Gói trừng phạt thứ 11 của châu Âu muốn ngăn Nga thông qua nước thứ ba mua sản phẩm EU để tận dụng cho quân sự.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt Nga thứ 11 kể từ xung đột Ukraine vừa được đệ trình lên các quốc gia thành viên và các đại sứ EU với trọng tâm là “trấn áp hành vi gian lận, cùng với đối tác quốc tế”.
Trong gói này, phần đầu tiên là mở rộng danh sách hàng hóa châu Âu bị cấm quá cảnh qua Nga. Chúng bao gồm các công nghệ tiên tiến mới, chẳng hạn linh kiện hàng không, nhằm ngăn Điện Kremlin có cơ hội tiếp cận.
Phần thứ hai là tìm ra một công cụ cho phép khối này ngăn chặn việc xuất khẩu một số hàng hóa nhất định sang một số nước thứ ba, nếu chúng sẽ được đưa đến Nga. “Mục đích là để ngăn chặn hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga tìm đường vào tổ hợp quân sự của họ”, Eric Mamer, Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu cho biết.
Châu Âu cho rằng các quốc gia ở Trung Á và Kavkaz (khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Á và châu Âu) đã tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa châu Âu, bao gồm các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt, máy tính và máy in.
Chúng được xem là sản phẩm lưỡng dụng vì có thể bị tách lấy linh kiện điện tử để dùng trong radar hoặc máy bay không người lái. “Những hàng hóa này sẽ đến Nga”, Ursula von der Leyen nói. Theo bà, những quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và UAE cũng có thể đã tham gia.
“Nó sẽ là công cụ cuối cùng và sẽ được sử dụng thận trọng, sau khi được các quốc gia thành viên phân tích kỹ lưỡng và chấp thuận”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói. Bà thừa nhận gói này rất nhạy cảm và nhiều trong số 27 quốc gia thành viên sẽ nêu ra những rủi ro chính trị và kinh tế mà nó gây ra.
Berlin cho rằng phải cẩn thận với phản ứng của Bắc Kinh với bất kỳ biện pháp nào như vậy. Những nước khác cho rằng Ankara cũng có khả năng trả đũa bằng “vũ khí” di cư hoặc lá phiếu của họ trong NATO.
Để đề phòng gói trừng phạt mới bị đổ bể, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất trừng phạt các công ty nước ngoài “cố ý” tiếp tay Nga nhập hàng hóa lưỡng dụng. Hiện họ đã xác định được 3 đơn vị đến từ Armenia, Iran, Syria; hai thực thể có trụ sở tại UAE và ít nhất 7 công ty Trung Quốc.
Theo Financial Times, 7 công ty này gồm: 3HC Semiconductors và King-Pai Technology, cùng trụ sở tại Trung Quốc đại lục; Sinno Electronics, Sigma Technology, Asia Pacific Links, Tordan Industry và Alpha Trading Investments, cùng có trụ sở tại Hong Kong. Một số công ty đã bị Mỹ trừng phạt.
“Việc trao đổi và hợp tác bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga không được làm gián đoạn” bởi các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của châu Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương phản ứng tại Berlin hôm 9/5.
Ông cho biết Bắc Kinh “kiên quyết phản đối một số quốc gia sử dụng cái gọi là luật pháp của họ để áp đặt quyền tài phán dài hạn và các biện pháp trừng phạt đơn phương với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc”. Ông Tần Cương nói thêm Trung Quốc sẽ đưa ra những phản ứng cần thiết và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.
Trong bối cảnh đó, khó có khả năng 27 thành viên EU nhanh chóng đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 11. Do đó, chủ đề này có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, dự kiến vào cuối tháng 6 tại Brussels.
Đến nay, Ủy ban châu Âu đánh giá 10 gói trừng phạt thời gian qua “đang phát huy tác dụng”. Khối này cũng đã giảm được hai phần ba lượng hàng nhập khẩu từ Nga.
Phiên An (theo Le Monde)
Nguồn: vnexpress.net