Một số lập luận nghe qua tưởng chừng có lý nhưng lại rất “ngô nghê” của nhiều bậc phụ huynh lẫn các em sinh viên khi tìm đến “giấc mơ nước Đức”.
Thứ nhất, sang Đức có người thân chăm lo, không mất gì, nên lo gì mà không đi để đổi đời. Nhiều thanh niên khi sang tới Đức mới vỡ mộng, vì không phải sang được chăm lo chu đáo, tập trung việc học, mà họ phải phụ giúp công việc làm ăn của người thân, từ việc chạy bàn, phụ bếp, đến những việc chân tay khác. Đã có trường hợp cảm thấy sốc và kiệt sức, phải tìm cách trốn về nước nhưng cũng không dám về vì việc học dở dang và nghĩ đến sĩ diện gia đình. Có trường hợp bức xúc, chửi mắng thậm tệ, tố cáo cả cô, chú ruột trên mạng xã hội vì bóc lột sức lao động của cháu trong nhiều năm. Có trường hợp phải bỏ học, tiếp tục theo nghiệp chạy bàn, làm thêm theo giờ đổi lại những đồng lương ít ỏi và mỏi mòn chờ đợi ngày có hộ chiếu vô thời hạn cho đến hết tuổi thanh xuân.
Thứ hai, nhiều người nghĩ rất đơn giản rằng cứ chọn ngành nghề gì đó học đại để được sang Đức rồi thế nào cũng có cách ở lại chứ không có bất kỳ hứng thú hay tìm hiểu trước. Trường hợp này xem ra phổ biến. Hệ quả là, học không thể tốt nghiệp, mất cả chục ngàn euro mỗi năm để trang trải chi phí rồi phải về nước khi gia đình ở Việt Nam không còn khả năng chu cấp, thậm chí đổ nợ. Hoặc giả là tìm kiếm việc làm chân tay để kiếm bạc lẻ và tấm giấy hợp pháp ở lại Đức; hay có khi kết hôn giả để không phải ê chề trở về quê hương vì vỡ giấc mộng châu Âu. Họ phải khởi đầu những ngày tháng tuổi trẻ ở Đức bằng cách quên đi ước mơ của mình, vật lộn với cuộc sống quanh quẩn trong các hàng quán, khu chợ để nhận những đồng trợ cấp ít ỏi từ nước Đức như kiểu những người Việt cố gắng bám víu lại Đức cách đây vài thậm kỷ.
Thứ ba, nhiều người ở Việt Nam dù có năng lực, có chỗ đứng xã hội và thu nhập ổn định vẫn tin rằng sang Đức dù làm thuê cũng tốt hơn ở Việt Nam. Suy nghĩ này dẫn đến hệ lụy từ chỗ họ có thể sống bằng sức lao động của chính bản thân, sang tình thế phải sống phụ thuộc vào các mức trợ cấp xã hội của nước Đức. Trong khi đó bản thân họ khi sang Đức cũng phải lao động chủ yếu chân tay, nhưng đến khi nhận ra thì cũng khó có thể trở về vì việc làm, điều kiện sống tốt ở Việt Nam không còn nữa. Đó là lý do, có trường hợp đã từ chối sang Đức làm việc 3 năm (cùng với vợ con), vì sau khi tính toán thiệt hơn về mặt kinh tế và nghề nghiệp lâu dài, sang Đức sẽ chịu thiệt thòi hơn rất nhiều.
VĐ