TBVĐ- Theo Cơ quan Cảnh sát Liên bang, các băng đảng trộm cắp chuyên nghiệp thường nhắm đến hành khách đi tàu, lợi dụng lúc đông người chen lấn, xô đẩy hoặc đơn giản chỉ giả vờ hỏi thông tin để ra tay. Theo thống kê, năm 2015 có 44800 vụ trộm hành lý, túi xách tại nhà ga và trên tàu, tăng 25% so với năm 2014 (35763 vụ). Chỉ riêng trong một buổi tối tại Stuttgart có đến 4 điện thoại đắt tiền bị ăn cắp, trong đó 3 chiếc bị ”cuỗm” đi ngay trên tay chủ khi đang ngủ, một chiếc bị móc từ túi áo khi chen lấn. Đặc biệt trên tàu ngầm, tàu địa phương ở các thành phố lớn, nơi có nhiều hành khách chen chúc, nguy cơ bị trộm rất cao, do kẻ trộm dễ dàng ra tay mà không bị phát hiện.
Trên tàu đường dài cũng khó tránh bị trộm, đặc biệt tại Berlin và Hamburg, nơi tàu ICE dừng tại 3 bến tàu của thành phố khiến kẻ trộm dễ dàng lên tàu và thăm dò toàn bộ tàu. Mánh khóe của các tên đạo chích rất đa dạng. Đôi khi chúng tìm cớ hỏi nạn nhân thông tin, trong khi đồng bọn lén móc túi từ phía sau. Khi khác, chúng giả bộ giúp nạn nhân bê va li, còn đồng bọn ra tay. Chỉ trong tích tắc, điện thoại di động, tiền, đồ trang sức đã không cánh mà bay, ngay khi tàu vừa chuyển bánh.
Tại những đường ray đông người, tội phạm còn giăng bẫy bằng cách chạy trước nạn nhân rồi đột ngột đứng lại, sau đó gây sự vì cú va chạm. Cảnh sát liên bang lập các nhóm điều tra đặc biệt, như ”Scara Rulante” tại Berlin để truy tìm nhóm tội phạm người Rumani chuyên ấn nút dừng khẩn cấp thang cuốn và lợi dụng lúc mọi người láo nháo để ăn trộm. Tổng cộng có 79 nạn nhân của nhóm này. Tuy nhiên, rất khó để tóm gọn cả băng nhóm, do khi phát hiện bị theo dõi, chúng chuyển ngay địa bàn sang thành phố khác, thậm chí sang một nước thuộc EU khác.
Hiện nay, không chỉ cảnh sát mà cả ngành đường sắt cũng có biện pháp chống trộm bằng cách gửi nhân viên cho cảnh sát liên bang đào tạo để có thể nhận biết thành viên băng đảng. Mặc dù nhân viên nhà ga và nhân viên an ninh được đào tạo đặc biệt, nhưng không đem lại hiệu quả cao, do những tên đạo chích chỉ cần vài giây để ra tay. Do đó, chỉ hành khách mới ngăn chặn được tội phạm tốt nhất, bằng cách luôn đề cao cảnh giác.
Từ năm 2014, ngành đường sắt Deutsche Bahn và cảnh sát liên bang đã khởi động chiến dịch ”Hãy chú ý đến đồ đạc giá trị của mình”. Các tờ rơi, poster, thông báo được dán khắp nơi để gây sự chú ý của hành khách. Ngoài ra, ngành đường sắt yêu cầu mức phạt nặng hơn dành cho những tên trộm. Không thể để chúng thóat tội dễ dàng, bị bắt rồi được thả ra nhiều lần trong ngày tại một nhà ga như từng xảy ra. Đối với người Việt, cũng như dân nhập cư khác, xác suất bị trộm cướp cao hơn người bản địa, và tội phạm người nhập cư cao, đang là vấn đề thời sự đe doạ an toàn cộng đồng. Thời báo Việt Đức xin gửi tới Quý độc giả khuyến nghị phòng tránh của giới chuyên gia, tập hợp dưới đây.
Cất giữ: Luôn mang theo thẻ tín dụng và đồ có giá trị sát bên người, tốt nhất nên để ở túi trong, kéo khóa. Tuyệt đối không để những vật này ở túi ngoài hay túi quần Jeans. Nếu cất đồ có giá trị trong túi xách tay phải để phần miệng khóa sát cơ thể hay đeo trước ngực.
Cách đeo ba lô: Trong lúc chen lấn, ba lô dễ dàng bị mở mà không phát hiện được. Do đó, nên đeo trước ngực thay vì sau lưng. Khi đi tàu: Không được rời mắt khỏi hành lý. Đi tàu đêm không nên ngủ, do một số băng đảng chuyên ra tay vào lúc tối muộn, lợi dụng khi nạn nhân mệt mỏi, không có sức phản kháng.
Đồ đạc mang theo trên tàu: Không để đồ có giá trị trên ghế bên cạnh hay trong túi áo khoác treo bên trên ghế và không nên rời mắt khỏi đồ đạc ngay cả khi còn cách xa trạm dừng kế tiếp.
Khi đi nhà vệ sinh hay mua cà phê: Không nên để máy tính, điện thoại hay các đồ đạc giá trị khác trên bàn, ngay cả khi các hành khách khác nhìn đáng tin cậy.
Giao tiếp: Không có dấu hiệu cụ thể nào để nhận diện thành viên băng đảng trộm cướp. Đôi khi chúng còn mặc cả comple và ngồi ghế hạng nhất. Nhìn tướng mạo, hành xử không ít bọn như đại gia hay quan chức.
Thời báo Việt Đức