Câu hỏi:
Tôi sống chung cùng bạn gái. Xưa nay bạn gái luôn đứng tên xe và ký bảo hiểm. Còn tôi chưa một lần nào. Nghe nói ai đứng tên hay mua bảo hiểm đều được, thậm chí không cần cả bằng lái. Vậy, nay bạn gái muốn sang tên xe cho tôi, nhưng vẫn đứng tên bảo hiểm có được không? (lylysnails@…).
Trả lời:
Quý độc giả không cho biết hoàn cảnh thực tại của mình như thế nào, nguyên nhân và mục đích gì phải thay đổi tên chủ xe nhưng vẫn giữ lại bảo hiểm, để có thể trả lời cụ thể. Tuy nhiên việc thay đổi tên chủ xe, người ký bảo hiểm, liên quan tới 3 vấn đề pháp lý,
(1) bằng lái xe,
(2) giấy phép xe,
(3) bảo hiểm trách nhiệm,
trong thực tế thường xảy ra nhiều tình huống, Qúy độc giả có thể tham khảo dưới đây.
Trách nhiệm mua bảo hiểm
Tại Đức luật quy định chủ sở hữu xe chịu trách nhiệm mua bảo hiểm, không có ngoại lệ. Nếu không, xe sẽ không được cấp giấy phép lưu hành. Bảo hiểm có hai loại khác nhau: Bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc Haftpflicht, và bảo hiểm thiệt hại xe toàn phần hoặc bán phần mang tính tự nguyện (Voll-, Teilkaskoversicherung).
Không có bằng lái vẫn được phép đứng tên sở hữu xe và mua bảo hiểm
Thường xảy ra khi:
(1) Mặc dù vẫn chưa học xong bằng lái, một người không muốn bỏ lỡ cơ hội mua một chiếc xe cũ đang được rao bán với giá hấp dẫn.
(2) Sau khi chồng/vợ qua đời, vợ/chồng không muốn bán xe ngay. Là người thừa kế vợ/chồng có trách nhiệm đứng tên và mua bảo hiểm xe mặc dù không có bằng lái.
(3) Chồng/vợ mắc nợ sở tài chính. Để giữ xe không bị cấn nợ, chồng/vợ chuyển tên sở hữu xe sang cho vợ/chồng. Vợ/chồng ít nhất phải có bảo hiểm trách nhiệm Haftpflicht cho chiếc xe nhưng không đòi hỏi phải có bằng lái xe.
(4) Một người bị tước bằng lái xe vì gây tại nạn giao thông, xe bị hỏng hoàn toàn (Totalschaden). Mặc dù chưa học xong khóa bồi dưỡng để lấy lại bằng lái người này vẫn muốn mua một chiếc xe mới.
Giấy tờ cần thiết
Để ký hợp đồng bảo hiểm không cần bằng lái xe mà cần
(1) giấy tờ xe (Fahrzeugschein) với tên chính thức tiếng Đức là „Zulassungsbescheinigung Teil 1“ (Giấy chứng nhận đăng ký Phần 1) trong đó có đủ dữ liệu xe theo luật định,
(2) hạng mức không gây thiệt hại (Schadensfreiheit SF) có ghi trong hóa đơn trả phí bảo hiểm mới nhất. Một số hãng bảo hiểm còn đòi hỏi số cây số (Kilometerstand) và số nhận dạng xe (Fahrzeugidentifizierungsnummer). Nếu chuyển đổi chủ xe cần số bảo hiểm hợp đồng cũ.
Dù không cần có bằng lái khi đăng ký bảo hiểm, nên lưu ý nếu mới có bằng lái, bảo hiểm xe hơi có thể rất tốn kém vì phí bảo hiểm được tính toán dựa trên mức miễn phí thiệt hại (Schadensfreiheitsrabatt), càng ít gây tai nạn giao thông giá phí càng thấp. Ai chưa bao giờ sở hữu xe hoặc bằng lái phải đóng phí bảo hiểm cao nhất. Mặc dù xe đã đăng ký và có bảo hiểm chủ xe không được lái nếu không có bằng vì như vậy phạm tội hình sự và bị phạt rất nặng.
Bùi Hồng
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin mới nhất về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!