Chính phủ ông Olaf Scholz sẽ tập trung hiện đại hóa nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời chú trọng giải quyết các vấn đề an sinh-xã hội của nước Đức.
Ngày 24/11, đảng Dân chủ xã hội (SPD) cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã đạt thỏa thuận, mở đường cho ông Olaf Scholz thay thế bà Angela Merkel làm Thủ tướng của chính phủ liên minh ba đảng.
Dự kiến, ông sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị này sau khi Quốc hội Đức (Bundestag) họp và bỏ phiếu, dự kiến trong khoảng ngày 6 – 9/12 tới.
Như vậy, lần đầu tiên kể từ những năm 1950, Berlin có chính phủ ba bên. Quan trọng hơn, thỏa thuận liên minh này cũng kết thúc 16 năm cầm quyền liên tục của bà Angela Merkel, mở ra một kỷ nguyên mới của nước Đức.
Theo Reuters, đến thời điểm hiện tại, ngoài Thủ tướng, một số vị trí quan trọng trong chính phủ mới đã được thống nhất. Bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, “đối thủ” ông Olaf Scholz trong cuộc bầu cử vừa qua, sẽ đảm nhận vị trí Ngoại trưởng.
Ông Robert Habeck, bạn đời bà Baerbock và đồng lãnh đạo đảng Xanh sẽ đảm nhận cương vị Siêu Bộ trưởng, kết hợp giữa Bộ Kinh tế và Bộ Bảo vệ môi trường. Ông Christian Lindner, Chủ tịch đảng FDP, sẽ là Bộ trưởng Tài chính.
Các vị trí này đã ít nhiều phản ánh ưu tiên của chính phủ mới về trong lĩnh vực đối nội. Trọng tâm của SPD nằm ở các vấn đề an sinh xã hội. Đảng Xanh ưu tiên bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong khi đó, FDP đại diện cho tiếng nói của cử tri trẻ tuổi và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
The Local đã đưa ra 8 ưu tiên của chính phủ “đèn giao thông” dưới thời ông Scholz.
Trung hòa carbon năm 2045
Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, giúp Đức đạt mục tiêu trở thành nước trung hòa carbon năm 2045 là chủ đề xuyên suốt trong thỏa thuận 177 trang giữa chính phủ liên minh “đèn giao thông”.
Các bên đã cam kết loại bỏ than vào năm 2030, sớm hơn 8 năm so với mục tiêu của chính phủ trước, đồng thời đạt trung hòa carbon năm 2045.
Ngoài ra, theo đề xuất của FDP, chính phủ mới sẽ sử dụng 3,5% GDP để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, đẩy nhanh quá trình tiến tới nền kinh tế trung hòa carbon năm 2045. Các bên đặt mục tiêu tới năm 2030, 80% điện năng của Đức sẽ đến từ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vượt qua mục tiêu trước đó là 65%.
Ngoài ra, liên minh cầm quyền cho biết trong tương lai, tất cả những mái nhà phù hợp sẽ được sử dụng để khai thác năng lượng mặt trời. Điều này sẽ trở thành bắt buộc đối với các tòa nhà thương mại và tư nhân mới được xây dựng.
Về ngành công nghiệp ô tô, các bên nhất trí rằng xe ô tô điện cần phát triển mạnh hơn nữa, nâng con số gần 1 triệu chiếc hiện nay lên 15 triệu chiếc vào năm 2030, tiến tới ngừng phê chuẩn sản xuất các xe ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035.
Giới hạn các khoản vay, không tăng thuế
Trong khi đó, các kế hoạch về ngân sách mang đậm dấu ấn của FDP.
Các bên nhất trí áp đặt lại “phanh nợ”, giới hạn khoản vay các bang vào năm 2023. Cơ chế này từng được áp dụng dưới thời bà Angela Merkel, song đã bị tạm hoãn để đẩy mạnh chi tiêu công phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Duy trì “phanh nợ” là lằn ranh đỏ của FDP. Đồng thời, đề xuất này cũng được ông Olaf Scholz ủng hộ.
Đồng thời, theo FDP, các bên nhất trí không tăng thuế. Đây là chiến thắng quan trọng cho đảng này, vốn phản đối việc gây áp lực về tài chính lên người đóng thuế.
Quyền nạo phá thai, quyền của người chuyển giới
Liên minh “đèn giao thông” cũng cam kết mở rộng một số quyền, cũng như đề xuất giảm bớt các quy định về nạo phá thai và người chuyển giới.
Trong một bước ngoặt với nữ giới và chuyên gia y tế, ba đảng cam kết sẽ hủy bỏ điều 219a, thuộc Bộ Luật hình sự Đức về cấm quảng cáo dịch vụ nạo phá thai. Thỏa thuận giữa ba chính đảng cho biết: “Các bác sỹ nên được phép cung cấp thông tin công khai về nạo phá thai mà không phải chịu sự truy tố của pháp luật”.
Chính phủ mới cũng sẽ thay thế Dự luật Người chuyển giới bằng “dự luật mang tính tự quyết”, giúp người dân dễ dàng hơn khi thay đổi giới tính trên hồ sơ của mình.
Hợp pháp hóa cần sa
Ngoài ra, không chỉ duy trì các đạo luật về hợp pháp hóa cần sa trong điều trị bệnh, chính phủ mới của Đức sẽ đẩy mạnh việc hợp pháp hóa cần sa trên phạm vi rộng hơn.
Ba đảng cam kết sẽ “hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa vì mục đích tiêu dùng cho người trưởng thành tại các cơ sở được đăng ký”, qua đó “kiểm soát chất lượng, ngăn chặn tình trạng lưu thông các thứ phẩm độc hại và bảo vệ những người chưa đủ tuổi.”
Từ lâu, đảng Xanh và FDP đã kêu gọi hợp pháp hóa cần sa, trong khi SPD từng đề xuất triển khai thí điểm sử dụng sản phẩm này. Thỏa thuận cho biết, 4 năm sau khi hợp pháp hóa cần sa, Berlin sẽ kiểm tra, đánh giá tác động, trước khi tiến hành gia hạn hay mở rộng phạm vi của chính sách này.
Chính sách hai quốc tịch
Theo The Local, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận về xóa bỏ một số rào cản quan trọng về những người nhập cư mong muốn tìm kiếm quốc tịch Đức.
Người nhập cư sẽ có thể đăng ký nhập tịch Đức sau 3-5 năm nếu cho thấy khả năng hòa nhập cộng đồng tốt. Hiện người nhập cư phải đợi từ 6-8 năm trước khi có thể đăng ký quốc tịch Đức.
Đặc biệt, SPD, đảng Xanh và FDP khẳng định sẽ thay đổi chính sách, cho phép công dân không thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể mang nhiều quốc tịch khác nhau. Hiện công dân đến từ các nước không nằm trong EU và không lớn lên tại Đức thường phải chọn giữa quốc tịch Đức hoặc quốc tịch ban đầu của họ.
Lương và an sinh xã hội
Với việc SPD sẽ nắm Bộ Lao động và các vấn đề xã hội, không khó để thấy ảnh hưởng của đảng này trong đề xuất về chính sách an sinh – xã hội của Berlin sắp tới.
Năm tới, liên minh “đèn giao thông” cam kết tăng lương tối thiểu từ 9,6 Euro lên 12 Euro/giờ. Đây là cam kết chính sách nổi bật của SPD trong bầu cử vừa qua.
Ngoài ra, người thất nghiệp có thể đăng ký nhận hỗ trợ nhanh chóng, thuận tiện và không phải đo diện tích căn hộ hay cân nhắc về khoản tiết kiệm trong hai năm đầu.
Một chính sách khác của SPD và đảng Xanh là Bảo hiểm Trẻ em Cơ bản, tích hợp các chính sách hỗ trợ trước đó thành một gói duy nhất, hỗ trợ trẻ em tới năm 18 tuổi.
Giải quyết khủng hoảng nhà ở
Ngoài ra, trước khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng, chính phủ mới dự kiến xây dựng thêm 400,000 căn hộ/năm, với một phần tư là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, giúp nhóm này an cư lạc nghiệp và tạo động lực cho ngành xây dựng phát triển.
Các bên cũng cam kết hướng tới giới hạn mức giá tăng đối với một khu vực cho thuê. Ở thời điểm hiện tại, con số này là 15% trong vòng 3 năm, song dưới thời chính phủ ông Olaf Scholz, mức này được cho là chỉ còn 11%, đặc biệt là với thị trường nhà đất tại nhiều thành phố lớn.
Giảm tuổi bầu cử
Cuối cùng, các bên cam kết sẽ giảm độ tuổi tham gia bầu cử từ 18 xuống 16 tuổi.
Kế hoạch này được cho là sẽ mang lại nhiều lợi thế cho đảng Xanh và FDP, hai chính đảng phổ biến nhất với các cử tri trẻ tuổi, song có thể gây khó khăn cho đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel.