TBVĐ- Chủ nhà có chịu trách nhiệm khi khách dùng Internet của họ để truy cập và chia sẻ những nội dung vi phạm luật pháp?
Thông thường, một kết nối Internet được nhiều người cùng sử dụng, chẳng hạn trong gia đình hay ở nhà trọ. Do đó, khi tải dữ liệu trái phép rất khó tìm ra người chịu trách nhiệm.
Trẻ vị thành viên vi phạm: bố mẹ chịu trách nhiệm
Theo luật, người đứng tên hợp đồng mạng có trách nhiệm đảm bảo kết nối Internet không bị người lạ xâm nhập (bằng cách đặt mật khẩu) và dặn dò người sử dụng mạng không vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, trách nhiệm dặn dò dần dần được giới hạn thông qua một số phán quyết của tòa, ban đầu là ở phạm vi gia đình, sau đó áp dụng cho cả khách đến chơi nhà.
Bố mẹ phải chịu trách nhiệm, khi con dưới tuổi vị thành niên tải dữ liệu trái phép. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng khi trước đó bố mẹ chưa dặn dò con không được vi phạm Luật bản quyền (theo án số: I ZR 74/12 của Tòa án Liên bang). Ngược lại, nếu con đã trưởng thành, bố mẹ không có trách nhiệm giảng giải (án số I ZR 169/12). Ngay cả khi chồng hay vợ vi phạm Luật bản quyền, người đứng tên hợp đồng mạng cũng không phải chịu trách nhiệm (theo phán quyết của Tòa án tiểu bang Köln, án số: 6 U 239/11).
Phạt người dùng, không phạt chủ Internet
Theo phán quyết của Tòa án Liên bang, khi cung cấp mật khẩu Internet cho khách đến chơi, chủ nhà không phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động của người đó trên mạng, chẳng hạn khi chia sẻ và tải dữ liệu bất hợp pháp.
Trong vụ việc cụ thể, bà A. bị một công ty sản xuất phim và âm nhạc yêu cầu đóng 755 Euro do vi phạm bản quyền. Ai đó đã sử dụng kết nối Internet của bà để chia sẻ bộ phim „Silver Linings Playbook“ trên một diễn đàn trao đổi.
Việc tìm ra ai chia sẻ dữ liệu không khó, vì trên Router có ghi lại tất cả địa chỉ và thời điểm các máy truy cập mạng. Sau khi kiểm tra bà A. phát hiện chính người cháu gái từ Úc sang chơi đã sử dụng máy tính của mình và chia sẻ phim trái phép. Theo Tòa án Liên bang, khi cho khách sử dụng Internet, sẽ không phải chịu trách nhiệm khi họ chia sẻ phim hay nhạc trái phép.
Ngoài ra, trước đó cũng không cần thiết phải giảng giải cho họ về quy định cấm chia sẻ hay tải dữ liệu trái phép (án số: I ZR 86/15). Trong một vụ xét xử khác (án số: I ZR 220/15), Tòa án Liên bang cũng đưa ra phán quyết tương tự.
Làm gì khi nhận được thông báo đòi tiền? Trước hết, hãy tra cứu tên cơ quan gửi cảnh báo để biết, liệu cảnh báo có nghiêm túc không. Cảnh báo qua Email không có giá trị và có thể xóa ngay. Cần chú ý đếnthời hạn đưa ra trong thư. Sau đó, hãy tìm tư vấn pháp luật như Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng hay luật sư để kiểm tra xem khoản tiền phải trả có thích hợp không. Lưu ý cần thương lượng giá đổ đồng (Pauschalpreis), dao động từ 300 đến 600 Euro. Trong thư cảnh báo, công ty luật thường yêu cầu bồi thường chi phí luật sư, đền bù thiệt hại và kí cam kết không vi phạm (Unterlassungserklärung). Tuyệt đối không nên kí cam kết này, do sẽ bị ràng buộc 30 năm. Khi nộp cam kết không vi phạm đã chỉnh sửa, chỉ cam kết không vi phạm tải lên và xuống trái phép một số album âm nhạc nhất định. Ngoài ra, cần phải thương lượng lại số tiền phải trả. |
Trúc Quỳnh