Người Việt Nam ở Đức được đánh giá là siêng năng, cần mẫn và thành đạt, thế nhưng đằng sau sự thành công đó là nhiều nỗ lực và sự đánh đổi.
Nếu ai muốn tìm đến thế giới Việt Nam ở Đức, người đó sẽ được dẫn đến quận Lichtenberg ở thành phố Berlin, Fluter cho hay. Nằm giữa những tòa nhà lắp ghép và ống khói cũ xây bằng gạch nung là 6 dãy nhà dài, được xây dựng theo kiểu có thể mô tả nôm na là “phù hợp cho mục đích sử dụng”.
Cấu trúc bên trong những ngôi nhà này cái nào cũng như nhau, gồm một hành lang dài, bên phải bên trái vô số cửa hàng, cửa hiệu. Đó là khu giao hàng lớn của người Việt Nam tại Berlin, nơi mà bạn có thể mua hoa giả, mua quần áo, cắt tóc, mang tên Chợ Đồng Xuân.
Trong một cửa hàng ở nhà số một, nơi có bán các loại rau, mỳ sợi, gạo và mọi thứ quen thuộc ở các cửa hàng thực phẩm Á Châu, ông Do Tuan Tu, 51 tuổi, ngồi khom vai đằng sau chiếc máy tính xách tay, cau mày, gõ gõ gì đó lên bàn phím. Một khách hàng đặt một túi rau lên bàn, ông Tú liếc nhìn qua, nói với khách: “2 euro, cảm ơn, xin chào”.
Cửa hàng này là cơ nghiệp của vợ chồng ông Tu và bà Lien. Hai người mở cửa hàng này từ năm 2004, sau khi đóng cửa một nhà hàng châu Á.
“Vợ chồng tôi làm việc 10 – 12 tiếng một ngày. Mỗi tuần 6 ngày”, ông Tu nói tiếng Đức với chất giọng vẫn còn mang nặng âm hưởng tiếng Việt và nhanh chóng bổ sung thêm. “Hai vợ chồng tôi mỗi người thu nhập 2 euro một giờ, sau khi trừ đi các khoản chi phí. Nói chung là cũng đủ sống”.
27 năm nay, gia đình ông vẫn sống trong một căn hộ ở Lichtenberg, không xa Chợ Đồng Xuân là bao.
Ông Tu sang Đức năm 1987 theo diện công nhân của chương trình hợp tác lao động. Ông từng tốt nghiệp đại học Kiến trúc nhưng hồi đó nhà nghèo, không có việc làm. Vào những năm 1980, cộng hòa dân chủ Đức cần rất nhiều lao động cho các nhà máy. Trong những công việc nhận công nhân hợp tác có cả những việc được trả lương thấp, đơn điệu và nặng nhọc, ví dụ như khâu, may trong các nhà máy dệt kim.
Cuối năm 1989, có gần 60.000 người Việt Nam đã đến Chemnitz, Dresden, Đông Berlin và các thành phố khác ở Đông Đức. Tập thể công nhân Việt Nam sống trong các ký túc xá của họ, không được phép tiếp xúc với người dân Đông Đức. Họ thường bị gọi là “Fiji”, như thể họ là những người đến từ vùng biển ở Nam Thái Bình Dương vậy.
Sau khi nước Đức thống nhất, các công nhân hợp tác lao động là những người đầu tiên bị mất việc làm. Trong khi chính phủ Đức tìm mọi cách để đưa người Việt về nước thì họ cố gắng xoay xở để sinh sống. Họ đi bán thuốc lá lậu, mở quán ăn nhanh, mở cửa hàng rau, quả, cắt sửa quần áo, bán hoa…
Mãi đến cuối những năm 1990, phần đông công nhân hợp tác lao động còn ở lại nước Đức mới được cấp giấy phép cư trú vô thời hạn. Nhiều người thậm chí còn được nhập quốc tịch Đức. Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 130.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Đức.
Phần lớn những người thuộc về thế hệ nhập cư thứ nhất này là người miền Bắc như ông Tu và con cái của ông, nhưng cũng có những người miền Nam sang Đức ngay sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam năm 1975, được chính phủ Đức hỗ trợ và so với các công nhân hợp tác lao động trước đây, nhìn chung họ đã hòa nhập vào xã hội Đức tốt hơn và nhanh hơn.
Vào những năm 1990, người Việt Nam ở Đông Đức không chỉ phải bôn ba lo cho cuộc sống. Họ còn phải chịu đựng nạn phân biệt chủng tộc, nhiều lúc còn bị đuổi đánh. Đối với nhiều người dân bản xứ, người Việt thường bị coi là “Fiji” và tốt nhất nên trục xuất ra khỏi nước Đức.
Trong một cuộc bạo loạn ở Rostock vào năm 1992, những người cánh hữu cực đoan đã châm lửa đốt một ngôi nhà tập thể nơi người Việt Nam sinh sống.
Những năm gần đây, sự phân biệt chủng tộc đã giảm bớt và cái nhìn chung của người Đức về người Việt Nam cũng được thay đổi một cách hoàn toàn. Nếu trong những năm 1990, người ta thường nói về chuyện rửa tiền, tống tiền và giết người tàn bạo của mafia Việt Nam thì hiện nay báo chí Đức lại viết về “phép lạ Việt Nam”, về “những người nhập cư thành công”. Đài truyền hình Đức phát những bài phóng sự nói về “Người Việt Nam khôn ngoan”. Họ còn cho hay học sinh gốc Việt nhận được bằng tú tài nhiều hơn là cả học sinh Đức cùng trang lứa.
Ông Thilo Sarrazin, tác giả của những quyển sách gây tranh cãi nhưng rất ăn khách thường mang nội dung phê phán người nhập cư, cũng đã phải đưa ra hình ảnh của nhóm người nhập cư đến từ Đông Nam Á gương mẫu, chí thú, hiếu học, im lặng hòa nhập và không gây ra một vấn đề gì cho nước Đức. Các nhà chính trị cũng thường nhấn mạnh rằng người Việt Nam đã hòa nhập vào xã hội Đức một cách tuyệt vời.
Tuy nhiên, với bà Mai Phương Kollath, người có một văn phòng cùng phố với Chợ Đồng Xuân, những lời khen ngợi trên có phần sáo rỗng và làm bà khó chịu. Bà cảm thấy bực bội khi nghe các bài phát biểu mà trong đó chỉ thấy ca ngợi người Việt là những người nhập cư tuyệt vời.
Bản thân bà từng là công nhân hợp tác lao động ở Đức và hiện làm công tác tư vấn cho người Việt và người Đức về trao đổi văn hóa.
“Chính sách nhà nước không hỗ trợ được nhiều cho người Việt ở Đông Đức. Ví dụ như phía chính quyền chưa bao giờ nỗ lực để đưa người Việt vào các khóa học tiếng Đức”, bà Kollath nói. “Nhiều người nhập cư Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất ở Đông Đức đang sống với mức thu nhập tối thiểu dù họ làm việc rất nhiều. Thậm chí sau 30 năm, nhiều người ở thế hệ thứ nhất cũng chỉ biết bập bẹ tiếng Đức”.
Họ không thể tham gia vào các cuộc tranh luận, không bày tỏ được ý kiến phê phán của mình cũng như không thu hút, lôi kéo được sự chú ý vào những vấn đề thực tế.
“Thế hệ thứ nhất dồn hết tiền của của mình cho con cái và cho việc học hành của chúng. Họ bảo con em mình rằng chúng phải học từ sáng đến tối. Tốt nhất là học cả vào cuối tuần. Nhiều trẻ em trong gia đình người Việt rất sợ mang điểm xấu về nhà, sợ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ”, bà Kollath nói.
Trẻ em trong các gia đình người Việt không có năng khiếu hơn, thông minh hơn hay thành đạt hơn các trẻ em khác, nhưng những áp lực mà chúng phải đối mặt là nặng hơn.
Bà Lương Thủy, một nhân viên công tác xã hội ở trường Barnim Gymnasium tại Berlin – Lichtenberg xác nhận điều này. Trong số 1.000 học sinh ở đây, có khoảng 170 em có bố mẹ là người Việt Nam.
Đối với nhiều phụ huynh Việt Nam, cái quan trọng nhất đối với họ là chu cấp đầy đủ cho con cái về mặt vật chất. “Chính vì thế mà họ làm việc rất nhiều. Họ muốn tạo cho con cái mọi điều kiện có thể ở nước Đức. Nhưng nhiều em lại không cần phải có nhiều tiền hơn mà chỉ muốn được bố mẹ dành nhiều thời gian quan tâm và hiểu mình nhiều hơn”, bà Thủy nói.
Cũng vì các bố mẹ làm việc cả ngày từ sáng đến tối trong cửa hàng, trong các quán xá nên các em không ít thì nhiều phải tự thân vận động.
“Đối với các bậc phụ huynh người Việt, mỗi người trong gia đình phải gánh một trách nhiệm phù hợp với vai trò của mình”, bà Thủy nói. “Họ rất hay lấy thành tích của con mình ra để so sánh với thành tích của các cháu khác trong cộng đồng người Việt”.
Sự khác biệt về những giá trị và tư tưởng giữa hai thế hệ bố mẹ Việt Nam và con cái sinh ra ở Đức cứ va chạm nhau hằng ngày. Hai thế giới quá khác biệt đến mức chúng không thể đơn giản tồn tại cạnh nhau một cách lặng lẽ và trong ôn hòa.
Sự bất đồng ngôn ngữ giữa hai thế hệ cũng không phải là chuyện hiếm. Thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai rất hay gặp khó khăn khi giao tiếp với nhau và để hiểu được nhau. Con cái nói nhiều tiếng Đức, ngôn ngữ mà chúng nắm vững một cách hoàn hảo, và nói quá ít tiếng Việt để có thể trò chuyện với bố mẹ một cách sâu sắc.
Cấu trúc tiếng Việt cũng khác hoàn toàn với tiếng Đức. Người lớn tuổi trong gia đình được gọi bằng cô (em gái của bố), bằng mợ (vợ của em trai mẹ), chú (em trai bố)… Bản thân người nói đã tự xưng mình ở ngôi thứ ba. Khue Pham, một nhà báo ở Đức, từng viết về cách xưng hô này một cách rất khéo léo: “Nếu bạn ở Việt Nam, bạn sẽ quên mất ngôi tôi”.
Những ranh giới ngôn ngữ, văn hóa và đạo đức xảy ra trong phòng khách của một gia đình là điều mà Thao Tran từng trải qua. Thao sinh năm 1992, bố mẹ cô từ Việt Nam sang Cottbus vào năm 1988.
“Ở trường, tôi luôn là một học sinh giỏi, tôi muốn trở thành bác sĩ và muốn làm tất cả để gia đình tự hào. Tôi không biết gì khác và cũng không thắc mắc tại sao lại như vậy”, Thao nói.
Năm 16 tuổi, Thao sang Mỹ theo chương trình trao đổi học sinh. “Ở đó, có một lần tôi được hỏi là tôi muốn sau này làm nghề gì, ý tưởng của tôi là gì. Hết năm học ở Mỹ, tôi quay về Đức và khi về đến nhà, tôi như gặp một cú sốc văn hóa”, Thao nói. “Luôn phải có thành tích, luôn phải thành công, luôn phải cống hiến tất cả cho gia đình. Chúng tôi đã phải trải qua một thời kỳ đau khổ, phải sống xa nhau và rồi lại được đoàn tụ cùng nhau”.
Tuy nhiên, một thời gian sau đó, bố mẹ cô chia tay nhau. Đó là một điều không thể tưởng tượng được đối với các gia đình Việt Nam.
“Chúng tôi đã giải phóng cho mình khỏi những gì mà chúng tôi luôn nghĩ đó là dĩ nhiên, những gì mà truyền thống định sẵn từ khi bố mẹ tôi lớn lên ở Việt Nam”, Thao nói.
Sau đó, cô không trở thành bác sĩ nữa, không mang trên vai danh dự của gia đình nữa. Thay vào đó, cô lên Berlin, làm việc ở nhà hát và học một ngành khoa học nhân văn.
Bố mẹ cô hiện nay là bạn bè tốt với nhau và thi thoảng, hai người cũng cùng con gái về Việt Nam thăm quê. “Đến giờ ông bà nội tôi vẫn làm như bố mẹ tôi chưa hề bỏ nhau. Bởi vì đáng ra, điều đó không thể xảy ra”, Thảo cười và nói.
Cô đã tự giải phóng mình ra khỏi những truyền thống nhưng không quên đi văn hóa gốc gác. Có lẽ chỉ khi rời xa quê hương, người ta mới thực sự hiểu bản thân mình là ai.
Theo Hoàng Minh Tuấn/ VnExpress
chôm bài ở nơi khác mà vẫn ngang nhiên đề: Thời báo Việt Đức giữ bản quyền nội dung trên website này.