Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Các ngân hàng trung ương toàn cầu ra sức chống lạm phát

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu, Canada và các khu vực châu Á đang tăng lãi suất nhanh chóng trong nỗ lực kiểm soát lạm phát chóng mặt.

Theo tờ New York Times, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nâng lãi suất mạnh khi lạm phát vẫn tiếp diễn và xâm nhập vào một loạt hàng hóa, dịch vụ, khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, tín dụng đắt đỏ hơn, giá trị cổ phiếu và trái phiếu thấp hơn và có khả năng còn là một sự thụt lùi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế.

Đó là một khoảnh khắc không giống bất cứ điều gì mà cộng đồng quốc tế từng trải qua trong nhiều thập kỷ qua, khi các quốc gia khắp thế giới đang nỗ lực kiểm soát tốc độ tăng giá mạnh mẽ trước khi lạm phát trở thành một nỗi đau dai dẳng của nền kinh tế.

Lạm phát đã tăng ở khắp các nền kinh tế phát triển và đang phát triển từ đầu năm 2021 khi nhu cầu lớn về hàng hóa đi ngược với tình trạng thiếu hụt nguồn cung do đại dịch. Các ngân hàng trung ương đã đợi nhiều tháng với hy vọng khi các nền kinh tế mở cửa lại, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa được lưu thông sẽ giảm bớt áp lực cung ứng và chi tiêu cho tiêu dùng sẽ trở lại mức bình thường.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tiếp đến, cuộc xung đột ở Ukraine càng làm trầm trọng hơn tình hình khi cắt đứt các nguồn cung năng lượng và thực phẩm, đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phản ứng từ đầu năm nay, với ít nhất 75 ngân hàng trung ương nâng lãi suất cơ bản. Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất từ những mức thấp kỷ lục trong lịch sử.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách không thể làm gì nhiều để kiềm chế giá năng lượng cao, thì chi phí đi vay cao hơn (lãi suất tăng) có thể giúp làm giảm tiêu dùng và nhu cầu doanh nghiệp, nhằm trao cơ hội cho phục hồi các nguồn cung ở một loạt loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó khiến lạm phát không tăng vô thời hạn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp trong tuần này và dự kiến ​​sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011. Lần này các quan chức đã báo hiệu sẽ chỉ tăng 1/4 điểm nhưng có thể theo sau sẽ là một động thái lớn hơn vào tháng 9.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu ra tay mạnh mẽ hơn. Giới chức từ Canada đến Philippines bắt đầu tăng tốc độ tăng lãi suất trong những tuần gần đây trong bối cảnh lo ngại rằng người tiêu dùng và nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn đều đặn – một sự thay đổi có thể khiến lạm phát trở thành lâu dài hơn bất chấp bối cảnh kinh tế.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã nhanh chóng phản ứng. Họ đã tăng chi phí đi vay vào tháng 6 nhiều nhất kể từ năm 1994 và có thể có một động thái lớn hơn nữa vào cuộc họp tháng 7.

Khi lãi suất cơ bản tăng vọt trên khắp thế giới, khiến chi phí đi vay vốn thấp trong nhiều năm trở nên đắt đỏ hơn nhiều, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại và một số quốc gia có thể rơi vào cuộc suy thoái “đau đớn”. Các quan chức kinh tế quốc tế đã cảnh báo rằng con đường phía trước có thể gập ghềnh khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách và khi xung đột ở Ukraine làm gia tăng bất ổn.

“Sẽ là một năm 2022 khó khăn – và có thể là một năm 2023 khó khăn hơn, với nguy cơ suy thoái gia tăng”, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết trong một bài đăng trên blog vào tuần trước. Bà Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương cần phải phản ứng với lạm phát, “hành động ngay lúc này sẽ ít gây tổn hại hơn hành động sau”.

Bà Georgieva chỉ ra rằng khoảng 3/4 các ngân hàng mà IMF theo dõi đã tăng lãi suất kể từ tháng 7/2021. Các nền kinh tế phát triển đã tăng trung bình 1,7 điểm phần trăm, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng hơn 3 điểm phần trăm.

Lần gần đây nhất nhiều quốc gia lớn đột ngột tăng lãi suất để chống lại lạm phát nhanh như vậy là vào những năm 1980, khi khối đồng tiền chung euro gồm 19 quốc gia còn chưa tồn tại và thị trường tài chính toàn cầu kém phát triển hơn.

Việc nhiều ngân hàng trung ương hiện đang phải đối mặt với lạm phát tăng nhanh – và cố gắng kiểm soát nó bằng cách làm chậm nền kinh tế – làm tăng khả năng gây rối loạn thị trường khi kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc và khi các quốc gia và doanh nghiệp cố gắng điều chỉnh để thay đổi dòng vốn.

Ông Bruce Kasman,  chuyên gia kinh tế trưởng, phụ trách nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase, ước tính rằng Mỹ và Tây Âu đối mặt 40% nguy cơ suy thoái trong năm tới. Rủi ro đó bắt nguồn cả từ các động thái của ngân hàng trung ương và biến động từ cuộc xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc ở Ukraine.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED -Ngân hàng trung ương Mỹ) cho biết họ vẫn mong muốn thiết kế cái gọi là “hạ cánh mềm”, trong đó hạ nhiệt chi tiêu vừa đủ để cho phép tăng trưởng tiền lương và giá cả ở mức vừa phải, nhưng không đến mức khiến nền kinh tế chìm sâu và suy thoái nặng.

Nhưng lạm phát đã tỏ ra cứng đầu một cách khó chịu. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất ở Mỹ đã vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích ở mức 9,1%. Ở Canada, lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1983. Ở Anh, lạm phát cũng ở mức cao nhất trong 40 năm.

Điều đó nhấn mạnh rằng các yếu tố toàn cầu, bao gồm nguồn cung hạn chế đối với các mặt hàng tiêu dùng như ô tô và quần áo cũng như giá dầu và thực phẩm tăng đột biến, đang khiến giá cả tăng vọt. Nó cũng giải thích tại sao rất nhiều ngân hàng trung ương đang thực hiện một phản ứng tương tự – thậm chí nhanh hơn – ngay cả khi làm như vậy sẽ tăng nguy cơ suy thoái.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Nguồn:baotintuc.vn