Lưu truyền ở nước Đức xa xôi nhưng câu chuyện dưới đây có thể sẽ thay đổi phương thức dạy con của nhiều bậc cha mẹ Việt. Hãy đừng bỏ qua vì nó tốt cho tất cả chúng ta.
Ở nước Đức, từng lưu truyền một câu chuyện như thế này:
Trong một nhà ga xe lửa nọ, có một nhân viên đảm nhiệm vị trí điều chỉnh công tắc chuyển hướng đường ray của các đoàn tàu đi đúng lộ trình và không xảy ra va chạm.
Đây là công việc đòi hỏi trách nhiệm và sự tập trung cao độ, bởi chỉ cần chuyển công tắc chậm một giây, xe lửa có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Ngày hôm đó, người nhân viên này làm việc ở khu vực điều chỉnh công tắc như thường lệ.
Lúc ấy, hai đoàn tàu từ hai hướng ngược hướng nhau đang tiến vào ngã ba và chuẩn bị chuyển đường ray. Nhưng đúng lúc ấy, con trai của ông lại đang chơi đùa ở khu vực ngã ba đường tàu, mà xe lửa đang tiến lại với tốc độ ngày một nhanh.
Trong tình thế nguy cấp, người nhân viên ấy thậm chí còn không có thời gian phân vân giữa việc chạy ra cứu con trai hay ở lại nhấn công tắc chuyển đường ray để không gây tai nạn?
Trong khoảnh khắc đó, ông chỉ kịp hét con trai “nằm xuống!” và ấn vào công tắc chuyển đường ray ở ngã ba. Chỉ trong một giây, hai đoàn xe lửa đã đi vào quỹ đạo an toàn, còn con trai ông không hề bị xây xước.
Những người đi trên hai chuyến tàu ấy không hề biết rằng, chỉ trước đó vài giây, tính mệnh của họ còn như chỉ mành treo chuông, càng không hay biết rằng đứa trẻ vừa ngã xuống đường ray bên cạnh vừa may mắn thoát chết trong gang tấc.
Những hình ảnh ấy đã may mắn lọt vào ống kính phóng viên. Sự việc xảy ra tại nhà ga cũng trở thành tiêu điểm của dư luận nước Đức.
Không ít người cho rằng, người cha trong câu chuyện nhất định phải là một nhân vật phi thường. Nhưng họ không hay biết rằng, người cha ấy thực tế chỉ là một nhân viên nhà ga bình thường, ngày ngày kiên trì làm đúng phận sự của mình, nhấn công tắc không bao giờ chậm dù chỉ một giây.
Một chi tiết khác khiến nhiều người càng kinh ngạc hơn chính là đứa bé trong câu chuyện từ khi sinh ra đã bị thiểu năng về trí tuệ. Khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước này, người cha ấy từng nghẹn ngào tâm sự:
Ông từng nhiều lần nói với con rằng “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít. Vì thế, con nhất định phải nỗ lực để trở nên xuất sắc”. Nhưng con trai của ông chưa bao giờ hiểu được nhưng lời này, chỉ ngơ ngác nhìn cha.
Vậy mà, trong một giây đồng hồ định mệnh kia, đứa trẻ bị nhược trí ấy lại có thể nghe lời cha, kịp nằm xuống và thoát nạn trong gang tấc. Hóa ra, hai chữ “nằm xuống” là hiệu lệnh mà người cha thường dạy con mình trong những lúc chơi trò chơi.
Và bài học sâu sắc về phương thức giáo dục con trẻ
Kỳ thực, phía sau câu nói “nằm xuống” ấy là cả một bài học về cách dạy con trẻ.
Dạy con “nghe lời cha mẹ, nhớ kỹ trong lòng, sau đó thực hiện một cách xuất sắc” là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh, nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều này.
Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, những người làm cha làm mẹ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi: Liệu những lời dạy hằng ngày của mình có thực sự hữu dụng đối với con cái? Bản thân mình đã thực hiện được điều đó trước khi dạy con hay chưa?
Trên thực tế, có không ít bậc cha mẹ thường tự làm trái lại với những điều mình dạy con trẻ.
Người cha trong câu chuyện trên tuy chỉ là một nhân viên nhà ga bình thường, nhưng ông lại có ưu điểm là luôn làm tròn bổn phận của mình, không bao giờ chậm trễ dù chỉ một giây đồng hồ.
Những đức tính ấy đã ảnh hưởng nhiều tới người con của ông, ngay cả khi đứa bé sinh ra không may bị thiểu năng. Chính vì vậy, con trai ông không những kịp thời nghe hiệu lệnh “nằm xuống” của cha mà còn thực hiện nó một cách xuất sắc.
Đó không chỉ là kỳ tích đối với một đứa trẻ bị nhược trí, mà còn là sự thành công trong phương pháp giáo dục con cái của người cha trong câu chuyện.
Chúng ta thường nói, phía sau một đứa trẻ chính là gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc chỗ dựa phía sau của con cái chính là cha mẹ. Vậy mới nói, muốn dạy con cái điều hay lẽ phải, cha mẹ trước hết phải là những người thực hiện tốt những điều ấy.
Theo Trần Quỳnh / Báo Điện tử Trí Thức Trẻ