TBVĐ- Ngay khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu thì cũng là lúc hàng nghìn giáo viên trên khắp nước Đức rơi vào tình trạng thất nghiệp – chỉ trong khoảng thời gian hơn sáu tuần. Phải chăng là một biện pháp tiết kiệm của các tiểu bang?
Trong năm 2017, ngày đi học cuối cùng đối với 4.900 thầy cô giáo trên khắp nước Đức không chỉ là bắt đầu kỳ nghỉ hè, mà cũng là bắt đầu kỳ thất nghiệp. Bởi rất nhiều hợp đồng có thời hạn thường kết thúc lúc đó – và sẽ được ký kết lại vào ngày đầu tiên của năm học mới. Đây chính là một biện pháp được khá nhiều tiểu bang tại Đức đặc biệt áp dụng triệt để, vừa tiết kiệm lại vừa giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên.
Ba tiểu bang có mức giáo viên bị sa thải cao nhất năm 2017 là Baden- Württemberg với 1.680 người, Bayern với 860 người và bang Niedersachsen là 470 người – tổng cộng chiếm 61% lượng giáo viên thất nghiệp trong mùa hè trên cả nước. Ngay tại Hamburg, có 260 giáo viên thông báo nghỉ việc. Sở Lao Động xác nhận, số giáo viên bị sa thải trong năm 2017 thậm chí vẫn còn thấp hơn so với ba năm trước đó.
Cả trong năm nay (2018) cũng không ngoại lệ. Theo chủ tịch Công đoàn giáo dục GEW, bà Marlis Tepe, trao đổi với báo Spiegel Online thì “xu hướng này ngày càng rõ rệt”. Một kết quả khảo sát của Cơ quan báo chí Đức trong những Bộ giáo dục có thẩm quyền tại các tiểu bang cho thấy, đa phần giáo viên nằm trong số này là những giáo viên chỉ được ký hợp đồng lao động có thời hạn (chứ không phải giáo viên công chức) để dạy thay cho các giáo viên nghỉ đẻ hoặc bị ốm.
Chỉ riêng tại bang Baden-Württemberg, trong năm nay có 3.300 hợp đồng vừa kết thúc. Nếu tiếp tục giữ và trả lương cho giáo viên dạy thay, tiểu bang này sẽ phải chi thêm ra khoảng 12,5 triệu Euro trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, một đại diện thuộc Bộ giáo dục tại Stuttgart đã bác bỏ ý kiến của báo Spiegel khi cho rằng, Baden-Württemberg là tiểu bang cho giáo viên nghỉ việc nhiều nhất mà “không cần lý do”.
Ông giải thích rằng, trong số 3.300 hợp đồng có thời hạn bị ngừng, thì 2.000 người đã không đáp ứng đủ yêu cầu để nhận việc vô thời hạn. Trả lời phỏng vấn, người đại diện nói: “Họ không hề có bằng sư phạm hoặc vẫn chưa học xong. Trong số 1.300 người còn lại thì gần một nửa là giáo viên đã về hưu, chỉ làm thêm việc dạy thay, ngoài ra vẫn nhận lương hưu, nên không thể coi họ là “bị thất nghiệp” được … Còn lại khoảng 650 người là tự họ không muốn ký hợp đồng vô thời hạn hay nhận việc làm lâu dài tại những địa điểm họ không thích. Vì thế, họ thà làm giáo viên dạy thay và ký hợp đồng có kỳ hạn tại những nơi họ thích.” Vì vậy, ông cho rằng không cần thay đổi gì.
Ông cũng nhấn mạnh, việc làm có kỳ hạn tại các vùng phía Tây Nam thật ra chỉ là trường hợp ngoại lệ. Tổng cộng có hơn 110.000 giáo viên hiện công tác tại các trường học công cộng trên khắp tiểu bang. 90% trong số đó là giáo viên công chức. 7% giáo viên là lao động ký hợp đồng vô thời hạn, còn lại chỉ 3% là ký hợp đồng có thời hạn.
Tại những tiểu bang khác thì tình huống ngược lại: Đứng trước vấn nạn thiếu giáo viên trầm trọng, bang Rheinland-Pfalz dự tính kể từ năm 2019 sẽ trả lương cho cả các giáo viên dạy thay trong kỳ nghỉ hè. Theo Bộ giáo dục của tiểu bang này thì mức chi lúc đó sẽ tăng thêm khoảng 2,5 triệu. Tại Nordrhein-Westfalen, kỳ nghỉ hè của năm nay đã được đưa vào điều khoản về thời hạn ký kết hợp đồng – theo một đại diện cho biết. Còn bang Mecklenburg-Vorpommern thì hứa hẹn sẽ hoàn trả cho các giáo viên được ký lại hợp đồng vào năm học mới khoản tiền lương mùa hè – tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ trong số 171 người bị sa thải tại bang này thì ai sẽ nhận lại hợp đồng.
Bà Tepe cũng xác nhận, đến nay tình trạng này đã giảm bớt, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng, lượng giáo viên chuyên ngành đang thiếu trầm trọng, vì thế “nên làm sao để khiến cho nghề sư phạm hấp dẫn và lôi cuốn hơn, thay vì nói rằng: chúng tôi không cần các bạn vào kỳ nghỉ hè!”. Bà cho biết thêm, kể cả rất nhiều giáo viên tập sự cũng không có lương trong kỳ nghỉ hè, thậm chí không xin được tiền thất nghiệp, vì họ mới chỉ là giáo viên công chức dự bị nên chưa được chính thức có bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian thực tập. Hậu quả là: Trong hơn 6 tuần nghỉ hè, rất nhiều người phải chuyển sang xin trợ cấp Hartz 4.
Giáo viên làm gì để bảo vệ công việc của mình? Thông thường, những hợp đồng lao động có kỳ hạn phải nêu được lý do chỉ muốn thuê nhân lực trong thời gian đó. Ví dụ như để thay thế người làm chính quy trong thời kỳ hậu sản hoặc vì bệnh nặng, phải nghỉ dạy, ở nhà thời gian dài. Điều này xảy ra 1-2 lần có thể hiểu được. Nhưng hoài nghi nhất là khi các trường học tự lập ra kế hoạch dùng giáo viên dạy thay, nhưng không thực hiện và chứng minh được đúng như vậy. Hoặc nếu năm nào cũng có giáo viên cần phải thay thế đến đúng kỳ nghỉ hè, kỳ hạn lao động trong hợp đồng lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm – tiếng Đức gọi là “Kettenbefristungen”, nghĩa là “kỳ hạn liên hoàn” – điều này sẽ khiến ta thấy không thật. Để bảo vệ công việc của mình, trước tiên, các giáo viên cần nói chuyện nghiêm túc với nhà trường để đi đến một thoả thuận chung mà không cần ra toà. Nếu không được, họ có thể đệ đơn kiện lên toà – gọi là “kiện xoá bỏ kỳ hạn” (Entfristungsklage) theo điều 17 Luật lao động bán thời gian và qui định về hợp đồng có kỳ hạn (§ 17 TzBfG) – muộn nhất là đến 3 tuần sau khi thời hạn lao động trong hợp đồng kết thúc. Nếu thắng kiện, hợp đồng có kỳ hạn của họ sẽ được đổi thành vô thời hạn hoặc nguyên đơn sẽ được nhận một khoản tiền bồi thường lao động từ chủ lao động. Thông thường, toà án lao động sẽ chỉ xét đến kỳ hạn cuối cùng chứ không xử lý tất cả những hợp đồng đã ký trước đó. Nhưng toà cũng sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn cho mỗi một kỳ hạn mà người lao động phải ký thêm hợp đồng cho đến khi đệ đơn kiện. Cơ quan quản lý trường học hay sở giáo dục của thành phố không thể hết lần này đến lần khác đưa ra cả chục lý do cho việc năm nào cũng thuê giáo viên dạy thay chỉ đến cuối năm học được. |
Cẩm Chi
Bài viết đã đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 08.2018