Là đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Mỹ, động thái của Pháp trong việc đánh thuế các đại gia công nghệ lại có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Âu.
Thượng viện Pháp đã thông qua loại thuế mới áp vào các công ty công nghệ lớn đang làm ăn tại nước này: thu thuế 3% đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (845 triệu USD) trở lên, đồng thời có doanh thu từ 25 triệu euro trở lên tại riêng thị trường Pháp.
Giới quan sát cho rằng loại thuế này sẽ nhắm thẳng vào các công ty Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon (còn được gọi là thuế GAFA, dựa trên việc ghép các chữ cái của 4 tập đoàn trên).
Pháp, Anh dẫn đầu
Chính quyền Pháp đã giới thiệu về loại thuế này từ tháng 3 năm nay, sau khi thất bại trong việc thành lập một “mặt trận chung” của EU để xử lý các công ty công nghệ đa quốc gia nêu trên. Vì không thống nhất được quan điểm, Pháp chấp nhận đi tiên phong một mình.
Hiện nay, một số quốc gia EU và nơi khác cũng thúc đẩy các kế hoạch riêng để áp thuế lên Facebook và Amazon. Vương quốc Anh cũng đã hành động vào ngày 11-7.
Theo dự thảo luật của chính quyền Thủ tướng Theresa May, thuế 2% sẽ áp lên các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu trên 500 triệu bảng và doanh thu hơn 25 triệu bảng từ người dùng Anh.
Loại thuế này có thể có hiệu lực từ tháng 4-2020 và dự kiến đem về 1,5 tỉ bảng cho người Anh trong 4 năm.
Với Pháp và Anh tạm thời đứng vai trò đi đầu, báo chí quốc tế dự báo đây sẽ là những pha mở màn cho hàng loạt hành động tương tự, biến câu chuyện này thành một nguy cơ căng thẳng kinh tế giữa châu Âu và Mỹ.
Đề xuất áp thuế tương tự thực tế đã xuất hiện ở Anh, Áo và Ý, chưa kể Úc.
Mỹ phản công nhanh
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nhanh chóng mở cuộc điều tra nhằm vào kế hoạch của Pháp, căn cứ theo điều khoản của đạo luật thương mại 1974.
Đây là luật Mỹ đã dùng làm cơ sở để khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, theo đó cho phép tổng thống sử dụng thuế quan làm công cụ chống lại các hành động liên quan tới thương mại của các quốc gia khác, nếu nó làm tổn hại lợi ích của công ty Mỹ.
Tạp chí Fortune nhận định điều này có thể xảy ra trong trường hợp của Pháp.
Có vẻ món vũ khí mang tên thuế nhập khẩu của Mỹ không chừa đối tượng nào, vì trong danh sách đa số là những đồng minh và đối tác chiến lược của Nhà Trắng.
Cái tên Trung Quốc được nhắc tới nhiều nhất giữa chiến tranh thương mại, nhưng giới quan sát không quên Ấn Độ, Mexico, Canada, Nhật Bản, châu Âu và cả Việt Nam cũng chịu cùng một nguy cơ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự kiện Mỹ lấy tiền cọc hơn 456% với một số mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở Paris, Pháp), nhận định: “Tôi cho rằng ông Trump đang gây áp lực lên mọi quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam không thể né tránh áp lực ấy, thậm chí cả EU cũng không”.
Tuần tới tại Pháp sẽ có cuộc gặp của các cường quốc G7 và câu chuyện giải pháp sẽ được bàn thảo.
Theo Hãng tin Reuters, nếu Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tìm thấy tiếng nói chung về thuế dịch vụ kỹ thuật số, cả Anh và Pháp đều có thể rút lại luật áp thuế dành cho các công ty công nghệ nêu trên.
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn