Sự bùng nổ nợ công sau hậu quả của cuộc khủng hoảng đồng EUR năm 2011 đã loại bỏ ý tưởng cho rằng các quốc gia có thể chi nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế. 8 năm sau khủng hoảng, khi tăng trưởng của khu vực đồng EUR giảm và hiệu quả từ các biện pháp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đạt đến giới hạn của nó, đã đến lúc cần tới chính sách mới về ngân sách.
Theo Báo Le Monde, đây cũng là những gì mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc nhở trong hội nghị G7 vừa diễn ra ở Biarritz, gợi lên sự cần thiết phải có sự phục hồi kinh tế và kèm theo đó là “các công cụ mới”. Khi nền kinh tế đang phủ bóng đen, tỷ lệ đầu tư công và tư trong tổng sản phẩm quốc nội của châu Âu đã giảm từ 22% xuống 20% trong 10 năm, theo Ủy ban châu Âu, cho dù có chính sách tiền tệ mở rộng được ECB áp dụng từ năm 2014. Đó là một thất bại và cần rút ra bài học từ bây giờ bằng cách sử dụng đòn bẩy ngân sách.
Lúc này, mọi con mắt đều đổ dồn về Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chiếm 1/3 GDP của Eurozone, vẫn đứng yên. Bị ảnh hưởng bởi sự chững lại trong thương mại toàn cầu, hậu quả của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ngành công nghiệp Đức đã giảm 7,5% hoạt động trong 18 tháng. Ngành ô tô của nước này quay về mức năm 2009, khi ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Thế nhưng, trong những năm gần đây Đức đã tích lũy thặng dư ngân sách và thương mại khổng lồ – thứ mang lại sự khác biệt cho nước này mà các quốc gia khác không có. Nợ công của Đức dự kiến dưới 60% GDP trong năm nay (so với gần 100% ở Pháp) và lãi suất thực tế thấp hơn tốc độ tăng trưởng, Berlin vẫn giữ ngân sách cân bằng bất khả xâm phạm.
Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) liên tiếp đưa ra lời kêu gọi Đức thay đổi hướng đi. Các nhà kinh tế ước tính cần hàng trăm tỷ EUR đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng của đất nước và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng. Một kế hoạch như vậy có thể gây hiệu ứng trên quy mô toàn châu Âu, khi mà Hà Lan – nước cũng có lợi thế ngân sách sắp giải ngân 50 tỷ EUR để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền ở Đức không ủng hộ những quyết định can đảm. Có rất ít khả năng bà Angela Merkel sẽ được phe bảo thủ bật đèn xanh cho việc giảm bớt các quy định về ngân sách. Tồi tệ hơn, chỉ sợ do rơi vào thế kẹt trong kế hoạch công nghiệp, Berlin quyết định áp dụng, như khoảng thời gian 2000-2008, một chiến lược không hợp tác với phần còn lại của châu Âu.
Khi mọi phương thức không còn hiệu quả và tình huống thay đổi, tất nhiên sự thay đổi ở Berlin là đáng mong đợi. Để khôi phục khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu, Đức có thể lựa chọn chi phí sản xuất thấp hơn, thậm chí là thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, với lựa chọn như vậy, Pháp và Italy là nạn nhân đầu tiên, sẽ báo tử cho nền kinh tế châu Âu.
Theo Việt Khuê / sggp.org.vn