Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Chơi bài ngửa

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến công du nước ngoài rất đặc biệt, vừa chính thức vừa không chính thức, vừa làm việc công vừa chuyện riêng tư, nhưng đều có tác động như nhau và phản ánh thực trạng đặc biệt trong mối quan hệ giữa Nga và EU thời điểm hiện tại.

Ông Putin trước tiên ghé qua Áo tham dự lễ kết hôn của nữ Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl – người trên danh nghĩa chính thức không thuộc đảng phái chính trị nào ở Áo, nhưng được Đảng Tự do Áo đề cử làm Ngoại trưởng, mà đảng này là một đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và dân tuý ở Áo. Sau đó, ông Putin từ Áo đi thẳng sang Đức gặp Thủ tướng Angela Merkel. Một việc riêng và một việc công. Chỉ có điều là giữa Chính phủ Đức của bà Merkel và Chính phủ Áo mà bà Kneissl là thành viên không chỉ bất đồng quan điểm sâu sắc trên nhiều phương diện chính sách chung của EU mà còn có cả cuộc ganh đua giành vai trò nổi bật trong EU. Hay nói theo cách khác, Chính phủ Áo hiện tham gia tập hợp lực lượng gần như đối lập với Chính phủ Đức trong EU.

Có thể thấy được ngay từ đó hai điều là trong nội bộ EU hiện tồn tại tình trạng phân bè chia phái và bất đồng quan điểm rất rõ về Nga. Đồng thời cũng có thể thấy được từ đó chủ ý của ông Putin là vừa duy trì tiếp xúc và đối thoại với EU nói chung và với các thành viên EU nói riêng, bất chấp EU vẫn tiếp tục trừng phạt Nga, và vừa tận dụng mọi cơ hội có thể có được để phân hoá nội bộ EU cũng như phân hoá EU với Mỹ.

Nội bộ EU càng không thống nhất thì EU càng dễ trở nên yếu thế và thất thế hơn trong quan hệ với Nga. Đối với Nga, phân hoá nội bộ và làm suy yếu EU còn là cách giúp Nga phân hoá nội bộ và làm suy yếu NATO. EU không phải không nhận thấy ý đồ chiến lược và biện pháp sách lược của Nga, bởi ông Putin đâu có giấu mà chơi bài ngửa với EU.

Ông Putin chơi bài ngửa với EU như thế nào thì phía EU cũng chơi bài ngửa với Nga như vậy, khi vừa bám giữ vào chính sách làm găng với Nga vừa giữ cầu quan hệ với Nga. Những thành viên EU xưa nay vẫn luôn thiện chí với Nga như Italia hay Áo đã đành, ngay đến cả những thành viên thuộc diện “ông to bà lớn” trong EU như Đức và Pháp cũng đâu có chỉ đối đầu mà không hợp tác gì với Nga. Cả hai bên hiện tại đều có lý do để không hài lòng với nhau và đều có nhu cầu đối nội cũng như lợi ích chiến lược cơ bản để làm găng với nhau, nhưng đều ý thức được rằng sớm muộn thì rồi cũng sẽ lại phải chung sống hoà bình với nhau và vẫn phải cần nhau.

Ở Áo, ông Putin biến việc riêng nhưng độc đáo và hiếm thấy trong quan hệ quốc tế làm sự biểu hiện chủ ý tranh thủ và coi trọng Chính phủ Áo. Ở Đức, ông Putin trao đổi thẳng thắn và cởi mở với bà Merkel về mọi chuyện mà Đức và EU quan tâm nhưng không nhượng bộ gì, đơn giản vì Đức hiện không phải là đối tác để Nga nhượng bộ và thời điểm hiện tại chưa thích hợp, điều kiện hiện tại đâu đã chín muồi đối với Nga để nhượng bộ EU.

Đây là lần thứ 2 trong thời gian không đầy 3 tháng qua ông Putin và bà Merkel gặp nhau. Lần trước, bà Merkel sang Sochi (Nga), Đức nói riêng và EU nói chung dẫu không thích thú gì nhưng vẫn phải duy trì tiếp xúc với ông Putin vì có nhiều vấn đề cấp thiết không thể giải quyết được ổn thoả nếu không có được sự tham gia của Nga như Ukraina, Syria hay vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Họ muốn phân hoá Nga với Mỹ vì lo ngại hai nước này hình thành cơ chế G2 để xử lý những vấn đề chính trị và chính trị an ninh thế giới. Họ phải giữ dư địa cho thời kỳ lại hợp tác với Nga, bởi những biện pháp chính sách của họ nhằm cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính cho đến nay đã gây khó khăn phức tạp nhất định cho Nga, nhưng rõ ràng là không khuất phục được Nga.

Theo Ngạc Ngư / laodong.vn