Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu đi đầu trong chuyển đổi năng lượng

Ảnh: pixabay.com
Báo cáo mới nhất về chuyển đổi năng lượng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho thấy, châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Đây là một phần trong nỗ lực của châu Âu đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng cam go.

Không có nhiều bước tiến

Theo báo cáo Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) của WEF, Thụy Điển và Thụy Sĩ là 2 quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Thụy Điển đứng đầu bảng xếp hạng về chuyển đổi năng lượng của WEF từ năm 2018. Tiếp sau là Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch. Báo cáo ETI đánh giá các nền kinh tế dựa trên các tiêu chí liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng như an ninh và tiếp cận năng lượng, môi trường bền vững, tăng trưởng và phát triển kinh tế. 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng đều là các nước châu Âu.

Thụy Sĩ đặc biệt nổi bật với các khoản đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả năng lượng và cũng đứng đầu về tỷ lệ điện khí hóa trong nước, tỷ lệ trợ cấp năng lượng. Quốc gia Trung Âu này cũng ghi nhận tỷ lệ điện từ than đá thấp nhất.

Thụy Sĩ cũng được đánh giá rất cao về việc chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều điều Thụy Sĩ cần cải thiện trong lĩnh vực năng lượng. Chẳng hạn, nước này đứng thứ 25 về an ninh và tiếp cận năng lượng, trong khi đứng đầu về điện khí hóa. Lý do là Thụy Sĩ phụ thuộc nhiều vào năng lượng bên ngoài khi có đến 75% năng lượng tiêu thụ trong nước là nhập khẩu. Thụy Sĩ cũng không được đánh giá cao về mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người, cũng như về phát thải khí CO­2.

Cũng theo WEF, trong 5 năm qua, thế giới ít, thậm chí không, ghi nhận tiến bộ nào về việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững, an toàn và mang tính khả thi về tài chính. Báo cáo của WEF cũng nhấn mạnh, các nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là thực hiện các biện pháp khả thi cũng như cần có sự chung tay giữa các nền kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và thiết chế chính trị để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng được thực hiện với những phương thức đúng đắn, hợp lý.

Hội nghị tiếp sức

Với hy vọng thúc đẩy một hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó nói rõ rằng chỉ có những nước đặt mục tiêu cắt giảm khí thải tham vọng nhất mới được mời tham dự hội nghị khí hậu quan trọng diễn ra vào tháng 9 tới. Năm ngoái, TTK LHQ Antonio Guterres cảnh báo, biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.

Trong thư gửi các nước thành viên hồi tuần trước, ông Guterres đã vạch ra kế hoạch cho một hội nghị “định hướng hành động” nhằm tiếp sức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Guterres kêu gọi các nước đưa ra các kế hoạch thực tế và cụ thể nhằm cắt giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong một thập niên tới và cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải vào năm 2050. Những đề xuất này sẽ được xem xét tại một cuộc họp dự kiến diễn ra ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất trong 2 ngày (30-6 và 1-7) để chọn ra những sáng kiến mang tính đổi mới và toàn diện nhằm giới thiệu tại hội nghị khí hậu diễn ra ngày 23-9-2019.

Các nước được lựa chọn tham gia hội nghị khí hậu sắp tới sẽ được nhìn nhận là những nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và có thể có tiếng nói lớn hơn trong việc đưa ra phản ứng của thế giới đối với tình trạng biến đổi khí hậu mà LHQ gọi là vấn đề của thời đại.

Hội nghị sắp tới tại LHQ, diễn ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, được coi là diễn đàn lớn về biến đổi khí hậu đầu tiên quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.

Theo Minh Châu (tổng hợp) / sggp.org.vn