Đan Mạch dự định tấn công vào thị trường năng lượng Đức bằng cách trung chuyển khí hóa lỏng.
Truyền thông Đức thông tin, Đức đang ngày càng có khả năng nhập khẩu nguồn khí hóa lỏng từ Mỹ trong một nỗ lực làm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Đầu tuần trước, Thứ trưởng năng lượng Đan Mạch Dan Brouillette đã công bố kế hoạch đầy tham vọng tấn công vào thị trường năng lượng của Đức trong tương lai gần.
“Khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đang trên đường tới Đức” – ông Dan Brouillette nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cũng cam kết sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay để xác định vị trí nhà ga đầu tiên của nước này nhận khí thiên nhiên hóa lỏng. Bộ trưởng Altmaier gọi đây là “một cử chỉ dành cho người bạn Mỹ của chúng ta”.
Để khí hóa lỏng của Mỹ sẵn sàng vào Đức thì Berlin phải xây dựng các thiết bị tiếp nhận đầu cuối vốn sẽ làm tăng giá trị của nguồn năng lượng này lên rất cao. Cách khác là Đức có thể nhập khẩu LNG thông qua các nước đã xây dựng các thiết bị đầu cuối này rồi như Đan Mạch. Việc vận chuyển LNG từ Đan Mạch tới Đức theo đó sẽ phải thông qua một đường ống khác.
Việc Berlin mua khí hóa lỏng Mỹ dường như là điều khó tránh bởi mối quan hệ ngoại giao lâu năm với Washington nhưng họ sẽ chọn theo cách nào để thực hiện mà không phải trả một cái giá quá đắt?
Theo các chuyên gia năng lượng, bất kể mối quan hệ ngoại giao thế nào, thị trường nước Đức hiện tại không thuận lợi cho nguồn khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và quốc gia quá cảnh hay các đường ống khác.
Giáo sư Gerhard Mangott thuộc Đại học Innsbruck (Áo) cho rằng, từ quan điểm kinh tế, Đức khó lòng sẽ bỏ việc hợp tác với Nga về năng lượng để mua khí hóa lỏng từ Mỹ.
Trước hết bởi giá khí đốt từ Nga là rẻ hơn. Sau đó, đây là nguồn năng lượng được dẫn trực tiếp đến Đức mà không cần phải thông qua bất cứ quốc gia quá cảnh nào. Việc này sẽ tiết kiệm trước mắt là tiền. Thứ hai là ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra từ quốc gia quá cảnh.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 cũng là nhằm giải quyết việc quốc gia quá cảnh sử dụng quyền lực của mình để làm gián đoạn nguồn cung.
“Rất khó có khả năng Đức sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, vốn rẻ hơn so với khí đốt của Mỹ. Nguồn LNG từ Mỹ sẽ phải xây dựng cơ sở hạ tầng LNG mới với chi phí rất cao hoặc sử dụng các thiết bị đầu cuối LNG khác ở châu Âu rồi lại sử dụng các đường ống dẫn về Đức” – GS. Mangott cho hay.
Bên cạnh đó, việc cung cấp LNG sẽ bị phụ thuộc vào thời gian vận chuyển. Một khi nguồn cung năng lượng chỉ vì một vấn đề rắc rối ở khâu vận chuyển, nó có thể gây ra thiệt hại kinh tế.
“Khí hóa lỏng trong lịch sử được sử dụng như một phương pháp bù đắp nhu cầu năng lượng bị gián đoạn. Trong khi khí đốt của Nga là thích hợp hơn trong quá trình sử dụng thường xuyên.
Khí đốt của Nga cũng có lợi thế hơn nhiều so với khí hóa lỏng của Mỹ vì hệ thống đường ông dẫn của nó rất lớn và đã được chứng minh thông qua Nord Stream đang hoạt động rất thành công” – GS. Mangott cho biết.
Cùng quan điểm này, Giáo sư Sergey Eremin thuộc Đại học Dầu khí Quốc gia Nga mang tên I.M. Gubkin cho rằng, sẽ là hoàn toàn không phù hợp để Đức mua khí hóa lỏng Mỹ mà ngừng mua khí từ đường ống dẫn của Nga.
Ở thị trường Đức, LNG của Mỹ chắc chắn sẽ bị so sánh với nguồn khí tự nhiên rẻ hơn của Nga được cung cấp thông qua đường ống dẫn dầu.
Do đó, khả năng Berlin từ chối dự án Nord Stream-2 của Nga là điều không tưởng.
Không chỉ các chuyên gia nước ngoài nhận thấy điều này. Truyền thông Đức cho rằng, Berlin sẽ không mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vì nó không có lợi cho đất nước xét trên khí cạnh kinh tế và sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng cho nước Đức.
Tờ Handelsblatt của Đức dẫn một số lý do:
Thứ nhất, Đức không có cơ sở hạ tầng cần thiết để tiếp nhận nhiên liệu của Mỹ, và việc xây dựng các thiết bị đầu cuối, theo tác giả bài báo, không có hiệu quả và chi phí tốn kém.
Thứ hai, vào năm 2050, Đức có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng cacbon. Vì vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng mới cho việc tiếp nhận khí đốt, trong khi có giá rẻ hơn từ Nord Stream-2, theo tác giả bài báo, có vẻ mơ hồ và không thể xảy ra.
Tờ báo Đức nhắc lại rằng, Nga chỉ cung cấp 6% nhu cầu năng lượng của Đức, cho thấy nước này không có sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, như Washington thường nói.
Tác giả bài viết cho rằng Berlin dường như không có nguy cơ mất an ninh năng lượng, và khi thay đổi khí Nga bằng khí Mỹ, nước Đức sợ rằng Mỹ theo đuổi một chính sách “nước Mỹ trước tiên” và nước này tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại.
Đông Phong