Tình hình căng thẳng tại Syria có tác động tới thị trường các mặt hàng chiến lược thế giới như dầu mỏ và kim loại quý như vàng, bạch kim…
Phải thấy rằng quyết định không kích Syria của liên quân Mỹ – Anh – Pháp đã được thực hiện lúc rạng sáng 14-4, vào ngày cuối tuần khi các thị trường đều đóng cửa.
Điều đó đã giúp không phải chứng kiến những giao dịch ồn ĩ, những mã chứng khoán xanh đỏ…
Thực ra thị trường đã râm ran đồn đoán từ mấy ngày trước, sau những dòng tweet của Tổng thống Donald Trump liên quan chuyện sử dụng tên lửa tấn công Syria.
Vàng đã rục rịch tăng chút ít với những giao dịch lớn trong khi dầu cũng có tăng vì Syria cũng là một quốc gia có trữ dầu lớn.
Cuộc tấn công tên lửa vào Syria đã diễn ra một chiều và chớp nhoáng, kèm theo đó là hướng giải pháp chính trị nên có cảm giác “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ” cho thị trường khi mở cửa lại ngày mai (16-4).
Tuần qua, dầu Brent tăng 5,48 USD tính chung cả tuần, trong đó tăng 56 cent, lên mức 72,58 USD/thùng trong ngày 13-4, trong khi dầu thô ngọt nhẹ tăng 32 cent lên 67,39 USD/thùng. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2014, theo hãng tin Reuters.
Chuyên gia John Kilduff (Mỹ) nhận định trên Reuters rằng những căng thẳng xung quanh Syria có thể tiếp tục đẩy giá dầu lên cao bởi mối quan hệ gần gũi giữa nước này và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) giải thích rằng những lo ngại liên quan đến tình hình Syria và việc Nga cùng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác cắt giảm sản lượng khai thác dầu đã làm giá dầu tăng.
Tuy nhiên, giá dầu có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các quyết định áp thuế lẫn nhau của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo hằng tháng của IEA, sự bất ổn tại Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu thô Brent vượt qua mức 70 USD/thùng. Bên cạnh đó, việc một số quốc gia tham gia thỏa thuận giảm sản lượng dầu hạ sản lượng nhiều hơn mức quy định đã làm giá dầu tăng lên mức 72,60 USD/thùng đối với dầu thô Brent và 67,65 USD/thùng đối với giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI).
Thống kê tháng 3 của OPEC cho thấy sản lượng dầu mỏ của khối đã giảm 201.000 thùng/ngày so với tháng 2, xuống 31,96 triệu thùng/ngày, do sản lượng của Angola, Algeria, Venezuela, Saudi Arabia và Libya sụt giảm.
OPEC, Nga và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã bắt đầu cắt giảm sản lượng từ tháng 1-2017. Thỏa thuận này dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm nay và OPEC sẽ nhóm họp vào tháng 6 tới tại Vienna (Áo) để quyết định các bước đi tiếp theo.
Vàng sẽ có tăng
Về thị trường vàng, chốt phiên giao dịch ngày 13-4 theo giờ Mỹ, giá vàng tăng 0,7%, lên mức 1.344,40 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng gần 1%. Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do bất ổn gia tăng ở Syria.
Tuần này giá vàng có lúc lên mức cao nhất kể từ ngày 25-1 khi căng thẳng leo thang ở Syria, Mỹ trừng phạt Nga và lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như chỉ số đồng USD.
Chuyên gia Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu của Công ty BullionVault, dự kiến giá vàng vào tuần tới sẽ tăng vì tình hình hiện nay giống như lúc ông Trump viết dòng tweet nói lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “Gã tên lửa nhóc con”.
Còn theo khảo sát của Kitco News, dự báo giá vàng tuần tới (từ ngày 16 đến 21-4), đa số ý kiến chuyên gia và nhà đầu tư đều kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục leo thang.
Nhưng tất cả vẫn là dự báo. Có một điều có thể cảm thấy chắc chắn là trị giá cổ phiếu các công ty sản xuất vũ khí sẽ xanh sàn khi mở cửa lại vào ngày mai.
Theo Hoàng Duy Long / tuoitre.vn