Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nước Đức bắt đầu xây dựng nền công nghiệp chậm hơn rất nhiều so với các nước phát triển Âu – Mỹ khác và từng là “nỗi ám ảnh” của các quốc gia Châu Âu mỗi khi nhắc đến hàng hóa “Made in Germany”.
Tại thời điểm bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa, nước Đức gần như không có một nền tảng nào về khoa học công nghệ và họ phải học tập theo Anh, Pháp… Trải qua công đoạn “ăn cắp kỹ thuật”, tạo nên những sản phẩm kém chất lượng, mô phỏng theo thương hiệu của nước ngoài… để có được thị trường tiêu thụ, hàng hóa Đức chẳng mấy chốc đã trở thành một “gánh nặng” cho các nước “đi trước”.
Không những vậy, nền giáo dục Đức bấy giờ cũng có vấn đề. Những sinh viên đại học ra trường với kiến thức xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế – xã hội đương thời. Họ hoặc chỉ có thể vào phòng thí nghiệm, hoặc là buộc phải học lại từ đầu để thích nghi với xã hội.
Ngày 23-7-1887, nghị viện Anh thông qua tu chỉnh luật về thương hiệu, buộc hàng hóa Đức bán vào nước Anh và các thuộc địa Anh trên toàn thế giới phải ghi rõ “Made in Germany” và điều này đồng nghĩa với… hàng kém chất lượng. Điều này là một sự sỉ nhục với nước Đức, cụ thể hơn là với hàng hóa của nước Đức và họ đã quyết tâm “tạo ra một cuộc cách mạng”.
Và người Đức đã tìm ra đáp án ở nước Mỹ, đất nước luôn đề cao “lý luận kết hợp với thực tiễn”. Minh chứng là đại bộ phận sinh viên Mỹ tốt nghiệp ra trường đều có thể hòa nhập ngay vào nền kinh tế, làm việc và tạo dựng sự nghiệp. Từ bài học đó, Đức đã phát triển nền công nghiệp nước nhà trên cơ sở của sự liên kết chặt chẽ giữa những nhà khoa học làm nghiên cứu với các kỹ sư, công nhân trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp, lấy thị trường làm thước đo đánh giá chất lượng mọi sản phẩm.
Đây quả là một bước nhảy vọt cho nền kinh tế công nghiệp! Chỉ sau vài thập kỷ, những sản phẩm công nghiệp của Đức, từ thiết bị cơ khí, máy móc, điện,… cho đến dụng cụ nhà bếp, văn phòng, thể thao … đều có chất lượng hàng đầu thế giới. Dòng chữ “Made in Germany” đã trở thành một sự đảm bảo cho chất lượng, đẳng cấp được công nhận trên toàn cầu.
Ngày nay, người Đức đã sở hữu trên 3.200 thương hiệu hàng đầu thế giới, trong đó nhiều công ty có thương hiệu trên 100 tuổi. Ít ai biết rằng, đất nước ấy chỉ có 80 triệu dân và từng 2 lần bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, cũng như đã trải qua một quá khứ “không mấy vẻ vang” như vậy!
Vậy điều gì đã khiến “kẻ đi sau” Đức trỗi dậy mạnh mẽ đến thế?
Thứ nhất, người Đức không có mới nới cũ
Người Đức rất trân trọng những thứ lưu giữ ký ức, kinh nghiệm, lịch sử và văn hóa của họ. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, rất nhiều nhà cửa, công trình kiến trúc tại các thành phố của Đức bị tàn phá. Khi xây dựng lại, thay vì chạy theo những phong cách đương thời, người Đức lại chọn cách phục hồi diện mạo cũ. Ngày nay, khi đến thăm Đức – nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, bạn sẽ ngạc nhiên bởi các thành phố lớn nhỏ đều không có nhiều nhà cao tầng theo kiểu hiện đại mà đa phần đều giữ phong cách kiến trúc Baroque, Rococo cổ xưa.
Có vị giáo sư Đức, sử dụng một chiếc radio cổ từ thời còn dùng đèn tube, tuy nhiên chất lượng âm thanh vẫn rất tuyệt vời. Khi có người hỏi ông tại sao còn dùng loại radio cổ lỗ sĩ này, ông đáp rằng tuy sản phẩm rất cũ, sản xuất từ thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng còn rất tốt và ông không có lý do gì để bỏ đi cả. “Hơn nữa, chiếc radio này đã lưu lại biết bao kỷ niệm của tôi từ thời niên thiếu, tôi vô cùng quý mến nó!”.
Chính nhờ tinh thần yêu nước, trân trọng bản sắc văn hóa và sự nâng niu những giá trị truyền thống mà dù xã hội có “hỗn loạn” đến đâu, cũng như những trào lưu mới liên tục xâm nhập, người Đức vẫn giữ được những giá trị quan của họ. Các kiến trúc sư tâm huyết với những công trình của mình, các nhà sản xuất tận lực với từng sản phẩm của doanh nghiệp và mỗi người dân đều quý trọng những thứ thuộc về quê hương, dân tộc. Một sản phẩm của người Đức được làm ra không chỉ có mục đích sử dụng, mà còn chứa đựng trong đó danh dự và tâm huyết của của người sáng tạo.
Thứ hai, người Đức đề cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm
Đối với người Đức, tối đa hóa lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu. Doanh nghiệp không chỉ tìm lợi ích kinh doanh mà phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mới. Đó mới là thiên chức của nhà doanh nghiệp Đức.
Chính vì thế ở Đức không có loại doanh nghiệp giàu lên chỉ “qua một đêm”. Họ thường chú tâm vào một lĩnh vực hay một sản phẩm nào đó, khởi đầu từ một công ty nhỏ rồi dần dần trưởng thành. Các doanh nghiệp Đức không cạnh tranh nhau bằng giá cả mà dùng chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu. Tất nhiên họ vẫn tìm kiếm lợi nhuận, nhưng không phải bằng mọi giá mà đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cũng tức là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo thống kê, khoảng 30% các sản phẩm xuất khẩu của Đức trên thị trường quốc tế đều là sản phẩm độc nhất, không có đối thủ cạnh tranh. Những sản phẩm này đa phần đều có trình độ hàng đầu thế giới; thậm chí một số còn có độ khó rất cao, nước khác không thể nhanh chóng làm theo được.
Tất nhiên, nước Đức cũng có những scandal chấn động cả thế giới khiến người ta có lúc lung lay niềm tin về độ chính xác tuyệt đối và sự tin cậy tối ưu của người Đức như những hành vi mang tính lừa đảo có hệ thống của Volkswagen (VW) hay vụ tai nạn kinh hoàng của Germanwings lấy đi mạng sống của 150 hành khách. Người ta cũng đã từng đặt câu hỏi: Tại sao một công ty của Đức lại có thể để xảy ra “lỗi kỹ thuật” nghiêm trọng như vậy?
Thế nhưng, trên tất cả, cả Siemens và VW đều đã học được nhiều từ những cú vấp ngã đó và họ đang nỗ lực sửa chữa lỗi lầm để giữ lại niềm tin của khách hàng. Người Đức bao năm nay vẫn tự hào về sự trung thực trong tài chính và kinh doanh của mình và họ biết mình phải làm gì để giữ niềm tự hào đó!
Theo Thiện Nam / dkn.tv