Các công ty phân loại và tái chế rác – rất nhiều trong số đó là bất hợp pháp và thuộc sở hữu của người Trung Quốc – mọc lên như nấm tại các tỉnh xung quanh khu vực cảng Laem Chabang (tỉnh Chonburi, Đông Thái Lan).
Chachoengsao, một tỉnh thuần nông nằm ở phía Đông thủ đô Bangkok, đang bị biến thành một bãi rác thải điện tử phá hoại môi trường sống của người dân địa phương. Cô Payao Charoonwong, một cư dân ở Chachoengsao, cho hay, 20 năm qua, nước trong giếng nhà cô phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày nay bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Trong khi đó, ruộng khoai mì nhà cô cũng không thể canh tác, phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2017.
Theo cô, tất cả là do một nhà máy tái chế rác thải điện tử của người Trung Quốc gần nhà cô, nơi xử lý hàng tấn phế liệu như máy tính bị nghiền nát, bàn phím, cáp điện… Các công ty tái chế rác điện tử để lấy các kim loại có giá trị như đồng, bạc và vàng. Nhưng nếu quá trình tái chế không đúng cách sẽ thải ra môi trường rất nhiều hóa chất độc hại có thể gây ung thư như chì, cadmium và thủy ngân.
Ngoài việc phải hít thở bầu không khí bị ô nhiễm do khói độc phát thải trong quá trình tái chế, cô Charoonwong còn cáo buộc chính nhà máy tái chế trên đã làm ô nhiễm nguồn nước nhà cô. “Khi trời mưa, nước trút xuống đống rác thải rồi chảy qua nhà tôi, làm ô nhiễm nguồn nước và đất”, cô Charoonwong nói.
Cáo buộc của cô Charoonwong không phải vô căn cứ. Các mẫu thử nguồn nước, do nhóm hoạt động môi trường Earth và cơ quan chức năng địa phương thực hiện, đều cho thấy có một lượng lớn chất độc hại có trong nước như sắt, mangan, chì, nickel và một số trường hợp cả arsenic và cadmium.
Penchom Saetang, nhà sáng lập Earth, cho biết, qua quá trình quan sát người dân sử dụng nước giếng, họ nhận thấy rất nhiều người dân bị mắc bệnh ngoài da trong khi nước giếng bốc mùi hôi. “Đây là một bằng chứng cho những nghi ngờ của người dân về việc nguồn nước của họ có vấn đề”, cô Saetang nói.
Sau khi kiểm tra nhà máy tái chế rác thải gần nhà cô Charoonwong, cơ quan chức năng phát hiện nhà máy này hoạt động chui, không có giấy phép. Nhà máy này đã buộc phải đóng cửa, nhưng các xe chở rác thải điện tử nhiều kẽ hở nên đã tạo điều kiện hoạt động buôn bán rác thải điện tử tung hoành. “Rác thải điện tử đang được nhập khẩu ồ ạt vào Thái Lan và biến nước này trở thành kho chứa chất thải độc hại. Trong 10 quốc gia xuất khẩu rác thải điện tử vào Thái Lan nhiều nhất có Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia”, cô Saetang cho biết.
Theo ABC News, đã có những động thái của một số nước trong khu vực cho thấy họ không chấp nhận trở thành bãi rác của thế giới. Cuối tuần qua, Indonesia đã tuyên bố sẽ gửi trả 8 container giấy về Australia sau khi họ phát hiện thấy tã lót và rác điện tử trộn lẫn bên trong. Malaysia và Philippines cũng đã gửi trả những container rác về điểm xuất phát, trong khi Thái Lan tuyên bố sẽ tăng cường luật bảo vệ môi trường.
Theo Minh Châu / sggp.org.vn