Ngày nhỏ cứ giáp tết nguyên đán, tôi và thằng em trai hay nằm trong lòng của Ba, đong đưa cái võng lưới chờ nồi bánh Tét đang sôi ùng ục bên ngoài. Ba tôi khi đó lúc nào cũng thường nghe không thấy chán một giai điệu quen thuộc nào đó mà sau này tôi mới biết là bài hát:“xuân này con không về”. Ông trầm ngâm hút vài ba điếu thuốc do ông tự cuốn bằng giấy vụn vặt và không nói gì. Lớn hơn một chút, năm tám, chín tuổi gì đó, khi ý thức được nội dung của ca từ mà tôi thuộc cả giai điệu, tôi đoán biết Ba nhớ đến bà nội của tôi – cách xa gần ngàn cây số, với cái lưng gù, đôi mắt mờ ở tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn cặm cụi đun ấm nước sôi để pha ấm trà nóng đặt bên chén muối, đĩa mứt gừng cay cay ngày Tết trên bàn thờ ông nội tôi.
Ba tôi thương nội, người đàn bà có gần chục người con nhưng suốt đời thui thủi một mình với cái nghèo ở đất miền trung sỏi đá, còn con cháu tứ tán tha phương: đứa ở đợ đằng đông – người làm thuê đằng tây để mưu sinh. Ba hay bảo tôi viết thư rồi chở anh em tôi lên chợ huyện chụp tấm hình để gửi kèm về cho Nội ngày lễ tết, dù Nội tôi cũng chỉ sờ sờ, mò mẫm rồi tự ước lượng hai đứa cháu nội cao thấp bao nhiêu, mập ốm thế nào. Hễ ai quở tôi “mũi tẹt” là bà mắng “nó mũi tẹt giống tao, nó là cháu của tao”.
Vậy là anh em tôi lớn lên trên ngực trần của Ba, trên cái võng cũ mà mẹ tôi vá đi vá lại cả chục lần, với những ca từ mộc mạc nhưng đầy day dứt: “năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngỏ mà tin con vẫn xa ngàn xa”… Mãi sau này lớn lên, đi đến nhiều nước, khi mùa tết ùa về mà tôi vẫn bận rộn ở một phương trời xa và chỉ nhìn mặt gia đình qua ô cửa nhỏ xíu của màn hình máy tính, tôi mới chợt hiểu rằng ngày đó chắc Ba tôi sẽ rất nhớ tết quê nhà, nhớ nồi bánh Tét, nhớ những lúc trông bánh đến trời gần sáng, nhớ những cái suýt xoa khi thử miếng bánh đầu tiên: thơm lựng, béo ngậy, ngọt mùi đồng quê.
Cái nghèo khó, quẩn quanh với miếng rẫy chỉ đủ ăn qua ngày khiến Ba tôi vẫn đau đáu một nỗi buồn, một ước mơ về miền trung đất cháy ăn tết cùng nội tôi, cùng đại gia đình. Tuổi trẻ của Ba tôi (theo lời mẹ kể) là một cuộc chiến thật sự với cái dốt nát và nghèo khổ; với những ngày lang thang không nơi ăn chốn ở; với những lúc đi ở đợ chỉ đủ tiền ăn; với những nỗ lực không ngừng với mảnh đất nhỏ cằn cõi sau khi lấy vợ và anh em chúng tôi ra đời… Thế nhưng, trong trí nhớ của tôi, tới lúc Ba tôi “ngả mũ bỏ quên đời” thì ông chưa được một lần về thăm nội tôi ngày tết. Đến giờ, cứ tết về là tôi lạimở bản nhạc xuân mộc mạc mà thuở sinh thời Ba tôi vẫn thường nghe dù tôi khác ba, tôi bên gia đình ngày tết. Tôi nghe vì tôi nhớ đến Ba, nhớsự day dứt và mơ ước của ông khi chưa một lần về quê tết nội.
Ba tôi đột ngột “đi xa”, anh em tôi lớn lên trên đôi vai của mẹ với chiếc xe đạp cũ thay cho đôi quang gánh trong những khúc thơ ca về tình mẹ. Bà “chở” anh em tôi qua bao ngày nắng, ngày mưa của những năm phổ thông, rồi đứng ở bến xe nhét vội vào ba lô tôi những tờ tiền lẻ xếp gọn để tôi vào đại học. Cũng như Ba tôi, suốt mấy chục năm rời đất miền trung, mẹ tôi cũng chưa từng về chúc tết ngoại tôi ngày tết. Thế nên trong cái loa nho nhỏ thằng em tôi mua cho bà nghe nhạc, lúc nào bà cũng đòi cài những bài hát mà chính thằng em tôi thu âm với ca từ da diết như quê hương, nội tôi, hay những ca từ tương tự.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xa mẹ tôi, em tôi vào ngày tết. Thời còn sinh viên, dù ngày tết làm thêm ra tiền nhiều hơn, tôi cũng bỏ hết để về. Tôi luôn tính toán chi tiêu, làm thêm trong năm để không bao giờ phải thiếu thốn tiền bạc đến mức phải ở đất Sài Gòn xanh xanh đỏ đỏ, phải lội ngược dòng người đang hớn hở về quê đón tết. Có người bảo tôi yếu đuối, khuyên tôi cứ mạnh mẽ nán lại Sài Gòn kiếm thật nhiều tiền rồi về thăm nhà sau. Có lúc tôi xôn xao vì chuyện kiếm tiền, nhưng kịp nhớ tới bản nhạc xuân ở nhà, nhớ tới ba mẹ tôi khổ cả cuộc đời vẫn đau đáu một nỗi niềm với ông bà nội ngoại, với quê hương. Tôi về!
Nhưng cuộc đời không ai biết trước tất cả. Tôi trúng tuyển học bổng và lên đường sang Đức học cao học vài năm. Tôi vui mừng, cả nhà tôi vui mừng bởi dù đây không phải là một thành quả lớn lao (so với thế giới ngoài kia), nhưng đó là sự đền đáp những tháng năm ba mẹ tôi hi sinh và mong mỏi. Tết năm nay có lẽ tôi không thể về với gia đình. Báo tin qua Facebook, mẹ tôi giọng buồn thấy rõ. Cuộc sống bên Đức khá ổn: người dân tốt bụng, không khí trong lành, môi trường học tập thuận lợi. Dù vậy tôi cũng phải chiến đấu: có thể không gian lao thể xác như cái thời ba mẹ tôi rời đất miền trung vào nam kiếm sống. Nhưng mọi chi phí sinh hoạt, việc học, hòa nhập môi trường mới,…tôi đều phải tính toán cẩn trọng và chu đáo. Lịch học tập và thi cử, chi phí vé máy bay,…là những thứ tôi không dễ dàng xa xỉ.
Có lẽ năm nay tôi sẽ nghe bài hát ấy một mình giữa tiết trời rét cóng và buồn đến nao lòng ở miền Đông nước Đức, và ở nhà em tôi cũng không dám mở bài hát quen thuộc này vì sợ mẹ tôi nức nở vì nhớ con. Dù tết vẫn chưa gõ cửa nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấm thía cái cảm giác xa quê ngày tết tìm ước mơ của mình, để rồi nhớ da diết món thịt kho trứng hay món canh khổ qua mà mẹ luôn nấu. Gần 30 năm trước ba mẹ tôi vào nam mưu sinh, còn bây giờ tôi rời Việt Nam để sang Đức dung dưỡng ước mơ của mình. Ba mẹ đi chưa hẹn ngày về nội ngoại tôi ăn Tết. Nhưng tôi tin, đi xa là để sớm quay về ăn Tết với quê hương.
Đại Thắng (Học viên Cao học theo chương trình Konrad-Adenauer-Stiftung tại ĐH Công nghệ Ilmenau)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!