TBVĐ- Học tiếng nước ngoài khi đến sinh sống ở nước đó là chìa khóa mấu chốt để hòa nhập với đất nước đó.
Jens Spahn, một chính khách của Liên minh Dân chủ Kito giáo (Christian Democrats (CDU)) gần đây chỉ trích những người sống ở Berlin nhưng nói tiếng Anh theo kiểu “trịch thượng một cách nhà quê” và ông phát động một cuộc tranh luận liên quan đến tầm quan trọng của việc học tiếng Đức. Spahn cho rằng việc sử dụng tiếng Anh đã cô lập một số người địa phương không biết tiếng Anh, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới những người mới nhập cư tới Đức để học tiếng Đức.
Nói tiếng Đức không cần thiết ?!
Báo The Local vừa mới thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến trên facebook với người nước ngoài, liệu họ có thể nói tiếng Đức sau nhiều năm sinh sống ở đất nước này? Kết quả 43% câu trả lời cho rằng họ có thể nói được tiếng Đức sau hai đến ba năm sống ở đây. 7% lại cho rằng người nước ngoài sống ở Đức không nhất thiết phải nói được tiếng Đức.
Báo The Local quyết định tập trung vào 7% này và tiến hành trao đổi với người nước ngoài sống tại Đức, theo họ lí do không muốn học tiếng Đức là bởi môi trường xung quanh tác động trực tiếp đến động lực học.
Martha Numata, một y tá người Mỹ đang làm việc tại Tây Nam Đức cho biết, trong quá trình làm việc cô không hề thấy khó khăn khi không biết nói tiếng Đức và việc này cũng không gây trở ngại nhiều cho cô trong cuộc sống ở đây.
Numata trả lời: “Hầu hết những người Đức sống ở đây đều có thể nói tiếng Anh, đến cả bác sĩ của tôi cũng là người Mỹ, và nha sĩ của tôi có thể nói tiếng Anh”. Cô còn cho biết thêm việc học tiếng Đức là vô cùng khó khăn, tuy nhiên nếu bạn muốn nhập quốc tịch Đức và sống ở đây cả đời thì bạn nên học, nhưng thậm chí không cần biết tiếng Đức bạn cũng có thể tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời ở đất nước này.
Thiếu động lực trau dồi tiếng bản địa
Kasper Boye, chuyên gia ngôn ngữ học và giáo sư của trường Đại học Copenhagen phản hồi mail cho báo The Local như sau: “Động lực học một ngôn ngữ mới của một người chính là vấn đề mấu chốt để học thành công ngôn ngữ đó”.
Trong khi một số người không có động lực để học tiếng Đức bởi họ cho rằng có thể sinh sống và du lịch ở đây mà không cần thiết phải biết tiếng Đức, một số khác sẵn sàng học nhưng theo họ cơ hội để áp dụng cũng như luyện tập là rất hạn chế.
2 năm trước, Anthony- người Canada bắt đầu học tiếng Đức khi chuyển đến sống ở thành phố Munich, anh cho biết: “ đa phần khi tôi sử dụng tiếng Đức để nói chuyện với người Đức, họ đều chuyển sang tiếng Anh để giao tiếp với tôi”. Từ những điều đó đã khiến việc học tiếng Đức của Anthony trở nên khó khăn và càng ngày càng thụ động. Anthony còn cho rằng, với khả năng nói tiếng Đức trình độ cơ bản của mình, anh không hề thấy khó khăn gì trong việc truyền đạt điều mình muốn khi sống ở bang Bavarian. Anh hoàn thành khóa học thạc sĩ của mình ở đây bằng tiếng Anh, bạn cùng phòng của anh ấy cũng là người Anh, và tất cả bạn bè của anh đều có thể nói tiếng Anh. Anh thừa nhận rằng cảm thấy bất tiện khi giao tiếp với chính quyền địa phương hoặc bác sĩ của mình, và cảm thấy tự trách bản thân vì sống ở đây khá lâu mà không thể thông thạo tiếng Đức.
Trường hợp của Alica (31 tuổi) một người Mỹ theo chồng nhập cư tới Braunschweig, Lower Saxony. Alicia không quan tâm với vốn tiếng Đức không tốt của mình liệu cô có khó kết bạn với người bản địa nơi đây hay không bởi phần lớn những người bạn cô làm quen ở đây đều là người ngoại quốc và có chung hoàn cảnh như vợ chồng cô. Vì vậy cô cho biết “chúng tôi dễ dàng đồng cảm và hiểu được chúng tôi cần gì, muốn gì. Những việc này tuy đơn giản nhưng không phải người bản địa nào ở đây cũng có thể làm được”. Alicia còn chia sẻ thêm động lực học tiếng Đức của mình còn phụ thuộc vào khoảng thời gian cô dự định sống ở đây.
Berlin – “thiên đường” nói tiếng Anh
Và còn rất nhiều người nước ngoài sống ở Đức nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc rời khỏi đất nước này dù khả năng nói tiếng Đức chỉ ở mức cơ bản, nhưng họ cảm thấy thoải mái và có thể sẽ tiếp tục ở đất nước này trong nhiều năm tới.
Nhạc sĩ người Mỹ Jerry Tilitz, sống hơn 30 năm ở Đức, đã bình luận trong một trạng thái trên facebook của The Local “Bây giờ muốn sống ở Hamburg, bạn có thể không cần biết nói tiếng Đức dù chỉ một từ”.
Ở Đức không một thành phố nào có thể dễ dàng sinh sống hơn thủ đô nếu bạn chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người Đức. Theo báo Tamsin Walker ở Berlin, tình trạng nói tiếng Anh được xem là vô cùng phổ biến ở Berlin bởi vì ở đây, nhân viên cửa hàng, nhân viên phục vụ đều chỉ muốn sử dụng tiếng Anh.
Nhiều người nhập cư mới đến Đức cho là không cần thiết để lãng phí thời gian và và sức lực học một ngôn ngữ khác. Louisa, một người Anh cho biết “khi tôi già đi, tôi muốn dành thời gian của mình quây quần bên con cháu thay vì bỏ thời gian ra để học ngôn ngữ nào đó”. Louisa cho rằng việc học tiếng Đức của cô rất thụ động, cô ấy đã đăng kí một lớp học tiếng Đức vì Louisa cho rằng dù bạn có đang sống ở thành phố Berlin đi chăng nữa thì không biết tiếng Đức cũng có một chút bất tiện. Louisa cũng nhận xét kết quả của cuộc thăm dò mà The Local đã tiến hành, một số biến số cản trở đến việc học ngôn ngữ chưa được đề cập đến ví dụ như sự mới mẻ khi tiếp cận một ngôn ngữ khác hoàn toàn với ngôn ngữ mẹ đẻ của người học, thiếu tố chất bẩm sinh học ngôn ngữ, hoặc ảnh hưởng của tổn thương về tâm lí của người tị nạn nhập cư tới Đức.
Chuyên gia ngôn ngữ học Boye cũng đồng ý với những điểm trên. Theo giáo sư Boye, yếu tố quan trọng trong việc học ngôn ngữ là sự tương quan về ngữ pháp, ngữ âm của ngôn ngữ mình học với ngôn ngữ mẹ đẻ và cả năng lực bản thân, tố chất bẩm sinh. Giáo sư Boye còn khẳng định: “Ngôn ngữ là một thực thể vô cùng phức tạp”. Cũng giống như Athony, Alicia và nhiều người nước ngoài khác sống ở Đức, Louisa cũng phân vân cho việc đầu tư thời gian và và công sức để học tiếp tiếng Đức. Cô chia sẻ : “Học tiếng nước ngoài khi đến sinh sống ở nước đó là chìa khóa mấu chốt để hòa nhập với đất nước đó”.
Thu Thảo (lược dịch The Local)