Tiếng Việt, nhất là tiếng của người miền Nam, thường dùng chữ “Dạ” thay vì chữ “Vâng”.
Trong tiếng Việt, người nghe trả lời “Dạ” khi muốn tỏ ra lịch sự, muốn cho người nói biết là đã nghe lời đó, xác nhận đã nghe, đã hiểu người nói muốn nói gì, nhưng chữ “Dạ” không có nghĩa là người nghe đồng ý với người nói.
Trái lại, cách dùng chữ “Ja” tiếng Đức khác hẳn cách dùng chữ “Dạ” trong tiếng Việt như đã nói ở phần trên. Chữ “Ja” dùng để trả lời câu hỏi mà người hỏi chỉ muốn nghe người kia trả lời hoặc xác định (ja), hoặc phủ định (nein). Thí dụ: Hast du Hunger? (anh/chị/em) đói không? Trả lời: Ja. Nghĩa là tôi đói. Nein, tức là tôi không đói.
Nghĩa của chữ jaja (lặp lại chữ ja): Khi người ta kể chuyện gì, mình không trả lời ja, mà chỉ hoặc gật đầu, hoặc điểm vào câu vô thưởng, vô phạt: ich verstehe (tôi hiểu), nhưng không được nói jaja, tức là lặp lại chữ ja hai lần. Nguyên nhân: Khác với nghĩa của chữ ja là dạ, vâng, chữ jaja có nhiều nghĩa, tùy theo ngữ cảnh và giọng nói mà hiểu theo nghĩa khác, nghĩa tiêu cực (negativ). Thí dụ: Trong Clip này, một người nói là bữa nay phải làm cho xong việc này, người kia trả lời jaja. Người nói hỏi lại: Jaja nghĩa là gì? và chửi bậy kiểu Đức.
Clip: https://www.youtube.com/watch?v=PHFBGO7s5Sk
Cách dùng khác của chữ ja kiểu Đức:
Dùng tiếng Việt: Thí dụ: Tôi đến nhà người quen, muốn gặp chị A, bạn tôi. Thấy nhà cửa vắng teo, chỉ có đứa con chị A ra mở cửa, tôi ngạc nhiên, hỏi nó: Má con không có nhà hả con? Nó trả lời: Dạ bác, má con vừa mới đi chợ. Dịch ra tiếng Đức cho rõ nghĩa: Ist deine Mutter nicht zuhause? Ja, meine Mutter ist gerade zum Einkaufen gegangen. (Khi thấy nhà cửa vắng, chị A không ra mở cửa, mà chỉ có con chị ra cửa, tui nghĩ là chị A không có nhà nên mới dùng câu hỏi phủ định như câu trên). Đứa trẻ đồng ý với tui là má nó không có nhà nên nó nói: dạ, má con không có nhà.
Dùng tiếng Đức: Tôi đến nhà bạn tôi. Tôi nhấn chuông, con của bạn ra mở cửa, tôi hỏi nó: Ist deine Mutter nicht zuhause? (Mẹ con không có nhà sao con?). Tôi hỏi bằng tiếng Đức nên đứa trẻ trả lời bằng tiếng Đức: Nein, meine Mutter ist nicht zuhause. Sie ist gerade zum Einkaufen gegangen (Không, mẹ con không có nhà, mẹ con vừa mới đi chợ).
Trong cuộc đàm thoại này, ta nhận thấy có vài cách trả lời câu hỏi theo kiểu Đức:
1) Mẹ có nhà thì trả lời: Doch, meine Mutter ist zuhause (oder hier). Dịch ra tếng Việt: Có, mẹ con có nhà.
2) Mẹ vắng nhà: Nein, sie ist nicht zuhause. Sie ist zum Einkaufen gegangen. Dịch nguyên văn từ tiếng Đức sang tiếng Việt: Không, mẹ con không có nhà, mẹ con vừa mới đi chợ. Người Việt không nói tiếng Việt theo kiểu tây như thế này.
Dùng tiếng Đức, không thể trả lời ja khi mẹ không có nhà. Mẹ có nhà: ja. Mẹ không có nhà: nein.
Không thể trả lời theo kiểu tiếng Việt : Ja, meine Mutter ist nicht zuhause. Hai mệnh đề này trái ngược nhau. Tức là chữ đầu (mệnh đề đầu) là mẹ con có nhà, mệnh đề sau là mẹ con không có nhà. Thí dụ này cho thấy là tiếng Đức rất logic.
Vì vậy khi học và dùng tiếng Đức, bắt buộc người dùng tiếng Đức phải suy nghĩ theo logic Đức. Nếu không thì trộn lẫn ngô và khoai với nhau. Tức là cách suy luận kiểu Việt và kiểu Đức vào thành một món, nhưng món đó không ra cơm, ra cháo gì hết.
Theo Karin Puttfarken, M.A., Universität Hamburg, Deutschland
*Bài viết được đăng lại dưới sự đồng ý của tác giả.