Nếu bạn đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, nhiều khả năng ai đó sẽ phải chết vì bạn.
Các nhà nghiên cứu khẳng định Trung Quốc là nơi buôn bán nội tạng bất hợp pháp tràn lan nhất thế giới và là điểm đến số 1 của hoạt động ‘du lịch ghép tạng’, theo bài viết ngày 3/6 của trang tin News.com.au (Australia).
Ở những nước có tỷ lệ hiến tạng cao, bệnh nhân phải chờ đợi trong nhiều năm mới có được nội tạng để cấy ghép.
Trong khi đó, thời gian chờ ghép tạng ở Trung Quốc chỉ mất 1-2 tuần. Điều bất thường là nước này có tỷ lệ hiến tặng nội tạng thuộc hàng thấp nhất thế giới, cứ một triệu dân thì mới có 0,6 người đăng ký hiến tạng, BBC cho biết trong một bài báo ngày 4/12/2014.
Vậy nguồn nội tạng dồi dào được sử dụng tại các trung tâm cấy ghép của Trung Quốc đến từ đâu?
Các nhà điều tra phát hiện Trung Quốc có kho nội tạng sống khổng lồ là các tù nhân lương tâm, tức những người bị bắt giữ không phải vì có hành vi bạo lực, mà vì họ có niềm tin không được chính quyền ủng hộ. Những người này bị giam giữ tại các cơ sở nhà tù trên khắp đất nước, sẵn sàng bị giết mổ để lấy nội tạng phục vụ các đơn hàng.
Nhóm nạn nhân chủ yếu của hoạt động này là những người tập Pháp Luân Công, môn khí công được ủng hộ rộng rãi ở nhiều nước nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999. Các nhóm nạn nhân khác bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo đạo Cơ Đốc.
Bình luận về hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, ông Arthur Caplan, nhà đạo đức học người Mỹ và giám đốc bộ môn Y Đức tại Đại học New York, cho biết: “Ở Mỹ hay châu Âu, trước tiên bạn phải chết thì mới thành 1 người hiến tạng. Còn ở Trung Quốc, họ làm cho bạn phải chết.”
Một người từng đi du lịch ghép tạng ở Trung Quốc mô tả: “Họ gọi những người này là những ‘người chết biết đi’. Nghĩa là bạn chưa chết, nhưng bạn đã xong đời rồi”.
Người đàn ông này đề nghị không công khai danh tính, nói với PBS News Hour rằng cách đây 11 năm ông từng là một bệnh nhân thận giai đoạn cuối. Ông ta đã đến Trung Quốc và trả 10.000 đô la Úc (khoảng 169 triệu đồng) để được ghép thận. Chỉ trong vòng một tuần, ông này đã có được một quả thận mới. Người đàn ông nói thêm rằng có lẽ ông đã chết nếu chờ được hiến thận ở Canada, nơi ông sinh sống cùng gia đình.
Thượng nghị sĩ Úc Derryn Hinch cũng từng được gợi ý đi du lịch ghép tạng ở Trung Quốc. Ông cho biết có người từng khuyên ông nên đến Thượng Hải để ghép gan sau khi bác sỹ chẩn đoán ông chỉ còn sống được 12 tháng.
“Một doanh nhân cấp cao ở Melbourne bảo tôi có thể đến Thượng Hải, bỏ ra 150.000 đô la (khoảng 2,5 tỷ đồng) là có được lá gan mới vào tuần tới”, ông Hinch nói với Quốc hội Australia vào tháng 11 năm ngoái, theo News.com.au.
“Tôi đoán rằng họ sẽ hành quyết người (để lấy nội tạng) theo yêu cầu. Tôi không thể tin được, làm sao người ta có thể kéo dài cuộc sống của mình bằng cách làm điều đó.”
Ông Hinch nói thêm: “Một số người nổi tiếng đã mua nội tạng để cấy ghép trong những năm qua. Nhưng tôi lên án hoạt động đó ở Trung Quốc.”
Nhiều học viên Pháp Luân Công thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc kể lại rằng trong thời gian bị giam giữ, họ từng trải qua các cuộc xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng một cách kỹ lưỡng, nhưng các bác sỹ không hề quan tâm đến những vết thương bên ngoài thân thể của họ do bị tra tấn. Các nhà điều tra nhận định đây là một bước thu thập thông tin về ‘kho nội tạng sống’ để sẵn sàng chọn ra nạn nhân phù hợp khi có ‘đơn hàng’ mua tạng.
Năm ngoái, trang tin News.com.au đã công bố loạt bài 3 phần cho biết một phần về thực trạng mổ cướp nội tạng thông qua lời kể của các học viên Pháp Luân Công thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc và tới sống ở Australia.
Theo Thu Phương / daikynguyen.vn