Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ không ủng hộ một số quốc gia châu Âu đang kêu gọi toàn EU ngừng cấp thị thực cho công dân Nga.
“Đây không phải cuộc chiến của người dân Nga, mà là cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và chúng ta nhận thức rất rõ điều này”, Thủ tướng Đức nói trong cuộc họp báo bên lề hội nghị của 5 lãnh đạo Bắc Âu ở Oslo, Na Uy ngày 15/8. “Điều quan trọng chúng ta cần hiểu là có rất nhiều người rời khỏi Nga vì không đồng tình với chính quyền”.
Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU), như Ba Lan, Phần Lan, Latvia, Litva, Estonia, Cộng hòa Czech và Slovakia, ủng hộ dừng thỏa thuận năm 2007 giữa EU và Nga về “cùng tạo thuận lợi cấp thị thực”. Những nước này cho rằng người Nga không thể đi nghỉ ở châu Âu khi Moskva đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thỏa thuận năm 2007 điều chỉnh việc cấp thị thực cho công dân Nga và EU “muốn ở lại không quá 90 ngày trong mỗi giai đoạn 180 ngày”. Đức, Pháp và Hà Lan không đồng tình với đề xuất cấm thị thực công dân Nga.
“Tất cả quyết định mà chúng ta đưa ra trong EU không nên làm cho việc đi lại tự do trở nên phức tạp hơn”, ông Scholz nói thêm.
Vấn đề liên quan cấp thị thực cho công dân Nga dự kiến được đưa ra tại cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng EU ngày 31/8.
Thị thực, được cấp trong khu vực đi lại của châu Âu hay còn được gọi là “khu vực Schengen”, có thể được sử dụng ở 26 nước châu Âu, bao gồm 22 quốc gia EU cùng Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Thông thường, người và hàng hóa di chuyển tự do giữa các quốc gia này mà không cần kiểm tra biên giới.
EU đã cấm máy bay Nga đi vào không phận sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, người Nga vẫn có thể di chuyển bằng đường bộ đến các nước láng giềng của EU và dường như sau đó bắt chuyến bay đến các điểm đến khác ở châu Âu.
Ba quốc gia Baltic là Estonia, Latvia và Litva đã ngừng cấp thị thực cho công dân Nga. Phát biểu với tờ Deutsche Welle của Đức cuối tuần qua, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho rằng không người Nga nào, bất kể quan điểm của họ về cuộc xung đột ra sao, nên được phép vào khu vực Schengen.
Nga lên án các đề xuất trên là “chủ nghĩa dân tộc trắng trợn” và bài ngoại. Điện Kremlin cũng bày tỏ hy vọng “sự khôn ngoan, hợp lý” sẽ thắng thế.
Huyền Lê (Theo AP, RT)
Nguồn: vnexpress.net