Khi các chính trị gia quyết các ông trùm mạng xã hội và người dùng phải “trả giá” cho những gì họ làm trên Internet
Có thể nói Facebook, Twitter, Youtube là ba trong số những điển hình của Media thế kỷ 21. Nó làm thay đổi không chỉ nhận thức, mà còn cả thói quen và thậm chí là cả những phương thức thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, điều mà vài ba năm gần đây người ta bắt đầu tranh cãi dữ dội, làm đau đầu giới cầm quyền nhà nước lẫn giới lãnh đạo các tập đoàn mạng xã hội hàng đầu toàn cầu, đó là: làm sao quản lý thế giới “ảo mà không ảo”.
Sau các chiến dịch “giết người công khai thế giới” của IS kích động nỗi sợ và làn sóng bạo lực, giới quan chức Đức bắt đầu lo lắng về số phận của “nền dân chủ Đức” có thể bị đe dọa. Những năm gần đây, họ đẩy mạnh yêu cầu sự kiểm duyệt của các ông lớn như FB, Twitter và cả youtube.
Mới đây, chiến thắng của tổng thống Trump với sự trợ giúp đắc lực của mạng xã hội; đồng thời tin giả trở thành một công cụ ngày càng phổ biến để tấn công giới tinh hoa (ví dụ: tin tức giả bêu xấu người tị nạn, nhập cư,… nhằm đánh vào chính quyền TT Merkel) đã khiến đất nước có tiếng là “cứng rắn” này lo lắng.
Thực tế thì quan điểm, thái độ hay nhận thức của người dân Đức đối với nền dân chủ nước này (quá khứ, hiện nay và 10 năm sau đó) luôn được ngành truyền thông nước này theo sát. Điều đáng lưu ý là các khảo sát về mức độ theo dõi và sử dụng mạng xã hội của người dân cũng được điều tra kỹ lưỡng để đánh giá xem thái độ của dân với nền dân chủ bị tác động bởi mạng xã hội và thay đổi theo chiều hướng tốt xấu ra sao.
Các điều tra mới đây có lẽ khiến Đức càng lo lắng khi mức độ cải thiện “kiểm duyệt” của các ông mạng xã hội có vẻ không mấy khả quan, điển hình như ông Twitter gần như không có động đậy, còn FB và Youtube tuy đã xóa lấy xóa để, thậm chí FB thuê hẳn 3.000 nhân viên chỉ để kiểm duyệt thông tin bạo lực, liên kết với một số hãng thông tấn để lọc tin giả,… nhưng các anh tỷ phú vẫn đau đầu nhức não vì tin tức không đạt chuẩn vẫn cứ hiện diện không ngừng nghỉ. Dự kiến đến cuối 2017 FB sẽ triển khai hơn “700 anh em” ở Berlin để kiểm duyệt nội dung trên trang mạng xã hội có “dân số” đông đảo bậc nhất thế giới này.
Trước thềm bầu cử 2017, chính quyền Merkel không khỏi lo lắng khi các đối thủ “đang lên” có khả năng sử dụng mạng xã hội để “ném đá giấu tay”; trong khi các phe đối lập cũng lo lắng không kém khi đà đang lên của họ có thể “vỡ tan” chỉ bằng một vài chiến dịch tung tin tấn công cá nhân theo kiểu “bỏ bóng đá người”.
Một hành động quyết liệt của chính quyền liên bang là đề xuất luật xử phạt các ông lớn Facebook, Twitter, Youtube nếu như mấy ông này không xóa các báo cáo (report) về các nội dung liên quan bạo lực và tuyên truyền kích động thù địch, tấn công (người khác) trong vòng 24 tiếng. Mình chưa đọc cái dự luật này ra sao, nhưng mức phạt thì rất “hấp dẫn”, lên đến 55 triệu USD.
Cha đẻ của dự luật này là Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas, người mà năm ngoái nhận bưu phẩm có viên đạn dài 9mm sau khi lên tiếng chỉ trích phe cực hữu. Bộ luật của ông mang tên Netzwerkdurchsetzungsgesetz (tiếng Anh: Network Enforcement Law) và được xem là “Người cảnh sát kiểm soát nội dung” (Inhaltepolizei). Điều rất hay ho chính là ông Mass muốn triển khai ý tưởng “cảnh sát Internet” này cho cả Liên minh châu Âu EU, và với sự thắng cử của TT Pháp Macron thì theo giới quan sát, trong khi Pháp thời Macron và Đức thời Merkel đang có những tầm nhìn chung về EU thì “cảnh sát Internet” sẽ hiện diện trên phạm vi EU.
Bộ luật hiểu nôm na là yêu cầu mấy anh mạng xã hội cho người ngồi đọc post, comment, xem video và kiểm duyệt nội dung, làm sao để thông tin phải lành mạnh, phải đúng, và cái nào không đạt yêu cầu phải xóa trong vòng 24 giờ sau khi bị báo cáo report). Nói thêm chút, nếu anh nào lên mạng xã hội nói xấu từ một người dân thường đến một lãnh đạo cao cấp thì đã bị luật Đức xử nặng, đánh vào túi tiền lẫn tù tội, và các phán quyết của tòa Đức vài tháng qua thường xuyên có những vụ như vậy. Giờ đây, không chỉ anh người dùng (users) bị phạt, mà anh chủ mạng xã hội (companies) cũng bị phạt không luyến tiếc điều chi.
Phản ứng với bộ luật này, nhiều hiệp đoàn kinh tế, dân sự lẫn các nhóm hoạt động xã hội dân chủ đã lên tiếng phản đối. Họ gọi luật của ông Heiko Maas đề xuất là “ngày đen tối đối với một môi trường Internet tự do”. Họ cho rằng bộ luật đã “bịt miệng” quyền tự do phát ngôn của họ (trên mạng xã hội), đồng nghĩa với việc đi ngược lại với nền dân chủ nước Đức nhiều năm qua.
Nhiều người so sánh rằng bộ luật Đức, so với nền tự do phát ngôn của Mỹ, là một bước lùi về dân chủ. Tuy nhiên giới chính trị tại Đức và bản chất truyền thông của Đức cũng không giống như hệ thống của Mỹ. Theo nghiên cứu thực nghiệm của hai chuyên gia đa đề ngành truyền thông thế giới Hallin và Mancini, trong hệ thống Media của Mỹ vai trò (can thiệp) của nhà nước thấp, trong khi tại Đức (và cả Anh), nhà nước can dự sâu mà cụ thể là trong việc quản lý các nguyên tắc sở hữu và phát thanh, truyền hình đại chúng.
Tại Đức các chính trị gia cho rằng dân chủ chỉ được đảm bảo trong một môi trường phát ngôn có giới hạn, và “giới hạn” đó trong Netzwerkdurchsetzungsgesetz đang bị tranh cãi vì nhiều người cho rằng nó thậm chí vi phạm tinh thần hiến pháp Đức. Trong khi đó, “may mắn” cho giới tinh hoa Đức là trong Hiến Pháp nước này, có một điều “mở cửa” cho những bộ luật như Netzwerkdurchsetzungsgesetz – điều 18: “Wer die Freiheit der Meinungsäußerung, insbesondere die Pressefreiheit (Artikel 5 Abs. 1), die Lehrfreiheit (Artikel 5 Abs. 3), die Versammlungsfreiheit (Artikel 8), die Vereinigungsfreiheit (Artikel 9), das Brief-, Post- und Fernmeldegeheimnis (Artikel 10), das Eigentum (Artikel 14) oder das Asylrecht (Artikel 16a) zum Kampfe gegen die freiheitliche demokratische Grundordnung mißbraucht, verwirkt diese Grundrechte. Die Verwirkung und ihr Ausmaß werden durch das Bundesverfassungsgericht ausgesprochen”. (Tạm hiểu là: Những ai lợi dụng các quyền được phép, gồm tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí (Điều 5.1), Tự do giảng dạy (Điều 5. 3), tự do hội họp (Điều 8), tự do lập hội (Điều 9), sự riêng tư của thư từ, bưu chính viễn thông (Điều 10), bất động sản (Điều 14) hoặc luật tị nạn (16a), để tổ chức chống lại tự do dân chủ, thì các quyền cơ bản này sẽ bị hủy bỏ. Mức độ của bản án này tuân theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức). Vậy nên có người nói rằng, các chính trị gia Đức dùng phương tiện phi dân chủ để quản lý dân chủ; trong khi người khác cho rằng dân chủ không có giới hạn thì sẽ thành phi dân chủ.
Có lẽ, Facebook trong khi đau đầu vì tìm cách quản lý những thông tin tiêu cực, thì cuộc tranh luận về “nền dân chủ” sẽ còn đáng nói hơn rất nhiều trong thời gian tới đây, và tất nhiên sẽ không chỉ tại Đức. Tuy nhiên, việc đưa các ông lớn như FB, Twitter và Youtube và người dùng các phương tiện này vào để điều chỉnh trong khuôn khổ luật pháp là điều gần như chắc chắn trở thành xu thế của các quốc gia, bởi phía sau nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an ninh.
Tất nhiên, để đạt một sự tiến bộ trên “thế giới ảo” như loài người từng đạt được khi biết xây dựng hiến pháp, luật pháp ở thế giới thật, thì không tránh khỏi những cuộc tranh cãi kéo dài không chỉ một hay vài ba năm là đủ. Tạm gọi đó là một cuộc tranh cãi “cách mạng” ở Đức. Việt Nam, rồi cũng sẽ đến lúc xảy ra cuộc tranh cãi “cách mạng” này.
Nguồn: Facebook Đỗ Thiện
* Bài viết đã đăng trên trang Facebook cá nhân và được đăng lại trên Thời báo Việt Đức với sự đồng ý của tác giả.