quyết tình huống, hỗ trợ HM học hành, cô đã trở thành người được nhà trường tín nhiệm và xã hội nâng lương như là người có chuyên môn.
Nguyễn Thị Thu Hà
“May quá còn có bố!”
Để HM tiến bộ, không chỉ có mẹ, có cô giáo mà còn có bố bên cạnh. Nhớ năm 2015, khi HM vào trường học mới, cả gia đình từ mẹ đến hai em của HM ai cũng vào giai đoạn căng thẳng của việc học. Bố đã bắt đầu biết nội trợ, quan tâm đến việc học của KL nhiều hơn, đặc biệt là yêu thương và nhẹ nhàng với mẹ. Việc học của ba đứa đã choán quá nhiều không gian trong óc và tim mẹ, nên mẹ thật là cần dựa vào bố để có thể bình tâm. Cuộc chiến ấy trở thành một cuộc đua marathon, chậm thôi nhưng bền bỉ và cả gia đình đều đặn tiến lên. Năm nay, mẹ thi đỗ bằng Apothekerin và bắt đầu đi làm bán thời gian. HM lớp 6, em kế của HM học cuối cấp 1, còn em út vào lớp 1. Mẹ và bố phối hợp tác chiến đưa đoàn thuyền tiến lên. Em kế của HM học tốt và con rất vui vì được giải nhất kì thi toán toàn quốc Känguru. Em út chưa phải học hành nhiều nhưng mà tập trung cao độ trong giờ học nên đọc thông và viết khá thạo, làm toán giỏi. HM không còn hành vi nào ảnh hưởng tới các bạn nữa. Mẹ sẽ nhớ mãi ánh mắt và nụ cười của cô giáo giáo dục đặc biệt, tâm huyết và trách nhiệm, nói rằng chúng tôi rất hài lòng với sự tiến bộ của HM và ê kip làm việc hiện tại. Đây là ngôi trường trong mơ của con. |
Nghề nào cho tương lai của con?
Ở nước Đức, mỗi thành phố thường có các nơi làm việc dành cho người khuyết tật. Có thể nghĩ tới mô hình cho HM làm trong bếp, nơi có người giám sát, hoặc dán bì thư, đóng hộp, phân loại gì đó cho xưởng bánh kẹo, xưởng thuốc,… Lên lớp 7 có thêm môn học để hướng nghiệp (Arbeitslehre wirtschaft). Vào cấp 3, sẽ còn học hướng nghiệp rõ hơn. Riêng bố mẹ thì có thêm một dự định, nếu như con không theo được các mô hình chung của xã hội, có thể mở nhà thuốc, để HM nấu ăn cho nhân viên, và hỗ trợ việc kiểm hàng, xếp thuốc. Mẹ đã mua dụng cụ và đang rèn cho con các kĩ năng để tương lai có thể làm những việc ấy! Như hoa hướng dương đón ánh mặt trời. Đi là sẽ đến, tìm là sẽ thấy – với châm ngôn ấy, mẹ sống vì các con. |