LTS: Một bài viết trên Thời báo Việt Đức trước đây đã lên tiếng báo động về hiện tượng tỷ lệ phụ nữ Việt ở Đức nuôi con một mình rất lớn, gây hệ lụy không nhỏ cho nhiều chị em và con cái họ rơi vào hoàn cảnh đó. Bài viết của Vĩnh Hà dưới đây trở lại chủ đề trên, nhưng dưới góc độ pháp lý, liên quan tới con ngoài giá thú. Hiện tượng người bố Việt nhận con, nay không ít, và nhiều trường hợp còn liên quan tới cả quyền lưu trú, bài viết này hy vọng có thể cung cấp ít nhiều kiến thức pháp lý bổ ích liên quan.
TBVĐ- Mỗi năm ở Đức có khoảng 25.000 đứa bé được sinh ra với số phận „con tu hú“.
Tại Đức, trách nhiệm chu cấp tiền nuôi con của người cha chỉ chấm dứt khi đứa con đến tuổi trưởng thành, hoặc khi người cha đưa ra được các bằng chứng xác thực mình không phải cha đẻ, thông qua xét nghiệm phụ hệ (Vaterschaftstest). Theo luật hiện hành, nói chung, việc làm xét nghiệm huyết thống khi người mẹ không hay biết vẫn là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể do luật định, người cha được phép làm xét nghiệm phụ hệ qua gien DNA (bằng cách so sánh phân tích mẫu nước bọt của người cha và đứa con), dù người mẹ đồng ý hay không.
Khi người đàn ông, dù bằng cách nào, khẳng định được, mình không phải cha đẻ của đứa bé, sẽ có hai lựa chọn. Hoặc vẫn tiếp tục giữ vai trò người cha, trên cả phương diện pháp luật lẫn xã hội, đồng nghĩa với trách nhiệm pháp lý tiếp tục chu cấp tiền nuôi con. Nếu muốn phủ quyết mối quan hệ pháp lý cha con đó, phải viện đến tòa án. Trong quá trình xét xử, người mẹ có trách nhiệm công khai các quan hệ tình dục trong thời điểm thụ thai. Khi tòa chấp nhận phủ quyết, đồng thời tìm được cha đẻ của đứa bé, ông bố hờ có quyền truy đòi người này trả chi phí đã chu cấp nuôi con. Nếu không chịu công khai danh tính cha đẻ của đứa bé, người mẹ có trách nhiệm đền bù mọi thiệt hại cho người bố hờ khi đã cố tình im lặng để nhận tiền chu cấp nuôi con từ người này.
Theo luật định, đứa trẻ sinh ra trong thời gian kết hôn nghiễm nhiên là con đẻ của người chồng, cho đến khi có các chứng cứ xác thực khẳng định điều ngược lại. Sự hỗ trợ của luật pháp cho những ông bố nuôi „con tu hú“ vẫn phải bắt đầu từ ý kiến của người bố. Mỗi người nên có sự tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng về những hậu quả có thể xảy ra trước khi quyết định làm xét nghiệm phụ hệ và cách xử lý các vấn đề liên quan khi kết quả cho thấy không cùng huyết thống.
Gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong chuyện này vẫn là những đứa trẻ. Chúng không chỉ bị mất đi người vốn vẫn được xem là cha đẻ mà còn là nạn nhân của 1 sự lừa dối ghê gớm – lừa dối về nguồn cội. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc biết rõ nguồn gốc rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Ngoài ra, khi đã viện đến luật pháp để từ chối vai trò ông bố hờ, nếu trước đó một mối quan hệ cha con tốt đẹp đã được xây dựng sẽ đồng nghĩa với việc đánh mất một đứa con mình yêu thương, dù nó có phải máu mủ của mình hay không. Điều đó cũng đau lòng không kém việc biết mình bị „cắm sừng“.
Dân gian thường nói „Con nào con chẳng giống cha, cháu nào cháu chẳng giống bà giống ông“; nhưng cũng lại có câu „Chỉ có mẹ và bà ngoại mới chắc con cháu là của mình“, trong đó câu thứ hai mới hoàn toàn đúng. Cũng vì cái sự ấy, mà chỉ riêng tại Đức, mỗi năm có tới khoảng 40.000 ông bố cho xét nghiệm huyết thống để khẳng định nguồn gốc con mình. Và 10.000 người nhận được kết quả đã nuôi „con tu hú“, cũng đồng nghĩa với 25% ngờ vực là đúng.
Không có con số thống kê chính thức tổng số con ngoài giá thú. Nhưng theo 1 nghiên cứu, con số trung bình chừng 4%, nghĩa là, mỗi năm ở Đức có khoảng 25.000 đứa bé được sinh ra với số phận „con tu hú“. Nếu tính bình quân cho các trường phổ thông, thì mỗi lớp học đều có 1 học sinh như vậy. Thậm chí, theo cộng đồng những người quan tâm đến vấn đề xét nghiệm phụ hệ, con số thực có thể lên tới 10%, tức 70.000 trẻ mỗi năm.
Vĩnh Hà
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!