Chật vật kiếm sống bên Nga nhưng mỗi lần về làng ai ai cũng tưởng chúng tôi giàu có lắm và Tết thì phải biếu quà không thiếu ai.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Như Nguyệt, 36 tuổi quê ở Bắc Ninh, hiện sống, làm việc ở Matxcova, Nga về cảm xúc trái ngược khi về nước ăn Tết.
Đã 4 năm rồi tôi mới về Việt Nam đúng dịp Tết. Cảm giác thật ấm áp và hạnh phúc khi được ở bên người thân những ngày cuối năm rộn rịp đi chợ sắm sửa, chuẩn bị gói bánh chưng, gặp lần lượt những đứa bạn cũng đi xa trở về đoàn tụ. Nhưng niềm vui không xóa được hết những âu lo và cảm giác mệt mỏi trong tôi.
Tôi sang Nga theo người thân cách đây 15 năm và gặp chồng mình tại đó. Chúng tôi đều bán hàng tại một khu trung tâm thương mại lớn ở Matxcova. Cưới nhau được 11 năm, chúng tôi hầu như cách năm đều về quê nhưng về vào Tết thì đây mới là lần thứ 3.
Những năm ở lại, cứ đến dịp cận Tết là trong người tôi nôn nao, nhớ về những ngày này hồi ấu thơ, khi các anh chị em háo hức đợi bố mẹ mua quần áo mới, cùng nhau dọn căn nhà nền đất, cọ lá, gói bánh, ngồi quây quần bên nồi bánh chưng. Những ngày đó, vợ chồng tôi vẫn phải đi bán hàng nhưng cũng làm mâm cỗ, về sớm hơn “ăn Tết”. Chúng tôi liên tục gọi điện thoại và nhận cuộc gọi từ người thân Việt Nam, được mọi người cho xem cảnh cả gia đình làm cỗ, quây tụ ăn tất niên, chúc tụng, ngồi đánh bài… Nghe, nhìn những hình ảnh đó, tôi lúc thì ngậm ngùi trào nước mắt, khi thì cười không ngừng lại được. Ở lại thì thực sự thèm không khí Tết, mong về lắm nhưng việc trở về không dễ dàng chút nào.
Sau khi kết hôn 5 năm vợ chồng tôi mới sinh con đầu lòng vì gặp trục trặc nhưng ở bên này không dễ dàng khám, chữa nên phải đợi mỗi đợt về nước mới đi kiểm tra, lấy thuốc. May mắn là sau đó, tôi cũng có bầu và sinh lần lượt 2 bé, giờ cả hai 6 và 3 tuổi. Chúng tôi thuê một gian hàng bán đồ may mặc, vài năm trước cũng kiếm được nhưng mấy năm gần đây việc buôn bán hầu như luôn trong cảnh cầm chừng.
Ở Maxcova, vợ chồng tôi thuê một gian hàng với giá khoảng 400.000 rúp (khoảng hơn 155 triệu đồng) mỗi tháng. Gia đình tôi 4 người, thêm một em chồng và một người trông trẻ, ở chung trong căn hộ gần 50m2, với giá thuê tương đương với khoảng 20 triệu/tháng. Ngoài ra, chúng tôi tốn tiền ăn, lương cho người chăm con, đi lại, đóng khẩu nên hầu như khoản dành dụm không đáng là bao.
Nếu về Tết, hầu như hai vợ chồng phải tiêu hết khoản làm được của cả năm. Vé khứ hồi cho mỗi người trên dưới 20 triệu, chưa kể quà cáp cho hai bên nội ngoại tốn ít cũng tầm 100 triệu. Cả tôi lẫn chồng đều người nông thôn, gia đình đông đúc, mua quà phải đủ khắp từ các ông, bà trên 80 tới các cháu bé lít nhít vừa chào đời. Riêng khoản nghĩ mua gì cho ai, bao tiền cũng khiến chúng tôi đau đầu cả tháng. Rút kinh nghiệm lần trước mua đồ bên Nga mang về vừa đắt vừa có khi không vừa, chẳng hợp khiến người nhà phải bỏ đi, lần này, với trẻ nhỏ, tôi về chỉ cho chút bánh kẹo rồi dẫn ra chợ sắm đồ.
Ở bên kia, dù việc buôn bán cũng nguội lơ nhưng chúng tôi hầu như không dám bỏ buổi chợ nào để giữ khách. Vì thế, muốn về Tết, vợ chồng tôi không thể đi cùng chuyến. Như đợt này, tôi đưa hai con về trước, từ giữa tháng Chạp, chồng tôi tới 29 Tết mới bay về, sau khi thuê người quen trông hàng giùm khoảng 20 ngày. Chuyến bay về với tôi cũng khá hãi hùng khi một nách hai con với vô thiên lủng đồ đạc.
Tôi quê Bắc Ninh, chồng ở Nghệ An nên việc đi lại giữa hai nơi cũng khá oải và tốn kém. Ba mẹ con tôi đang ở nhà ngoại, chờ chồng tôi về thì cả gia đình sẽ thuê xe về bên nội, sau đó qua rằm mới lại quay trở về thăm bố mẹ tôi. Chuyến về lần này đặc biệt hơn vì sau Tết sẽ chỉ hai vợ chồng tôi trở lại Nga, các con ở nhà với ông bà. Cháu lớn đã đến tuổi đi học, cháu nhỏ cũng cần đi lớp. Ở bên kia, các cháu quanh quẩn cả ngày ở với người giúp việc. Chi phí học trường tư bên đó quá cao, chúng tôi không kham nổi. Học trường công được miễn phí nhưng nhiều người bản địa còn phải xếp hàng dài, đâu đã đến lượt con tôi. Mường tượng cảnh phải xa con, vợ chồng tôi đều thương nhớ và chẳng muốn chút nào nhưng đành chấp nhận khi nghĩ về tương lai các cháu.
Nỗi sợ lớn nhất của tôi khi về vào Tết là cảm giác… mất chồng. Tôi còn nhớ rõ đợt về quê lần trước, tôi hầu như chẳng nói chuyện được với chồng một lần. Anh ấy như người khác, con người của gia đình lớn chứ không phải của tôi. Anh hàn huyên với bố mẹ, các chị gái, em trai. Anh đi ăn từ nhà bác này sang nhà chú kia rồi tụ tập với hết đám bạn cùng xóm tới nhóm lớp cấp 2, cấp 3. Anh say triền miên rồi mang về đồng nào là tiêu sạch sẽ đồng đó. Tôi thì như người vô hình, chỉ đến ngày chuẩn bị lên đường mới thấy chồng hỏi han tới mình.
Chúng tôi ở Nga chật vật kiếm sống, cũng tiết kiệm từng xu nhưng về nước thì chồng không tiếc sắm sanh thứ gì. Anh bảo “Kiếm để tiêu chứ làm gì, về được mấy lần đâu”. Ai ai cũng nghĩ chúng tôi ở nước ngoài kiếm tiền dễ dàng, sống rủng rỉnh lắm. Thậm chí có lần khi cắt thuốc bắc ở một ông lang cùng xã, họ còn “hồn nhiên” định không trả lại tôi tiền thừa vài trăm vì bảo “chỗ này với anh chị Việt kiều đáng gì”. Thực tế thì chúng tôi sẽ phải cày cuốc cả năm chưa chắc đã đủ cho những ngày về. Nhiều khi làm ăn quá khó khăn bên kia, vợ chồng tôi cũng bàn chuyện về nước nhưng chưa nghĩ ra mình có thể làm gì và tôi thực sự cũng sợ cảnh chồng sẽ thay đổi nên cuối cùng vẫn bàn ở lại.
Dẫu sao, được đoàn tụ với người thân dịp Tết là mong muốn của đa số những người phải đi làm ăn xa xứ. Tôi vẫn thấy thật ấm áp trong cái lạnh quê nhà khi sáng mở mắt ra nghe được giọng nói thân quen của mẹ, tiếng gà gáy vang rồi âm thanh líu ríu của đám trẻ trước ngõ.
Theo Như Nguyệt / vnexpress.net