Dư luận Đức những ngày qua xôn xao trước vụ việc 5 trẻ sinh non đã bị đầu độc tại một bệnh viện ở nước này. Vụ việc càng trở nên bí ẩn hơn khi cảnh sát Đức giữa tuần qua cho biết họ đã “nhầm lẫn” khi bắt giữ một nữ y tá về cáo buộc phạm tội ngộ sát liên quan đến vụ việc.
Vụ việc gây xôn xao
Vụ đầu độc gây hoang mang nói trên diễn ra vào cuối năm 2019 ở Bệnh viện Đại học Y Dược Ulm tại thành phố Ulm, miền Nam nước Đức. Ông Bernhard Weber (Cảnh sát trưởng thành phố Ulm) tại cuộc họp báo ngày 30/1 vừa qua cho hay, ngày 20/12/2019, 5 trẻ sinh non, bao gồm từ 1 ngày tuổi đến 5 tuần tuổi, đột nhiên có triệu chứng về hô hấp “gần như cùng một lúc”.
Tất cả những em bé này đều đang được chăm sóc tại cùng một phòng bệnh. “Các nhân viên y tế nhận thấy dấu hiệu bất thường”, ông Weber cho biết. Theo cảnh sát trưởng thành phố, các nhân viên y tế ban đầu nghi ngờ những trẻ sơ sinh nói trên bị nhiễm trùng nhưng khả năng này đã được loại trừ sau khi kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy dấu vết của morphine dù các bé không được kê đơn thuốc giảm đau liều mạnh.
Cảnh sát trưởng thành phố Ulm cho hay, do vụ việc được phát hiện sớm và các y, bác sĩ tại bệnh viện đã hành động kịp thời nên tính mạng của 5 đứa bé mới được bảo toàn. Tình trạng của những em bé đã trở lại ổn định sau 48 giờ kể từ khi phát hiện vụ việc và các bé đã có thể tự thở. Bệnh viện Ulm đã lên tiếng xin lỗi cha mẹ và các bệnh nhi.
Theo kết quả thăm khám của các bác sĩ, cả 5 trẻ sơ sinh này sẽ không phải gánh chịu những tổn hại lâu dài tới sức khỏe do morphine. Phía bệnh viện đã nhanh chóng trình báo cảnh sát về vụ việc. Ngày 29/12/2019, một nữ y tá đã bị bắt giữ sau khi các điều tra viên phát hiện trong tủ đồ của người này một ống tiêm có chứa sữa mẹ và dấu vết của chất mà sau khi kiểm tra cho thấy là morphine. Dù khăng khăng không đầu độc những đứa trẻ nhưng nữ y tá trẻ tuổi vẫn đã bị tạm giam và đối mặt với 5 tội danh mưu sát.
Vụ việc một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi Công tố viên thành phố Ulm Christof Lehr đầu tuần qua công bố thông tin bất ngờ, theo đó cho biết kết quả xét nghiệm ban đầu với ống tiêm trong tủ đồ của nữ y tá đã bị sai.
Cụ thể, theo vị công tố viên, kết quả phân tích sâu hơn sau đó cho thấy trong ống tiêm không hề có morphine. Nữ y tá đã được thả ra vào hôm 4/2, sau khi kết quả xét nghiệm cũng không phát hiện dấu vết ADN của người này trên ống tiêm. Công tố viên Lehr đã gọi điện xin lỗi nữ y tá mà các nguồn tin cho hay còn khá trẻ này vì cô đã bị tạm giam trong 4 ngày.
Nhiễm độc phòng thí nghiệm
Ông Ralf Michelfelder (người đứng đầu cảnh sát bang Baden-Wuerttgl) tại một cuộc họp báo cho biết, quyết định bắt giữ nữ y tá dựa trên xét nghiệm sơ bộ về chất lỏng trong ống tiêm bị sai. Sai sót này trở nên rõ ràng sau khi người mẹ có sữa mẹ trong ống tiêm tình nguyện đưa ra một mẫu đối chứng và kết quả cũng cho thấy kiểm tra dương tính với thuốc giảm đau nặng morphine một cách không thể lý giải. Phòng thí nghiệm ở Baden-Wuerttgl đã thực hiện phân tích sau đó phát hiện ra dung môi của chính họ được sử dụng trong các thử nghiệm đã bị nhiễm một lượng nhỏ morphine. Lý do dẫn tới việc nhiễm độc phòng thí nghiệm này vẫn chưa được làm rõ.
Các xét nghiệm được thực hiện ở một phòng thí nghiệm ở bang Bavaria lân cận sau đó đã xác nhận rằng cả ống tiêm được tìm thấy trong tủ đồ của nữ y tá và mẫu mới dùng để đối chiếu do người mẹ cung cấp đều không chứa morphine.
“Tôi rất xin lỗi người phụ nữ đã bị đưa vào diện tình nghi”, ông Lehr nói. Tuy nhiên, vị công tố viên giải thích rằng, nhu cầu cấp thiết cần phải giữ an toàn cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện buộc ông phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Việc cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh quá yếu uống sữa bằng ống tiêm thay vì chai sữa là khá phổ biến. Có điều, người phát ngôn của ông Lerh cho hay, việc cho trẻ dùng sữa mẹ trong ống tiêm để trong tủ đồ là việc làm “không bình thường”.
Theo ông Lerh, nữ y tá vừa được thả ra hiện vẫn là một trong số các nghi phạm trong vụ việc. Những người bị tình nghi có liên quan còn lại bao gồm 2 bác sỹ và 3 y tá khác trực ca hôm xảy ra vụ đầu độc. “6 người này vẫn đang bị tình nghi vì họ đã tiếp xúc gần với những đứa trẻ tại thời điểm xảy ra vụ việc”, ông Michael Bischofberger – người phát ngôn văn phòng công tố viên Ulm cho hay.
Hiện, cả 6 người này đã bị đình chỉ công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Ulm. Ông Bischofberger cho biết thêm rằng cuộc điều tra hiện vẫn đang được tiến hành theo tất cả mọi hướng. Vị này cũng không loại trừ khả năng sẽ có những nghi phạm mới được khoanh vùng.
Morphine là một thuốc giảm đau gây nghiện thường được dùng để điều trị những cơn đau nghiêm trọng. Việc dùng quá liều thuốc này có thể gây suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng. Việc sử dụng morphine được quy định chặt chẽ tại các bệnh viện của Đức và việc kê đơn, sử dụng thuốc với bệnh nhân nào đều phải ghi chép cẩn thận. Song, Bệnh viện ở Ulm đã thừa nhận đã phát hiện một số điểm không nhất quán trong nhật ký sử dụng loại thuốc này.
Vụ việc nói trên khiến nhiều người nhớ lại vụ y tá người Đức Niels Hogel đã bị kết án tù chung thân vì đã sát hại 85 bệnh nhân bằng cách tiêm thuốc độc cho họ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2005. Nam y tá này thú nhận đã tiêm thuốc có thể gây đau tim, suy hô hấp cho các bệnh nhân để hắn có thể tìm cách cứu sống những người bệnh hòng gây ấn tượng với các đồng nghiệp.
Giữa năm 2018, cảnh sát tỉnh Kanagawa của Nhật Bản cũng đã bắt giữ nữ y tá Ayumi Kuboki, khi đó 31 tuổi, về cáo buộc tiêm chất khử trùng vào túi truyền dịch của khoảng 20 bệnh nhân. Tổng cộng, người này khai nhận đã sát hại 3 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Oguchi ở Yokohama. Động cơ giết người được Kuboki giải thích là do cô ta không muốn nhìn thấy bệnh nhân chết trong ca trực của mình nên đã đầu độc để có thể quyết định thời khắc tử vong của họ sao cho bệnh nhân chết ngoài ca trực của cô ta.