TBVĐ- Sau những tháng năm đầu tiên thành công với nghành hàng vải, hàng ăn và hàng rau quả thì người Việt bắt đầu đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt cả từ chủ quan đến khách quan.
Nói chủ quan là vì từ sau thống nhất nước Đức, hàng hàng người nghe tin về miền đất hứa là nước Đức kiếm tiền dễ như nhặt lá rụng mùa thu. Dòng người từ Việt Nam, qua người thân hay dịch vụ theo nhau ào ạt đến Đông Âu rồi tràn sang nước Đức. Ban đầu để kiếm tiền, việc đơn giản nhất với họ là nhập trại rồi phần lớn đi bán thuốc lá lậu. Kiếm đủ tiền, mọi người bắt đầu kết hôn hay nhanh chân thu vén làm giấy tờ định cư theo nhiều con đường khác nhau
Từ đây số lượng người Việt tăng lên chóng mặt. Để tồn tại và kiếm tiền một cách ổn định, các cửa hàng mọc lên như nấm sau mưa. Sự cạnh tranh khốc liệt bắt đầu giữa người Việt và người Việt với nhau, chưa kể các đại công ty của Đức.
Cạnh tranh đương nhiên có mất, có còn. Nhiều người không trụ lại được với nghành nghề cũ và từ đây để tìm con đường làm ăn khác. Một dòng nghành nghề mới dần hình thành và ra đời. Hàng hoa là một trong những nghành nghề đó.
Nói đến hàng hoa phải kể đến đầu tiên là thủ đô Berlin, nơi phồn hoa đô hội nên việc mua hoa cũng xôn xao sôi nổi hơn các thành phố và vùng miền khác. Nhu cầu thưởng thức hoa của người Đức rất cao. Họ cắm hoa trong nhà, ngoài mộ và hàng tuần phải thay một hai lần mới là chuyện như cơm ăn, nước uống bình thường, chưa kể sinh nhật, cưới xin hay các ngày lễ trọng. Trong nhiều ngày lễ cần đến hoa như ngày cưới, sinh nhật, nhập học, lễ trưởng thành, các ngày lễ Thánh. Còn có ngày lễ tình nhân, Noel hay ngày quan trọng nhất với hàng hoa là ngày của mẹ.
Nắm được tinh thần này, những người Việt vào cuộc. Chỉ một thời gian ngắn, thấy hàng hoa bán được. Người Việt thường bắt chước nhau nhanh chóng và nghành hàng hoa bắt đầu phát triền rầm rộ. Từ Berlin, không ngõ ngách nào không có người Việt bán hoa. Nghề bán hoa không bao lâu đã phát triển rất mạnh mẽ và lan ra các thành phố khác trên toàn nước Đức, đặc biệt là phần Đông, nơi cư ngụ của rất nhiều cư dân Việt mới.
Người Việt vốn nhanh nhạy trong chuyện nắm bắt thị trường lại thông mình và đặc biệt khéo tay. Chỉ một thời gian ngắn, nghành hàng hoa cũng như vài nghề khác đã thay đổi hẳn bộ mặt và tính chất. Ban đầu chỉ là lấy để bán kèm theo rau quả thì dần dần các cửa hàng bán chuyên hoa và cây ra đời, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Khác với người Đức thường theo tuýt cổ điển và nguyên tắc, khuôn mẫu theo trường phái nọ trường phái kia. Ý nghĩa của các loài hoa ra sao để bó theo chủ đề cho phù hợp, rồi chất lượng cũng được đặt lên hàng đầu. Chỉ bán hoa thôi họ cũng phải học nghề tới ba năm, để biết từ kỹ thuật giữ hoa cho tươi lâu, nghệ thuật trong cách bó hoa rồi cách nào quản hoa và ngay cả tên và ý nghĩa các loài hoa, thì người Việt chẳng cần nhiều.
Nghề học nghề, tự mày mò rồi xem mẫu trên Internet làm theo. Vì vậy mẫu hoa của người Việt tuy không theo một trường phái nào nhưng lại bắt mắt và lạ lẫm mới mẻ nên người Đức ngoài giá cả họ cũng thích mua hoa của người Việt vì tính thẩm mỹ mới lạ này. Tất nhiên nói thế chưa đủ, người Việt cũng không quên tuân thủ những nguyên tắc thẩm mỹ mà khách hàng Đức yêu cầu. Từ đấy từng bước thâm nhập dần vào gu thẩm mỹ của người bản địa.
Mùa nào thức nấy, xuân hạ thu đông người Đức xưa bán gì người Việt bán nấy nhưng điều đặc biệt là giá cả mềm hơn rất nhiều so với cửa hàng Đức. Đầu xuân cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc cũng là lúc hàng hoa sẽ vào mùa bán cây. Thôi thì đủ loại, cây to cây bé. Cây cho nhà vườn, cây cho nghĩa địa, cây trồng làm cảnh ở ban công. Cửa hàng bán sỉ thời điểm này đông đúc và nhộn nhịp hẳn lên.
Hè về hoa nhà vườn bắt đầu nở rộ thì hàng hoa cũng kém phần doanh thu nhưng những cửa hàng chuyên nghiệp thì không bao giờ thiếu việc. Hết ngày tình nhân Valentine lại đến ngày của mẹ Muttertag. Những ngày này, mấy ngày trước đó, có khi cả tuần. Người ta làm thâu đêm suốt sáng, rộn rịp bó hoa cho kịp để bán vào ngày quan trọng đó.
Qua ngày lễ, nhiều người mấy đêm không ngủ nên lăn ra ốm nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy. Nghỉ ngơi vài ngày lấy sức thế là xong. Vòng quay cứ thế bắt đầu.
Cuộc xâm nhập của người Việt nhanh chóng đẩy các cửa hàng hoa của người Đức vào ngõ cụt. Khách dần vắng bóng, nhường chỗ cho những người Việt tóc đen bé nhỏ mà cần mẫn chiếm lĩnh thị trường. Ngày nay các cửa hàng hoa của người Đức chủ yếu tồn tại được phần lớn họ đều có nhà vườn. Tự cung tự cấp rồi lấy thêm ở chợ hoa bán buôn về để bán kèm và nhập từ các hãng hoa của Hà Lan chở đến.
Một người Đức có cửa hàng hoa tên là Hengel phàn nàn: “ Người Việt Nam làm lấy chết, cạnh tranh không còn biết điểm dừng”. Không biết bà nói có chính xác không? Nhưng sự thật sau những bó hoa tươi thắm trao cho khách hàng thì mồ hôi và nước mắt đổ ra của những đôi bàn tay nhỏ xinh xắn không thể nào mà kể hết.
Làm nghề bán hoa không chỉ phải thức khuya, dậy sớm mà còn phải chịu đau đớn khi bị gai cào cho tướp máu. Rồi nước ngâm hoa cũng ăn mòn những đôi tay tần tảo. Nhìn người bán hoa bạn sẽ nhận ra ngay. Đôi tay họ thường đầy sẹo và nhăn nheo vì nước ngâm hoa.
Ngoài vấn đề trên, việc cầm kéo cắt hoa với sức bấm liên tục cũng làm cho tay bị đau, dây chằng và thần kinh bị ảnh hưởng, đau lâu dần để rất khó chữa. Làm nghề gì cũng phải chịu vất vả vì nghề đó nên các cụ mới có câu „Sinh nghề, tử nghiệp” là vì thế! Nhưng dù khó khăn, người Việt tảo tần khuya sớm vẫn không ngần ngại, họ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để có thu nhập, có cuộc sống yên bình và giành cho con cái một con đường tươi sáng như họ nghĩ. Từ những cửa hàng hoa nhỏ xinh với đôi tay khéo léo, người Việt xa quê còn đóng góp không nhỏ khi gửi những đồng tiền khó nhọc về nhà, giúp gia đình.
Thiên Nga