Không phải đến bây giờ các nước Liên Hiệp Châu Âu mới ý thức được nguy cơ bành trướng kinh tế của Bắc Kinh. Nhưng bây giờ là lúc EU có hành động cụ thể để tự bảo vệ mình trước các vụ thôn tính tràn lan của các nhà đầu tư Trung Quốc trong đủ mọi lĩnh vực kinh tế.
Đó là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm 22/8, với bài xã luận khẳng định: “Đối mặt với Bắc Kinh, Châu Âu tự vệ là đúng”.
Les Echos nhận thấy việc Bắc Kinh bành trướng kinh tế sang sân châu Âu không phải là mới.
Người ta vẫn “luôn nghĩ tới nhưng chưa bao giờ nói đến. Chưa một lần nào Trung Quốc được nêu tên trong các công việc của các nước châu Âu liên quan đến vấn đề tự bảo vệ chống lại các đầu tư nước ngoài bị coi là không được mong đợi”.
Giờ đây, các nước châu Âu mới bắt đầu thực sự để mắt đến chuyện đầu tư của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Tờ báo kinh tế cho biết, từ tháng 02/2017, Pháp, Đức và Ý đã lên tiếng kêu gọi Ủy Ban Châu Âu bàn thảo về hồ sơ này.
Tháng 06 vừa qua, ba nước đã gửi một văn kiện cụ thể đề nghị Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp với chiến dịch thâu tóm dữ dội của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tài liệu trên đề cập đến việc châu Âu phải đặt ra các lằn ranh đỏ để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, không chỉ đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia.
Đó có thể là các thương vụ mà bên mua được hỗ trợ của Nhà nước hay các vụ thâu tóm nằm trong chỉ thị của chính phủ.
Les Echos nhận thấy, rõ ràng nội dung văn kiện trên nhằm vào Trung Quốc là chính.
Bởi vì chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh đang được cụ thể hóa bằng làn sóng các tập đoàn lớn Trung Quốc thâu tóm đầu tư vào các ngành công nghệ cao cấp của châu Âu.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tạo ra vô số các trở ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như bắt buộc họ phải thành lập công ty liên doanh, phải chuyển giao công nghệ, cấm đầu tư vào một số lĩnh vực …
Đó rõ ràng là không có đi có lại một cách công bằng.
Vì thế trong tài liệu gửi lên Ủy Ban Châu Âu, Đức, Pháp, Ý cũng đề nghị biện pháp ngăn chặn các vụ mua bán đối với các nhà đầu tư ở những nước không mở cửa tương xứng cho châu Âu.
Les Echos bình luận, ba nước chủ chốt của châu Âu đã rất đúng khi có ý định dập tắt cơn thèm khát công nghệ châu Âu của Trung Quốc.
Cho dù các văn kiện kiến nghị của họ không nhắc đến Trung Quốc, nhưng ngôn từ rất kiên quyết đủ để hiểu việc gia tăng kiểm soát bảo hộ nhằm vào quốc gia nào.
Hai góc độ tấn công trong tài liệu đều rất đúng, không ảnh hưởng đến các quy định kinh tế thị trường, mà chỉ để bảo đảm các vụ mua bán không phải do chủ trương chỉ đạo của chính phủ và được hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Les Echos nhận thấy là sự chồng chéo quyền lực chính trị trên các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc rất lớn. Sự nghi ngại của các nước là hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, châu Âu có quyền trông đợi nhiều hơn vào quan hệ làm ăn “có đi, có lại”.
Bài báo dẫn lại một sự kiện liên quan đến nước Đức. Năm 2016, vụ tập đoàn về thiết bị điện gia dụng Trung Quốc Midea mua lại Kuka, hãng chế tạo robot công nghiệp của Đức đã gây rúng động trong giới công nghiệp Đức. Thủ tướng Angela Merkel đã phải sử dụng những quyết định pháp lý thích hợp để ngăn chặn thương vụ thâu tóm này.
Theo Les Echos, năm ngoái các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 35 tỷ euro vào châu Âu, tăng 76% trong một năm.
Vẫn còn một số nước châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Phần Lan có nhu cầu và họ vô tư đón nhận đầu tư của Trung Quốc.
Nhưng nhiều nước thành viên khác đều thấy EU cần trang bị các phương tiện để không còn là con cừu giữa đàn sói trong quá trình toàn cầu hóa.
Theo Lê Hằng / bizlive.vn